Bằng sự nhân văn, chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước đã tạo điều kiện cho nhiều người từng mắc sai lầm trở về với xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, không ít trường hợp gặp khó khăn vì điều kiện kinh tế, vì định kiến từ xã hội nên không dễ vượt qua.
Món quà thiết thực từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã giúp người mắc sai lầm có điều kiện phát triển kinh tế
Quyết tâm vượt qua mặc cảm
Ông Nguyễn Văn Khéo (ngụ tỉnh Cà Mau) trước đó vì một phút bồng bột nên phải trả giá bằng bản án 8 năm tù cho tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản. Nhờ cải tạo tốt, ông được ra tù trước thời hạn.
'Khi chấp hành án phạt, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc mình gây ra. Tôi luôn ân hận và tự trách mình. Với sự giáo dục, động viên của cán bộ quản giáo, tôi đã chấp hành nghiêm tất cả các quy định để sớm có thể trở về bên gia đình và làm lại cuộc đời' - ông Khéo tâm sự.
Cũng theo lời ông Khéo, ngày trở về ông đã ôm cha mẹ thật lâu rồi nghẹn ngào nói 'con xin lỗi'. Để có tiền trang trải cuộc sống, ông Khéo làm hồ sơ xin việc để lên các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân nhưng vì lý lịch 'bất hảo' nên các công ty đã thẳng thừng từ chối. Bên cạnh đó, ông còn nhận những câu nói, như 'thằng đó từng có tội trộm cắp tài sản, nhận vô kẻo nó lại ngựa quen đường cũ thì sao'; hay những lời to nhỏ của hàng xóm 'đồ đạc cất cẩn thận cho chắc, biết nó có thay đổi chưa'...
Thay vì buồn rầu, ông Khéo quyết định đi làm thợ hồ để có tiền phụ giúp cha mẹ già và sau này là lo cho gia đình nhỏ với 4 nhân khẩu. Tuy cuộc sống không mấy dư dả nhưng giờ đây ông có thể tự tin khi dạy các con tránh rơi vào vết xe đổ của cha.
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Đạt (51 tuổi; ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) - người đã có gần 2 năm chấp hành án phạt tù do tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày trở về, không ít người dị nghị, mỉa mai khiến ông chạnh lòng. Tuy nhiên, nhìn cảnh người vợ tảo tần, thức khuya dậy sớm nướng bánh bán kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình và nuôi con gái ăn học nên ông quyết vượt qua mặc cảm.
'Tổng nguồn thu nhập của gia đình tôi được khoảng 6 triệu đồng/tháng nhờ nghề làm bánh kẹp bán sỉ và lẻ cho khách. Số tiền trên ngoài trang trải cuộc sống thì số còn lại là để lo cho đứa con gái đang học đại học năm 4. Giờ ngoài phụ vợ nướng bánh, tôi còn kiêm luôn shipper giao bánh cho bà nhà' - ông Đạt khoe
Ông Huỳnh Tấn Đạt phụ vợ nướng bánh để kịp giao cho khách
Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp đã tái phạm tội do không đủ nghị lực vượt qua những lời dị nghị 'chết người'.
Trao cần câu
Nhằm tạo điều kiện cho người mắc sai lầm yên tâm lao động, phát triển kinh tế, Công an TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã cho ra mắt mô hình 'Hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng' (gọi tắt mô hình tái hòa nhập cộng đồng) tại phường 5. Các thành viên trong ban chỉ đạo mô hình có nhiệm vụ phối hợp cùng địa phương nắm số người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, xem xét, đánh giá những trường hợp cấp bách để ưu tiên hỗ trợ công cụ lao động nhằm tạo thêm công ăn việc làm.
Thượng tá Đỗ La Nhã, Phó Trưởng Công an TP Cà Mau, đánh giá mô hình tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương lớn, thể hiện tính nhân văn của Đảng và nhà nước.
'Chúng tôi hỗ trợ người dân bằng dụng cụ sản xuất chứ không trao tặng tiền mặt. Sau 6 tháng, đơn vị sẽ tiến hành đánh giá những kết quả đạt được và đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế rồi nhân rộng mô hình đến với các địa phương khác trong thành phố theo đặc thù, như: vùng nông thôn thì hỗ trợ con giống, cây trồng vật nuôi; thành thị thì hỗ trợ dụng cụ lao động theo ngành nghề người cần được giúp đỡ' - thượng tá Nhã nhấn mạnh.
Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, chúng tôi đã tháp tùng đoàn công tác của ban chỉ đạo mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng trao dụng cụ rửa xe cho hộ ông Lý Văn Chiến (43 tuổi; ngụ phường 5, TP Cà Mau); bàn, ghế cho hộ ông Huỳnh Tấn Đạt. Đây là 2 trong số những người chấp hành xong án tù có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ.
Những phần quà thiết thực từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng đã tạo thêm sinh kế cho người mắc sai lầm
Phần quà ý nghĩa được trao tận tay người dân
Theo đó, các chiến sĩ công an đã không ngại vất vả vác những vật dụng nặng đến tận nhà trao tặng người hoàn lương kèm theo đó là những lời thăm hỏi ân cần và động viên để họ yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế.
Ông Lý Văn Chiến chia sẻ: 'Tôi xin cảm ơn các ngành chức năng đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp mắc sai lầm. Món quà này có ý nghĩa rất thiết thực, tôi sẽ cố gắng lao động để cải thiện cuộc sống gia đình và lo cho các con được tiếp tục đến trường'.
Ông Trần Hữu Long, Phó Chủ tịch UBND phường 5, cho hay địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để mô hình tái hòa nhập cộng đồng phát huy hiệu quả. Chương trình lan tỏa sẽ có góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là những người mắc sai lầm.