Tình trạng mạo danh chuyên gia, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện lớn để trục lợi vẫn tiếp diễn. Chiêu thức điển hình là dùng tên tuổi, hình ảnh của bác sĩ, lập ra các trang giả danh trên mạng xã hội để bán thuốc. Mới đây, một lãnh Bệnh viện Nội tiết Trung ương bị mạo danh dưới chiêu thức này.
TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong những chuyên gia hàng đầu về nội tiết - đái tháo đường. Ông đi từ ngỡ ngàng đến bức xúc khi được các đồng nghiệp cho biết về sự xuất hiện của một trang Facebook mạo danh mình.
Trang giả mạo này không chỉ tư vấn sai về chuyên môn mà còn để bán thuốc trá hình. Người nhẹ dạ cả tin tốn tiền mua phải thuốc không rõ nguồn gốc đã đành, nhiều khi còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm.
Với bác sĩ Dương hay bất kỳ thầy thuốc nào cũng vậy, không bao giờ khám hay kê đơn thuốc qua mạng ở lần đầu khi họ chưa hề biết người bệnh. Như với bệnh đái tháo đường, để có thể kê đơn, ngoài việc khám lâm sàng trực tiếp, hỏi chi tiết tiền sử, bác sĩ còn phải đánh giá qua các xét nghiệm cần thiết và tư vấn ăn uống, tập luyện tùy từng trường hợp.
Hiện nay, tất cả phương pháp điều trị đều dựa trên cá thể hóa từng người bệnh. Với các bệnh mạn tính như đái tháo đường chắc chắn không có một loại thuốc nào chữa khỏi được mà chỉ có thể kiểm soát tốt bằng cách khám định kỳ và tuân thủ điều trị, ăn uống, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không chỉ xuất hiện trang Facebook giả danh các bác sĩ uy tín, nhiều trường hợp còn mạo danh là cán bộ, nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện lớn, đầu ngành để bán các sản phẩm gọi là thuốc trục lợi. Ngoài ra, còn nhiều kiểu lừa khác đánh vào tâm lý của những người đang có bệnh phải điều trị.
Muôn kiểu lừa bệnh nhân
Hớt hải tìm phòng tiếp dân của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người phụ nữ cầm theo 2 gói gọi là thuốc đông y đã bị dụ dỗ mua với giá 3 triệu đồng. Chị cho biết, sau khi khám u tuyến giáp, đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm thì có một người lân la đến hỏi thăm, đưa ra gói này nói rằng nhờ uống mà tiêu hết khối u, rồi ra sức thuyết phục chị mua.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị dụ dỗ mua gói thuốc không rõ nguồn gốc. Trước đó, một phụ nữ từ Yên Bái vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám cũng rơi vào tình huống tương tự.
Vài tháng nay, Bệnh viện Nội tiết Trung ương còn liên tục tiếp nhận phản ánh của người dân nhờ xác minh một số người tự nhận là bác sĩ của bệnh viện, lập trang Facebook để tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc chữa đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân…Đây đều là trường hợp mạo danh cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Sau khi bệnh viện đưa ra cảnh báo, các trang này đã đóng. Số điện thoại cũng không còn liên lạc được. Trong khi các thủ đoạn để trục lợi ngày càng tinh vi, cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì cách tốt nhất vẫn là nâng cao cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.
Trước tình trạng lừa đảo bán thuốc hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên không gian mạng bằng hình thức cắt ghép hình ảnh bác sĩ gắn với các số điện thoại, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, kiểm soát tổng đài điện thoại được thiết lập giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng.
Khó kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng
Trên một trang thông tin điện tử có tính năng tổng hợp tin tức liên tục xuất hiện những quảng cáo sản phẩm được lồng ghép trong các bài tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Lời lẽ dễ gây hiểu nhầm đây là thuốc điều trị, không chỉ là thực phẩm chức năng như: "bài thuốc khắc tinh số 1" "Chữa dứt điểm đau xương khớp" kèm theo là hình ảnh của các bác sĩ như sự bảo chứng về uy tín và số điện thoại tư vấn. Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, những quảng cáo như thế này là vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức năng khẳng định quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội đang khó kiểm soát vì nhiều máy chủ đặt ở nước ngoài và những người này đã sử dụng công nghệ để phát tán.
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế phát hiện ra 472 đường link vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, chuyển cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương để xử phạt. Cục cũng đã trực tiếp xử phạt hơn 100 cơ sở vi phạm về quảng cáo với số tiền hơn 5 tỷ đồng