Bà Nga và cháu ngoại. Ảnh: Đ.Tùy.
Cuộc điện thoại định mệnh
Bên cốc nước chè của buổi chiều hè oi bức, câu chuyện giữa chúng tôi và chị Hoàng Thị Oanh (SN 1986, trú thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương) đôi lúc lại ngắt quãng bởi ký ức về những tháng năm sống bên xứ người của chị bỗng chốc ùa về.
Chị Oanh nói: 'Đến bây giờ chưa khi nào tôi nghĩ mình có thể tìm được đường về Việt Nam để gặp bố mẹ, người thân. Ngày tôi ở bên xứ người thỉnh thoảng được người đàn ông kia cho đi chợ để mua thức ăn, nhưng họ không cho biết địa chỉ đang ở là chỗ nào, chỉ biết đấy là một vùng xa xôi, hẻo lánh. Vì vậy, muốn bỏ trốn cũng không biết đi đâu, về đâu và trong người không có tiền'.
Sau khi bị lừa bán cho một người đàn ông bản địa, chị Oanh sinh được 2 người con. Đến tháng 3/2019, người đàn ông sống cùng chị mắc bệnh ung thư qua đời. Lúc này, người chị chồng lên kế hoạch gả bán chị cho một người khác. Thậm chí, toàn bộ giấy tờ 2 người con của chị Oanh cũng bị người phụ nữ kia lấy trộm và bế các con của chị mang về nhà nuôi.
Vì lạ nhà nên ở được khoảng nửa tháng, các cháu đòi về với mẹ và được người chị chồng đồng ý. Một thời gian sau, khi biết được câu chuyện của chị Oanh, một người hàng xóm tốt bụng đã cho chị ít tiền và cuối tháng 6/2019, chị Oanh bế 2 con nhỏ tìm cách trốn về Việt Nam.
Bà Trần Thị Nga (SN 1962, mẹ chị Oanh) tâm sự: 'Ngày không tìm thấy con gái, vợ chồng tôi sống như những kẻ mất hồn và đều tạm dừng mọi công việc nhờ người thân đi tìm nhưng khổ nỗi không ai hay biết gì về tin tức của con gái. Khi đến chỗ trọ của nó, mọi người cho biết, con gái tôi đã trả tiền phòng dọn đi vài ngày trước, còn những người làm cùng công ty cũng không thấy con gái tôi có biểu hiện gì bất thường…'.
Thời điểm chị Oanh mất tích, con trai chị được bố mẹ đẻ nuôi dưỡng, chăm sóc. Cuộc sống khó khăn, bản thân ông Hoàng Văn Định (SN 1963, bố chị Oanh) bị bệnh vẹo cột sống dính khớp hơn 35 năm nay nên không làm được việc nặng. Ngoài việc làm ruộng, những lúc nông nhàn vợ chồng ông đi dính keo vỉ ruồi thuê cho nhà xưởng gần đó để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Thấu hiểu hoàn cảnh của vợ chồng ông và mảnh đời kém may mắn của chị Oanh cùng cháu nhỏ, một Mạnh thường quân đã nhận nuôi, đỡ đầu cháu.
Chia sẻ về cuộc điện thoại của con gái điện về sau 6 năm mất tích, bà Nga kể, cách đây hơn 1 năm, bà bất ngờ thấy có đầu số lạ gọi đến điện thoại của mình. Nghe máy, thấy giọng người phụ nữ nói tên là Oanh, nhận là con gái bà khiến bà không tin vào tai mình. Phải mất vài giây sau bà Nga mới bình tĩnh và nói chuyện.
Bà tâm sự: 'Từ lúc con gái điện về báo tin bị lừa bán sang biên giới vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ. Nhiều lần tôi có hỏi nhưng con gái không biết chính xác đang ở chỗ nào bên xứ người, cũng như không biết tìm đường về Việt Nam. Ngay sau đó, tin về con gái vẫn còn sống được tôi thông báo cho người thân họ hàng. Lúc này, ai cũng vui mừng, tìm cách xác minh địa chỉ theo đầu số điện thoại gọi con gái gọi về và được sự giúp đỡ của mọi người nên con gái tôi đã tìm được về nhà sau 6 năm mất tích'.
Tương lai mờ mịt
Ba mẹ con chị Oanh mong được sự giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương và mọi người.
Sau chuyến hành trình dài của 3 mẹ con từ bên xứ người trở về, chị Oanh cùng các con vẫn chưa quen cuộc sống nơi quê nhà, bởi những ký ức về quãng thời gian ở Trung Quốc luôn ám ảnh chị khôn nguôi.
Bên cạnh niềm vui đoàn tụ cùng người thân thì cuộc sống trước mắt của chị và các con cũng đầy gian nan, khó khăn. Bởi lẽ, bản thân chị không được nhanh nhẹn, thần kinh không ổn định, lúc nhớ lúc quên, sức khỏe cũng bị suy giảm nhiều sau nhiều năm lưu lạc xứ người.
Khuôn mặt trầm ngâm, ông Định tâm sự: 'Nhiều lúc tôi thấy thương con gái vô cùng. Số phận nó thật bất hạnh và chịu nhiều thiệt thòi. Bản thân tôi thì bệnh tật đầy người, nên gánh nặng kinh tế trong gia đình đều do một mình vợ tôi chèo chống. Cuộc sống trước mắt của gia đình khó khăn trăm bề. Dự định tương lai, vợ chồng tôi rất muốn xây tạm gian nhà nhỏ ở mảnh đất liền kề cho con gái cùng 2 người cháu, nhưng ngặt nỗi gia đình chưa biết tìm đâu ra kinh phí'.
Chị Oanh cho biết, hiện 2 con của chị chưa biết nói tiếng Việt và không có giấy khai sinh, trong khi năm học mới đang đến gần. Chị rất mong chính quyền địa phương xem xét tạo điều kiện sớm làm giấy khai sinh cho các cháu, giúp 2 cháu được đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Bản thân chị từ ngày về, không làm được việc gì phải sống nương nhờ bố mẹ già.
Trao đổi với PV báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo UBND xã Đoàn Tùng cho hay, chính quyền địa phương đã nhận được đơn đề nghị của gia đình ông Định trình bày hoàn cảnh của con gái ông bà là Hoàng Thị Oanh cùng 2 con nhỏ. Hiện tại, đơn của chị Oanh đang được xã Đoàn Tùng giao cho bộ phận chuyên môn tiến hành xác minh. Đồng thời, xã sẽ xem xét tạo điều kiện về thủ tục làm giấy khai sinh cho 2 cháu nhỏ, trao đổi với nhà trường để tiếp nhận các cháu đi học và xem xét các chế độ khác trong điều kiện cho phép.