Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng ngập cục bộ, người dân phải leo vỉa hè tránh ngập
Đà Nẵng: Ngập sâu, người dân tất tả lội nước sáng đầu tuần
Đến gần 8 giờ sáng 25-9, nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng vẫn ngập sâu. Người dân tất tả lội nước lụt, tìm đường di chuyển trong buổi sáng đầu tuần.
Ghi nhận của phóng viên, từ đêm đến rạng sáng cùng ngày, Đà Nẵng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, riêng tại Chi Cục Thủy Lợi đo được 88.4mm, tại Hồ Học Khê đo được 81.8mm, Hòa Khê 80.8mm, trạm Đà Nẵng 77.0mm, Hồ Trược Đông 72.6mm…
Tại các tuyến đường như Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn), Trường Sơn (huyện Hòa Vang), 2 Tháng 9, Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu),…nước ngập cục bộ, hầu hết đều trên nửa bánh xe máy.
Đường Nguyễn Văn Linh thường xuyên ngập úng sau mưa lớn
Nhiều phương tiện chết máy do nước ngập. Các xe ô tô gầm thấp e ngại đi vào vùng nước sâu trên đường Nguyễn Văn Linh
Mưa lớn cùng lượng người ra đường sáng thứ 2 khiến nhiều đoạn ùn ứ
Đường Chương Dương (khu vực chân cầu Trần Thị Lý) nước sâu hơn nửa bánh xe
Mỗi lần xe lớn ngang qua, sóng nước đánh mạnh khiến nhiều người nghiêng ngả
Trong khi đó, trong các khu dân cư ở các hẻm trung tâm thành phố như hẻm đường Trưng Nữ Vương, hẻm Nguyễn Hoàng, hẻm Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu),…nước ngập sâu từ 0,5 đến 0,7m. Hàng loạt xe bị chết máy do đi qua vùng nước sâu. Người dân bì bõm dắt xe thoát khỏi khu nước ngập để đi làm.
Trên tuyến đường Nguyễn Hoàng, nhiều gia đình phải dùng các vật dụng che chắn, kê cao đồ đạc và lau dọn vệ sinh. Mỗi khi xe ô tô đi ngang qua tạo sóng nước, đánh mạnh vào nhà khiến ai cũng ngao ngán.
'Mới mưa lớn một đợt mà đường phố đã ngập hết. Ai cũng mệt mỏi, sợ sẽ có đợt mưa lịch sử như tháng 10 năm ngoái', một người dân sống tại đường Nguyễn Hoàng (quận Hải Châu) bày tỏ.
Theo dự báo, mưa lớn tiếp tục duy trì tại Đà Nẵng đến 10 giờ sáng nay. Dự báo, lượng mưa sẽ phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm.
Đường Trường Sơn nước ngập kéo dài hơn 200m
Người dân phải leo lên vỉa hè để thoát đoạn ngập trên tuyến Trường Sơn
Ở các con hẻm đường Trưng Nữ Vương, nước ngập sâu
Một xe máy người dân bị chết máy sau khi lội nước ngập tại hẻm 422 Trưng Nữ Vương
Ở đường Nguyễn Hoàng, Đỗ Quang,...ngập nặng sáng nay
Người dân lầm lũi dắt xe đi làm trong sáng đầu tuần
Các hẻm đường Nguyễn Hoàng ngập sâu
Cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cảnh báo mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trên địa bàn thành phố, gây cản trở giao thông và thiệt hại tài sản, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi…
Ngày 25-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã ban hành công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Đường Yên Thế - Bắc Sơn ngập sâu trong sáng 25-9
Theo đó, đề nghị BCH Bộ đội Biên phòng và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
TP Đà Nẵng có mưa lớn trong sáng 25-9
UBND các quận, huyện cũng triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đớ, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt. Trong đó, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn), khu vực Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà.
KCN Hòa Khánh ngập cục bộ
Các quận, huyện triển khai chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm '4 tại chỗ'.
Đường Tôn Đức Thắng - đoạn gần cầu vượt Ngã ba Huế cũng ngập sâu
Các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, tổ chức đánh giá các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Thừa Thiên - Huế: Nhiều nhà ven biển bị tốc mái
Cơn mưa lớn bắt đầu từ 8 giờ ngày 25-9 đã khiến cho nhiều tuyến đường ở khu vực phường Đông Ba, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu từ 0,2-0,3 m, tình trạng này đã làm cho giao thông đi lại khó khăn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 25-9, khu vực tỉnh này đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, có nơi như xã Hương Phú (huyện Nam Đông) lượng mưa lên đến 134,6 mm.
Ngập nặng ở Thừa Thiên- Huế
Trong 6 giờ tới, dự báo tại tỉnh này vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 80 mm. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, đặc biệt các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp.
Nhiều nhà ven biển bị tốc mái
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận ngập ở các tuyến đường nội thành như đường Đặng Dung, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Biểu... Đây là các tuyến đường nằm trong gói thầu số 24 thi công hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành thuộc Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (Các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên - Huế. Các tuyến đường này vừa thi công công hoàn thiện hệ thống thoát nước cũng như vỉa hè.
Nước tràn vào sân ở một ngôi nhà trên đường Đặng Dung
Ngã tư đường Lê Thánh Tôn - Đặng Dung
Đường Lê Thánh Tôn
Ngã tư đường Nguyễn Biểu - Lê Thánh Tôn
Đường Lê Thánh Tôn
Đường Lê Thánh Tôn.
Gió mạnh làm tốc mái nhiều nhà dân ở TDP Hải Tiến, phường Thuận An, TP Huế:
Tấm tôn bị thổi bay
Một căn nhà khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Cảnh ngổn ngang sau trận gió mạnh.
Tàu cá ngư dân phường Thuận An, TP Huế vào bờ neo đậu vào sáng 25-9.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thường xuyên duy trì lực lượng cán bộ, chiến sĩ và 18 phương tiện tàu, xuồng, ô tô... sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống.
Đến sáng cùng ngày, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 2.037 phương tiện tàu thuyền vào neo đậu nơi an toàn. Hiện còn 25 phương tiện tàu thuyền với 206 lao động hoạt động ở khu vực biển Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, cách bờ khoảng 40-65 hải lý. Có 29 phương tiện tàu hàng/159 thuyền viên đang neo đậu khu vực cảng an toàn.
Trước đó, từ chiều 24-9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công điện gửi các địa phương, các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện về việc chủ động ứng phó với mưa lớn và ATNĐ, nguy cơ ngập úng cục bộ. Trong đó yêu cầu tổ chức quản lý và tuyệt đối cấm cho tàu thuyền không đủ điều kiện đảm bảo an toàn đi biển ra khơi từ 7 giờ ngày 25-9, bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Quảng Nam: Theo dõi chặt chẽ mực nước các hồ, thủy điện
2 ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn kéo dài. Trước dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, Ban chỉ huy Phòng chống tiên thai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện ứng phó.
Theo đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương rà soát, triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển kể từ 7 giờ ngày 25-9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, thông tin đến vùng hạ du, vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt…
Theo tin của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, hồi 4 giờ ngày 25-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 340km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi khoảng 240km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15km/h.
Trong khoảng từ tối 25-9 đến sáng ngày 26-9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía Bắc của Quảng Ngãi đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7. Nước dâng, sóng lớn Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Từ chiều ngày 25-9, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Từ ngày 25-9 đến ngày 27-9, ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm.