Vụ thảm sát xảy ra ở một cơ sở trông trẻ tại Thái Lan khiến 36 người chết vào tuần trước đã khơi lại nỗi sợ hãi và đau buồn đối với anh Chanathip, người đã cố quên đi những ký ức kinh hoàng cách đây hơn 2 năm. Nam giáo viên (36 tuổi) là người may mắn sống sót trong vụ giết người hàng loạt xảy ra tại trung tâm mua sắm Terminal 21 ở thành phố Nakhon Ratchasima của Thái Lan vào tháng 2/2020. Theo đó, anh Chanathip cùng con nhỏ và hàng chục người khác đã trốn trong nhà vệ sinh để né tránh sự truy sát của kẻ giết người vốn là một binh sĩ quân đội.
Thủ phạm gây ra vụ tấn công là Jakrapanth Thomma (32 tuổi). Dùng vũ khí tự động, tên này đã giết chết 29 người và làm hàng chục người khác bị thương sau khi lần cãi vã với cấp trên.
Thủ phạm gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong những năm gần đây ở Thái Lan đều là người mặc 'đồng phục'. (Ảnh: Reuters)
Còn vào ngày 6/10 năm nay, đối tượng Panya Kamrab (34 tuổi), một cựu sĩ quan cảnh sát bị sa thải khỏi ngành vì nghiện ma túy, đã xông vào cơ sở trông trẻ ở làng Uthai Sawan và dùng dao cùng súng giết hại 36 người mà trong số này có tới 24 nạn nhân là trẻ nhỏ đang ngủ trưa.
Hai vụ thảm sát cách nhau 2 năm, hiện trường cách nhau hàng trăm kilomet, mục tiêu và động cơ tấn công cũng hoàn toàn khác nhau, nhưng thủ phạm gây ra 2 vụ việc chấn động có điểm chung là những người từng phục vụ nhiều năm trong ngành an ninh, nơi họ từng được huấn luyện để bảo vệ người dân nhưng lại ra tay sát hại dân thường vô tội.
'Không có gì thay đổi cả. Tôi biết được tin đối tượng tấn công cơ sở trông trẻ là một cựu sĩ quan cảnh sát. Tôi thắc mắc khi nào mới là lúc cần có quy định kiểm soát sử dụng súng chặt chẽ hơn đối với những người mặc đồng phục? Khi nào họ mới được hỗ trợ các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời anh Chanathip.
Sau khi tấn công và gây ra cái chết cho 29 người ở trung tâm mua sắm, đối tượng Jakrapanth đã bị lực lượng chức năng tiêu diệt, còn Panya, kẻ tấn công cơ sở trông trẻ đã tự sát sau khi gây án. Cái chết của 2 đối tượng khiến các ban ngành điều tra không thể lý giải được lý do tại sao 2 tay súng lại chọn cách tấn công những người dân vô tội.
Thêm một điểm chung nữa là cả 2 đối tượng đều sát hại người thân trong gia đình. Những vụ việc như này khiến dư luận Thái Lan lo sợ, và đặt ra câu hỏi về luật kiểm soát súng đạn, ma túy, bệnh tâm thần trong lực lượng an ninh. Nguyên nhân vì sao những người phục vụ trong ngành quân đội và công an lại đang gây ra những vụ thảm sát tồi tệ nhất trong những năm gần đây ở Thái Lan cũng chưa được lý giải.
Hôm 9/10, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đưa ra tuyên bố cho biết Thủ tướng Prayuth Chan-ocha yêu cầu lực lượng này cần “trấn áp tội phạm liên quan tới ma túy và súng đạn” để gây dựng lòng tin trong nhân dân.
Vấn nạn nhức nhối
Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á kể cả sở hữu hợp pháp hoặc trái phép, do hoạt động buôn lậu súng diễn ra tràn lan ở khu vực biên giới giáp với Campuchia và Myanmar.
Thái Lan còn là thị trường lớn và điểm trung chuyển ma túy đá mà cụ thể là “yaba” hay thuốc điên. Theo các chuyên gia y tế, sử dụng “thuốc điên” có thể dẫn tới hoang tưởng, ảo giác và hành vi bạo lực. Khi người dùng dừng sử dụng thuốc có thể bị rối loạn tâm thần.
Trong tuyên bố của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, ngoài việc triển khai các biện pháp thắt chặt cấp quyền sở hữu súng, những băng đảng tội phạm trẻ tuổi, tổ chức mafia và người cho vay nặng lãi cũng sẽ là mục tiêu bị nhắm tới.
Bé Paveenut Supolwong (3 tuổi) là đứa trẻ duy nhất sống sót trong vụ xả súng đẫm máu tại cơ sở trông trẻ. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, các chốt kiểm soát biên giới và ngăn chặn buôn lậu ma túy cũng sẽ được tăng cường. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu đối với nhân viên cảnh sát sẽ được triển khai ngẫu nhiên nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng nghiện ma túy để ngăn chặn những mối đe dọa dẫn tới “hậu quả nghiêm trọng”.
Thái Lan hiện có khoảng 220.000 cảnh sát và 450.000 binh sĩ trên tổng số 70 triệu dân.
“Cơ cấu hoạt động trong lực lượng cảnh sát còn nặng về phân cấp quyền lực, và kiểm soát theo mô hình quân đội nên đã tạo ra gánh nặng lớn cho các sĩ quan cảnh sát tiền tuyến”, ông Krisanaphong Poothakool, chuyên gia tội phạm học tại Đại học Rangsit ở Bangkok và từng là Trung tá trong lực lượng cảnh sát hơn 20 năm nhận định.
“Họ làm việc mà không có sự hỗ trợ của cấp trên, họ thường phải tự mua súng, radio và hơi cay. Chuyện này dẫn tới việc họ có hành vi tham nhũng và nhận hối lộ, cũng như phạm phải những tội danh nhỏ khác. Song những tội danh nhỏ có thể dẫn tới những tội ác lớn hơn”, ông Krisanaphong nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, tình trạng tham nhũng tràn lan tại các ban ngành chức năng dẫn tới cảnh “ngoảnh mặt làm ngơ” trước mọi chuyện từ phát vé phạt giao thông cho tới tội buôn bán ma túy. Tất cả những chuyện này làm mất lòng tin của người dân đối với lực lượng cảnh sát.
“Những sĩ quan cảnh sát tiền tuyến chỉ lo lắng về cấp trên và người quản lý, chứ không nghĩ tới người dân. Hành vi phạm tội xảy ra ở cấp địa phương như trộm cắp hay hành hung cũng không được giải quyết. Mô hình hoạt động như vậy đặt ra sức ép đối với các sĩ quan cảnh sát, trong khi dư luận không còn tin tưởng lực lượng an ninh”, ông Krisanaphong cho hay.
Một ví dụ khác cho hành vi lạm quyền của các cơ quan an ninh là việc những người phục vụ trong quân đội hay cảnh sát hiếm khi bị khởi tối dù phạm tội, mà thay vào đó họ được trao nhiều cơ hội đi cải tạo trong quá trình còn phục vụ trong ngành.