Trở thành nữ hoàng trong tâm thế bất ngờ
Nữ hoàng Anh Elizabeth II tên đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary Windsor, sinh ngày 21/4/1926. Bà là con đầu lòng của Công tước xứ York, Albert - con trai thứ hai của Vua George V, và nữ công tước Elizabeth Bowes-Lyon. Tháng 12/1936, vua Edward VIII thoái vị để kết hôn với nhà xã hội học người Mỹ đã ly hôn Wallis Simpson. Cha bà trở thành Vua George VI, đưa bà trở thành người thừa kế ngai vàng ở tuổi lên 10.
Lilibet (tên thân mật của công chúa Elizabeth) lên ngôi sớm là điều mà ít ai có thể đoán trước. Đăng cơ ở tuổi 25, Nữ hoàng Elizabeth II là người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh: 70 năm. Trong 1 bộ phim tài liệu năm 1992, bà đã chia sẻ rằng đây là công việc cả đời mà ban đầu bà còn chưa sẵn sàng để tiếp nhận quá sớm.
'Theo một cách nào đó, tôi không được chuẩn bị để trở thành nữ hoàng khi còn quá trẻ. Mọi chuyện diễn ra quá đột ngột. Tôi chỉ biết cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất có thể,' nữ hoàng cho biết.
Trong thời gian trị vì, từ năm 1952, bà đã công du tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ - nhiều nhất trong số các bậc quân vương của Anh. Bà đã thực hiện hơn 150 chuyến thăm tới các nước thuộc Khối thịnh vượng chung. Ước tính, các chuyến công du nước ngoài mà Nữ hoàng Elizabeth II đã thực hiện có tổng quãng đường di chuyển tương đương 42 lần vòng quanh thế giới. Từ tháng 11/2015, ở tuổi 89, bà bắt đầu dừng các chuyến công du nước ngoài.
Với việc trị vì trong hơn 70 năm, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Kỷ lục trước đó là do Nữ hoàng Victoria nắm giữ.
“Theo một cách nào đó, tôi không được chuẩn bị để trở thành nữ hoàng khi còn quá trẻ. Mọi chuyện diễn ra quá đột ngột. Tôi chỉ biết cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất có thể,” Nữ hoàng chia sẻ trong một bộ phim tài liệu năm 1992. (Ảnh: Reuters)
Một nữ hoàng tận tậm phụng sự
Nữ hoàng Elizabeth II là thành viên nữ duy nhất của Hoàng gia Anh gia nhập quân đội và phục vụ trong Thế chiến II. Khi ấy công việc của cô gái Elizabeth là hỗ trợ hậu cần, là lái xe kiêm thợ cơ khí. Sau này, như mọi thành viên hoàng gia Anh là đại diện cho nhiều tổ chức xã hội và tổ chức từ thiện trên toàn thế giới, bà cũng là nhà bảo trợ cho hàng trăm tổ chức, trong các lĩnh vực như môi trường, giáo dục và y tế. Năm 1992, bà đáp trả những lời chỉ trích Hoàng gia về sự giàu có, bằng cách đề nghị được đóng thuế thu nhập và cắt giảm số lượng thành viên hoàng gia được hưởng phúc lợi nhà nước.
Công chúa Elizabeth phục vụ trong quân đội trong Thế chiến II, với công việc lái xe kiêm thợ cơ khí. (Ảnh: Time)
Nữ hoàng có tư tưởng hiện đại
Ban đầu, Nữ hoàng Elizabeth II chủ yếu dựa vào đội ngũ cố vấn cũ của cha mình nhưng dần dần đã tìm cách hiện đại hóa chế độ quân chủ. Bà nỗ lực hướng thể chế hoàng gia vào thế giới hiện đại, loại bỏ bớt các nghi lễ, giúp hoàng gia Anh trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn trước ánh mắt luôn dõi theo của các phương tiện truyền thông. Nữ hoàng Elizabeth II còn được coi là vị quân vương tiên phong trong nhiều lĩnh vực thuộc kỷ nguyên số hóa. Bà là người kích hoạt trang web chính thức của Điện Buckingham vào năm 1997, đăng bài đầu tiên trên Twitter vào năm 2014 và chính thức có tài khoản mạng Instagram vào năm 2019.
Nữ hoàng Elizabeth II có tư tưởng hiện đại và là vị quân vương tiên phong trong nhiều lĩnh vực thuộc kỷ nguyên số hóa. (Ảnh: Reuters)
Chứng nhân của những thăng trầm thế giới
Là quân vương Anh có thời gian trị vì lâu nhất, Nữ hoàng Elizabeth II đã đi cùng biết bao thăng trầm của thế giới. Nữ hoàng đã chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn trong suốt triều đại của mình, trải qua thời kỳ hậu chiến, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung, kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu rồi tách khỏi EU (Brexit) về sau này. Triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng, bắt đầu từ ông Winston Churchill, cho đến bà Liz Truss. Trong thời gian nữ hoàng tại vị, thế giới cũng đã chứng kiến sự bổ nhiệm 7 vị Giáo hoàng và 14 đời Tổng thống Mỹ.
Nữ hoàng Elizabeth II chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân tại lâu đài Windsor, tháng 6/2021.
Trong đợt bùng phát COVID-19 tại Anh, Nữ hoàng đã có một bài phát biểu video hiếm hoi vào ngày 5/4/2020, để cam kết với người dân rằng họ sẽ kiểm soát được đại dịch. 'Chúng ta sẽ thành công - và thành công đó sẽ thuộc về mỗi chúng ta. Có thể chúng ta còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa, nhưng những ngày tốt đẹp hơn sẽ trở lại,' bà phát biểu từ lâu đài Windsor.
Bản thân Nữ hoàng cũng phải đối mặt với nốt trầm của cuộc đời mình, khi chứng kiến sự ra đi của Hoàng thân Philip. Bức ảnh chụp nữ hoàng nhỏ bé ở góc bức ảnh trong lễ tang của ông tại Nhà nguyện St George, Lâu đài Windsor, Anh, ngày 17/4/2021 đã cho thấy nỗi mất mát to lớn của bà.
Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến sự ra đi của Hoàng thân Philip. (Ảnh: Reuters)
Biểu tượng của sự ổn định
Thủ tướng Anh Liz Trus nêu rõ: 'Nữ hoàng Elizabeth II là tinh thần của nước Anh và tinh thần đó sẽ tồn tại bất diệt. Nữ hoàng Elizabeth II đã giúp nước Anh trở thành một quốc gia hiện đại, thịnh vượng và năng động.' Bà nhấn mạnh sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II là một tổn thất to lớn đối với người dân nước này, song Nữ hoàng đã để lại một di sản tuyệt vời.
Trong khi nước Anh vì đôi khi phải vật lộn để tìm vị trí của mình trong một trật tự thế giới mới, thì bản thân nữ hoàng vẫn được xem là một biểu tượng của sự ổn định. Đối với phần lớn thế giới, Nữ hoàng Elizabeth II là hiện thân của nước Anh, nhưng bà vẫn là một cá nhân bí ẩn, hầu như không bao giờ trả lời phỏng vấn, hiếm khi bày tỏ cảm xúc hay đưa ra quan điểm cá nhân trước công chúng. Cựu Thủ tướng Anh John Major từng nói trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của nữ hoàng rằng, 'Nữ hoàng là người thông minh, giàu lòng trắc ẩn, có cái nhìn sâu sắc và bà sở hữu những đức tính hiện đại lẫn truyền thống của người Anh.'
Nữ hoàng Elizabeth II được xem là biểu tượng của sự ổn định. (Ảnh: Reuters)
7 thập niên trên ngai vàng, Nữ hoàng Elizabeth II được người dân Vương quốc Anh kính trọng, ngưỡng mộ vì lòng tận tâm, thầm lặng cống hiến cho sứ mệnh tạo sự ổn định và sức mạnh cho Vương quốc Anh. Theo nhận định của giới quan sát, trong thời gian tại vị, Nữ hoàng Elizabeth II đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thận trọng, đáng kính và với trách nhiệm vô hạn.
Sau khi Điện Buckingham thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96, cờ đã rủ, cầu vồng đã xuất hiện phía trên lâu đài Windsor. Sau khoảnh khắc im lặng, mọi người có mặt trước điện Buckingham đã cất lên bài quốc ca 'God save the Queen'. Trong suốt thời gian trị vì của mình, nữ hoàng Elizabeth II đã gắn liền với nhiều dấu ấn và sự ra đi của bà đã để lại nỗi mất mát lớn trong lòng người dân Vương quốc Anh.
Cầu vồng xuất hiện phía trên lâu đài Windsor, sau thông báo Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96.