Sau 2 tuần kể từ lần đầu tiên Omicron được phát hiện ở Nam Phi, các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn chưa biết nhiều thông tin về loại biến chủng mới của virus corona. Nói cách khác, Omicron vẫn đang là ẩn số còn nhiều điều cần khám phá.
Theo những số liệu đầu tiên được Nam Phi công bố, Omicron dường như có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các chủng ban đầu của SARS-CoV-2, nhưng không có khả năng gây diễn biến nặng và tăng số ca tử vong.
Sau 2 tuần xuất hiện, biến chủng Omicron được nhận định có khả năng lây lan nhanh hơn Delta nhưng không gây diễn biến nặng. (Ảnh minh họa)
Thông tin ban đầu
Việc số ca mắc Omicron tăng gấp đôi chỉ trong vài ngày tại Anh được cho là 'điềm báo' về một đợt bùng phát mới ở khắp châu Âu và Mỹ.
Gần kết thúc năm 2021, các quan chức y tế cũng thôi hy vọng về kỷ nguyên Covid-19 sẽ chuyển sang một giai đoạn mới dễ kiểm soát hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong năm 2022, làn sóng lây lan của dịch bệnh có được ngăn chặn để từ đó chấm dứt chuỗi giãn cách xã hội. Kết quả ban đầu từ các phòng nghiên cứu cho thấy, Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với Delta, biến chủng đang thống trị toàn cầu, đẩy số ca mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị và tử vong tăng cao. Đáng nói, Omicron có thể gây bệnh cho cả những người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19, hoặc những người từng mắc Covid-19 và đã khỏi.
Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán được mức độ phát triển của biến chủng Omicron và liệu rằng biến chủng này có thể gây bệnh nặng ở những quốc gia có dân số già hơn so với Nam Phi hay không. Và liệu rằng Omicron có thể thế chân Delta để trở thành biến chủng virus corona thống trị nhiều nơi như châu Âu và Mỹ.
'Chúng ta có thể xác định được thách thức lớn trong vòng 2 tuần tới. Từ đây, chúng ta có thể biế được chuyện gì sẽ xảy ra trong giai đoạn tiếp theo của dịch bệnh toàn cầu', Bloomberg dẫn lời ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nói trong tuần này.
Tốc độ lây lan và mức độ nghiêm trọng
Tại Gauteng, nơi đang là tâm dịch Omicron ở Nam Phi, tỷ lệ sinh sôi hay nói cách khác là tốc độ lây lan của virus được xác định là trên 3. Đây là tỷ lệ lây lan cao nhất, có nghĩa cứ 1 người nhiễm Omicron sẽ khiến hơn 3 người khác cùng nhiễm virus.
Số ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron ở Nam Phi đang dần phá kỷ lục và tỷ lệ mắc bệnh đã vượt qua cả 3 làn sóng Covid-19 trước ở Nam Phi.
Theo nghiên cứu từ Nhật Bản, Omicron có tốc độ lây lan hơn 4,2 lần so với Delta.
Nghiên cứu tại Anh cho thấy biến chủng Omicron đang phát triển nhanh hơn nhiều so với Delta và khả năng vào giữa tháng 12, biến chủng này sẽ thống trị tại Anh và chiếm hơn 1/2 số ca mới mắc Covid-19. Hôm 10/12, Anh báo cáo có gần 58.200 ca mắc Covid-19.
Do Omicron mới chỉ xuất hiện vài tuần, nên còn quá sớm để đưa ra những đánh giá chắc chắn. Song theo các bác sĩ, bệnh nhân nhiễm Omicron thường bị mệt mỏi, đau đầu và bị các triệu chứng nhẹ hơn. Điều này hoàn toàn trái ngược với Delta, biến chủng gây ra các vấn đề về phổi và tim mạch.
Ba bệnh viện tư nhân lớn nhất ở Nam Phi cũng cho biết, các ca nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ hơn so với các bệnh nhân Covid-19 ở 3 làn sóng trước. Chỉ ít người cần máy thở và bình oxy, cũng như tỷ lệ tử vong chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, hiện khoảng 5.000 người mắc Covid-19 ở Nam Phi đang nằm viện điều trị, tương đương 1/4 thời kỳ đỉnh điểm trong 2 làn sóng trước.
Tuy nhiên, số liệu từ các bệnh viện ở Nam Phi cho thấy số trẻ dưới 5 tuổi nhiễm Omicron lại tăng cao hơn so với các biến chủng trước của SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nhấn mạnh thêm, phần lớn bệnh nhi chỉ cần nằm viện thời gian ngắn và chưa có ca nào bị biến chứng phức tạp về hô hấp.
Vắc xin còn hiệu quả?
Theo viện nghiên cứu AHRI, Omicron có khả năng cao nhưng không hoàn toàn né tránh được các kháng thể phòng bệnh được tạo dựng nhờ tiêm vắc xin Covid-19 Pfizer.
Hôm 10/12, Anh cũng cho biết 2 mũi vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech có khả năng bảo vệ ít hơn đối với các ca nhiễm Omicron phát triệu chứng so với nhiễm biến chủng Delta. Song mũi tiêm tăng cường sẽ đẩy khả năng phòng bệnh lên mức 70 – 75% trong những ngày đầu tiên sau tiêm. Đây là kết quả thu được từ một nghiên cứu quy mô nhỏ.
Còn theo dữ liệu được các bênh viện ở vùng Tshwane của Nam Phi công bố hôm 3/12, 68% ca Covid-19 phải nhập viện là người dưới 40 tuổi. Điều này trái với tỷ lệ 66,1% người phải nhập viện trong những tuần đầu tiên trong làn sóng Covid-19 thứ 3 tại Nam Phi là trên 50 tuổi. Trong khi đó, những người trên 60 tuổi ở Nam Phi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 cao gần gấp đôi với người dưới 34 tuổi.
Biến chủng Omicron xuất hiện từ đâu?
Các chuyên gia đặt ra 3 giả thuyết về sự xuất hiện của Omicron gồm phát triển trên người bị suy giảm miễn dịch như mắc HIV, đột biến từ động vật, và hình thành tại khu vực ít được giải trình tự gene.
Đầu tiên, các nhà khoa học cho rằng virus corona tồn tại ở người bị suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV trong thời gian dài và từ đó đột biến thành Omicron.
Thứ hai, virus corona có thể đã tái lây nhiễm vào các quần thể động vật và sau đó đột biến để nhiễm trở lại cho con người.
Thứ ba, biến chủng Omicron đã hình thành trong một khu vực ít được giải trình tự gene virus. Đây là nơi sinh sống của những người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế. Nói cách khác, Omicron đã xuất hiện tại Nam Phi hoặc một số quốc gia khác từ lâu nhưng không bị phát hiện.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho tới nay vẫn cảnh báo Omicron là biến chủng đáng lo ngại với nhiều ẩn số chưa được giải đáp. Theo WHO và các chuyên gia y tế, tình trạng bất bình đẳng về vắc xin Covid-19 và việc một số quốc gia không đủ năng lực ứng phó dịch bệnh dễ khiến nhiều biến chủng có cơ hội xuất hiện.