Danh sách các quốc gia lo ngại về sự lây lan của biến chủng Omicron ngày càng dài thêm. Hiện Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Israel đều đã đình chỉ du lịch đến và đi từ Nam Phi và các quốc gia xung quanh: Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, từ ngày 29/11. Chính phủ Anh cũng thêm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách đỏ du lịch vào ngày 28/11.
Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11, đến nay biến chủng Omicron đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Nam Phi, trong số 50 đột biến của Omicron có tới 32 đột biến nằm ở gai protein, thành phần giúp virus SARS-CoV-2 bám vào các tế bào, nhiều hơn đáng kể so với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên Omicron cho biến thể B.1.1529, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. (Ảnh: RIA)
Nhiều đột biến của biến thể mới có liên quan đến việc tăng khả năng kháng kháng thể của virus, tức là có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin và ảnh hưởng đến cách virus phản ứng đối với vắc xin, phương pháp điều trị và khả năng lây truyền.
Giới khoa học Nam Phi nhận định rằng, Omicron là 'biến thể đáng sợ nhất' mà họ từng biết tới từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo France 24, Canada và Mỹ đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các quốc gia Nam Phi, trong khi Nhật Bản sẽ thắt chặt các hạn chế đối với các công dân nước này, đặc biệt bằng cách đưa ra lệnh cách ly bắt buộc trong 10 ngày đối với tất cả những người đến từ Nam Phi.
Ở châu Âu, biến chủng Omicron đã được tìm thấy ở Bỉ, nhiều quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Italy và Thụy Sĩ cũng đã cấm các chuyến bay từ Nam Phi và các nước lân cận.
Ngoài ra, nhiều quốc gia Ả Rập, bao gồm cả Ả Rập Xê Út, cũng đã đóng cửa biên giới đối với những người đến từ Nam Phi.
Đồng thời, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore đã siết đi lại với các nước phía nam châu Phi, yêu cầu cách ly người nhập cảnh trong những ngày qua.
Các hạn chế được áp đặt trên nhiều quốc gia đối với các chuyến bay là một 'thảm kịch' thực sự đối với chính phủ Nam Phi, vì chúng được đưa ra ngay trước khi bắt đầu mùa hè ở Nam bán cầu - thời kỳ mà các khu bảo tồn và khách sạn tiếp đón khách du lịch nước ngoài.
'Trước hết, chúng tôi lo ngại về những thiệt hại sẽ gây ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch', Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác quốc tế nam Phi Naledi Pandor nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla gọi các biện pháp phòng ngừa từ các quốc gia khác là 'vô lý' và nói rằng chúng đại diện cho 'một phản ứng hoảng sợ theo bản năng'.
Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ biến chủng Omicron và có cần điều chỉnh vắc xin Covid-19 hiện tại hay không. (Ảnh: AP)
Trước đó, ông Phaahla tuyên bố, biến chủng Omicron mới phát hiện tại nước này không gây ra tình trạng bệnh Covid-19 nặng.
Theo ông Phaahla, cho đến nay, các bác sĩ và giới chuyên gia chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy biến chủng Omicron gây ra tình trạng bệnh nặng ở người bị nhiễm. Hiện còn quá sớm để khẳng định xu hướng diễn biến của dịch bệnh gắn với sự xuất hiện của Omicron.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nam Phi cho hay, chính phủ nước này nhận thức rằng việc một số nhà khoa học ra tuyên bố về Omicron đã gây ra tâm lý hoảng sợ và bất an. Đây là phản ứng thiếu cơ sở khoa học. Ông nhấn mạnh có đầy đủ lý do để tin rằng các vắc xin hiện vẫn hiệu quả trước biến thể mới.
Theo các hãng thông tấn ở Nam Phi, nhiều người nước ngoài hiện đang cố gắng rời khỏi đất nước càng sớm càng tốt. Tại sân bay Johannesburg, hàng dài hành khách xếp hàng để bắt những chuyến bay cuối cùng rời khỏi đất nước.
WHO kêu gọi không hoảng sợ trước biến chủng Omicron
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga, bà Melita Vujnovich cho rằng, không cần quá hoảng sợ trước biến chủng Covid-19 Omicron mới.
'Mọi người không nên hoảng sợ, bởi vì chúng tôi vẫn chưa biết, nếu loại virus mới này vượt qua được vắc xin, nó sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin như thế nào', bà Vuinovich cho biết.
WHO cũng kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại. Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới.
Hiện giới nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến, những ảnh hưởng của nó đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vắc xin.
WHO khuyến nghị các nước nên tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện biện pháp siết nhập cảnh.