Nhiều nguồn lực phát triển sản phẩm
Ngày 15-12, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Nhiệm vụ 'Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới'.
Chủ trì hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới là một chủ đề quan trọng, hấp dẫn để hiện thực hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về 'Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Nội dung này chắc chắn thu hút những người yêu Hà Nội, am hiểu và tâm huyết đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa Thủ đô nói riêng, sự phát triển của Hà Nội – Thủ đô văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo nói chung.
Hội thảo đặt ra vấn đề về các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển.
Khẳng định Hà Nội đang đi đầu phát triển công nghiệp văn hóa, song Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho rằng, phải đánh giá được thực trạng, xác định đúng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tiêu biểu, thế mạnh để ưu tiên tập trung đầu tư thì mới tạo được đột phá trong thời gian tới.
Đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Nghị quyết số 09-NQ/TU và các nhiệm vụ, giải pháp thành phố đang triển khai tạo bước phát triển toàn diện cho các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường; bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Tiến sĩ Lê Ngọc Anh cũng nhận định, để thực hiện nhiệm vụ này, cần đi sâu phân tích về các ngành công nghiệp văn hóa ưu tiên phát triển tại Hà Nội; nhận diện những sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên (đặc điểm, phân loại, nội dụng, các chủ thể, các yếu tố cấu thành sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa); cơ sở khoa học xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Thủ đô cần ưu tiên phát triển; thực trạng và giải pháp phát triển một số sản phẩm, dịch vụ này…
Nhận diện sản phẩm, dịch vụ cần ưu tiên
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của Thủ đô là du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thời trang; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh; xuất bản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, so với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước, Hà Nội đã đề xuất thêm ngành ẩm thực – một ngành thực sự có tiềm năng phát triển lớn của Thủ đô.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ, thành phố xác định ba ngành gồm du lịch văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn có nhiều dấu ấn, tiếng vang thời gian vừa qua để tập trung phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh là rất chính xác. Vấn đề là cần lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ từ những ngành này để ưu tiên đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Mỳ gợi mở một số sản phẩm, dịch vụ triển vọng. Về du lịch văn hóa có du lịch "theo dấu chân Bác"; du lịch lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Đậu, đền Và, phủ Tây Hồ, làng Chuông… Về ẩm thực, có thể là giò chả Ước Lễ, phở Lý Quốc Sư, bánh mỳ Hà Nội, cốm làng Vòng, bánh tôm Hồ Tây, bánh Trung thu cổ truyền Bảo Phương, cỗ phố cổ, chả cá Lã Vọng, bún chả Hà Nội… Về nghệ thuật biểu diễn có múa rối nước, ca trù, hát văn, xẩm, lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ…
Với vai trò chủ trì Nhiệm vụ 'Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới', Tiến sĩ Đỗ Thị Liên Vân, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) phân tích: Để xác định một số sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa ưu tiên phát triển trong tình hình mới, cần xây dựng bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ của Hà Nội có điều kiện, tiềm năng. Theo đó, một số tiêu chí nhận diện sản phẩm, dịch vụ là sự tiêu biểu, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, có khả năng tạo thành chuỗi sản phẩm giá trị; có doanh thu phát triển ổn định, lâu dài, liên tục; có vị trí, điều kiện, tiềm năng để phát triển liên kết vùng, liên kết nội vùng; tính hữu dụng; khả năng quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước; an toàn; không gây ô nhiễm môi trường; góp phần giáo dục, định hướng nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ cho cộng đồng và giới trẻ; góp phần tạo việc làm…
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị về những vấn đề, như phát triển sản phẩm văn hóa trong công nghiệp văn hóa với hướng tiếp cận từ quản lý sản phẩm văn hóa; đề xuất một số sản phẩm, dịch vụ cần ưu tiên trong ngành du lịch văn hóa Thủ đô theo công nghệ quản trị tinh gọn; những điều cần thiết đối với Hà Nội khi phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa; thực tiễn thực hiện một số sản phẩm văn hóa theo hướng công nghiệp tại Hà Nội…
Các tham luận, ý kiến góp phần gợi mở cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, từ đó hoàn thiện để báo cáo, đề xuất UBND thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời gian tới.