Hàng loạt cây xanh hoặc chết khô do 'bức xạ nhiệt' hoặc bị chặn đường phát triển bằng đinh, dây thép, bê- tông... đang đặt ra bài toán về việc ứng xử với mảng xanh tại TP HCM
Dù đã hơn 17 giờ nhưng ông Đinh Chí Hiếu (buôn bán trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM) chưa thể thu gọn tấm bạt căng lên từ sáng che nắng cho quán cơm của mình.
Tiếc nuối
Đưa tay lau nhanh mồ hôi trên trán, ông Hiếu kể vài tháng trước, quán cơm của ông được che mát bởi hàng cây lát hoa cao. Không hiểu sao, chúng héo dần rồi chết khô. Công nhân vừa trồng lại hàng cây xanh thay thế nhưng chúng cần thời gian dài nữa mới có thể tỏa bóng mát.
Hàng cây trồng thay thế cây lát hoa trên đường Phạm Văn Đồng phải rất lâu nữa mới có thể cho bóng mát. Ảnh: LÊ VĨNH
Ông Hiếu đã sống trên đường Phạm Văn Đồng hơn 22 năm nay, trong đó trên 10 năm mở quán cơm. Chừng ấy thời gian gắn bó khiến ông không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến hàng cây lát hoa cao lớn chết dần.
Ông Hiếu ngậm ngùi: 'Ai cũng muốn trước nhà mình có hàng cây xanh vừa đẹp vừa cho bóng mát. Lúc thấy hàng cây héo, tôi mang nước ra tưới mỗi ngày nhưng cũng không cứu được. Tôi cảm thấy tiếc cho hàng cây cũ'. Ông mong mỏi những cây mới trồng được chăm sóc chu đáo, phát triển tốt.
Khó hiểu
Nhiều cây xanh trên hàng loạt tuyến đường ở TP HCM cũng bị héo úa, rụng lá, chết khô khó hiểu. Trong đó có hàng chục cây xanh trên đường Lương Ngọc Quyến (quận Gò Vấp), hàng chục cây long não dọc đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân)...
Trên đường Tố Hữu, đường Song Hành (TP Thủ Đức)..., rất nhiều cây xanh lại bị người xung quanh xâm hại. Chúng bị 'tra tấn' bằng việc đóng đinh làm giá đỡ bày hàng bán, đổ bê-tông kín gốc hoặc trở thành nơi tập kết rác. Nhiều cây khác còn chằng chịt đủ loại dây thép, dây đèn LED, đèn trang trí.
Cây xanh khẳng khiu, trơ trọi trên đường Tố Hữu, TP Thủ Đức Ảnh: ÁI MY
Ở những con đường như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận)..., hàng loạt gốc cây cũng bị bê-tông bịt kín. Khi báo chí phản ánh, các đơn vị được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ cây xanh đã cử nhân viên đến đục bỏ bê-tông.
Trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, gốc cây bị bê-tông bịt kín, thân bị đóng đinh, treo bảng hiệu... Ảnh: ÁI MY
Tình trạng cây xanh yếu ớt, chết khô hoặc bị 'bức tử' không phải mới xuất hiện. Hồi tháng 6-2024, Báo Người Lao Động đăng bài viết phản ánh tình trạng hàng loạt cây lát hoa 10-12 năm tuổi trên đường Phạm Văn Đồng chết khô.
Sau đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM, thông tin đơn vị nhận chăm sóc bảo dưỡng 336 cây lát hoa và 1.588 cây chủng loại khác ở tuyến đường này. Từ đầu năm 2024 đến thời điểm đó, số cây lát hoa chết đã đốn hạ là 58.
Về nguyên nhân, bà Huỳnh Anh cho rằng thời gian từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 5, thời tiết TP HCM nắng nóng kéo dài. Đường Phạm Văn Đồng có mật độ giao thông rất cao, dẫn đến bức xạ nhiệt trên tuyến này lớn. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây lát hoa.
'Qua kiểm tra thực tế việc đốn hạ cây lát hoa trên tuyến đường này, công ty nhận thấy phần rễ bị hư mục và có nấm bệnh xâm hại' - bà Huỳnh Anh cho hay.
Trước đó, vào tháng 8-2023, Báo Người Lao Động cũng có bài viết phản ánh hàng cây xanh trên đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình - đoạn gần vào sân bay Tân Sơn Nhất - không có bồn cây. Các gốc cây bị bịt kín bởi bê-tông, xung quanh có vòng kim loại ôm sát. Nhiều gốc cây lớn đã tràn ra khỏi vòng kim loại; phần vỏ xù xì, bong tróc, biến dạng.
Sau khi báo phản ảnh, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM cử công nhân đến kiểm tra và phá bỏ bê-tông để giải cứu hàng cây này…
An toàn, mỹ quan và bền vững
Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong chương trình Phát triển công viên và cây xanh đô thị trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2030 đã được UBND TP HCM ban hành, mục tiêu đối với hệ thống cây xanh đô thị là an toàn, mỹ quan và bền vững.
Sở Xây dựng cho hay những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu trên gồm: Rà soát, định hướng chủng loài cây trồng ở các tuyến đường; tổ chức chỉnh trang hệ thống cây xanh đường phố; xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh; xây dựng, điều chỉnh một số hướng dẫn, quy định kỹ thuật chuyên ngành.
Ngoài ra, xác định loài cây xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của TP HCM, trong đó tập trung lựa chọn các loài phù hợp với không gian hẹp. Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển của một số loài cây xanh để lựa chọn loài cây trồng phù hợp điều kiện, đặc điểm, mục tiêu của từng khu vực cần thiết... cũng là một trong nhiều nội dung quan trọng của chương trình.
Cần có giải pháp hiệu quả
Theo bà Thái Minh Châu (ngụ quận Gò Vấp), cây xanh có chức năng rất quan trọng, nhất là đối với đô thị lớn như TP HCM. Bày tỏ mong mỏi mọi người có ý thức giữ gìn cây xanh, bà Châu cho rằng đường sá, vỉa hè, cây xanh... thuộc quyền quản lý của cơ quan chức năng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp hiệu quả để bảo vệ cây xanh; có những hình thức xử phạt nghiêm đối với đối tượng có hành vi làm hại cây xanh, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Chung suy nghĩ, chị Võ Thị Kim Yến (ngụ quận 8) nhìn nhận đối với đô thị lớn như TP HCM, đa phần phương tiện di chuyển của người dân là xe máy, phát khí thải nhiều, nên cần phải tăng cường bảo vệ cây xanh. 'Hiện nay, khi ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, chúng ta phải nhận thức rõ cây xanh rất quan trọng đối với sự sống. Những hành động gây hại cho cây cũng dẫn đến tác động xấu đối với chất lượng không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, làm xấu đi bộ mặt đô thị' - chị lo lắng.
(Còn tiếp)