Không phải cái gì “không biết” thì cũng “không có tội”
Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc “lùm xùm' liên quan đến tiếp viên hàng không và vấn đề vận chuyển thuê hàng hóa qua đường hàng không luôn là câu chuyện “nóng”. Ngày 7/9/2023, dư luận trong nước xôn xao trước thông tin vụ việc hai nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị cảnh sát thành phố Incheon (phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc) bắt giữ, để điều tra về hành vi buôn lậu tinh dầu cần sa.
Kết quả điều tra từ phía cảnh sát Incheon cho thấy, hai nữ tiếp viên khai nhận việc chuyển hộ hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc và ngược lại. Mỗi lần vận chuyển các tiếp viên này nhận được khoảng 68.000 Won (1,2 triệu VND). Hai nữ tiếp viên nói rằng chỉ nhận chuyển hàng hộ, không biết bên trong là chất bị cấm. Hiện, cảnh sát Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Trước đó ngày 16/3/2023, bốn nữ tiếp viên hàng không trong nước đã xách tay hàng hóa từ Pháp về Việt Nam, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện lượng lớn ma túy được ngụy trang trong số hàng này. Cơ quan công an xác định, bốn nữ tiếp viên có liên quan vụ việc trên bị nhóm người Việt định cư ở nước ngoài lợi dụng vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Nhiều tiếp viên hàng không bị đối tượng phạm tội lợi dụng thuê vận chuyển hàng hóa, nhưng cất giấu ma túy bên trong
Từ những vụ việc trên, có thể thấy vấn đề tiếp viên hàng không nhận vận chuyển hàng hóa cho người khác (không nhận thù lao, nhận thù lao hoặc giúp đỡ một lần ngay lúc đó) không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, có thể nhận định rằng, vì tâm lý chủ quan, do đã vận chuyển nhiều lần cho người nào đó và đã từng được trả thù lao trong việc vận chuyển, nên nhiều tiếp viên hàng không bị đối tượng phạm tội lợi dụng để vận chuyển ma túy.
Hiện nay, những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia trở nên tinh vi hơn, thường tiếp cận và lợi dụng luôn cả 3 phía (người gửi hàng, người vận chuyển – tiếp viên hàng không, người nhận hàng), để biến họ thành những người vận chuyển chất cấm mà họ cũng không biết kẻ chủ mưu là ai.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, với các vụ việc xảy ra, nếu tại Việt Nam, dù người vận chuyển không biết nhưng pháp luật quy định buộc họ phải biết. Tùy theo vụ việc, có thể hậu quả theo hai hướng. Theo đó, việc không biết việc mình vận chuyển chất cấm (không biết, hoặc do nhầm lẫn về đối tượng) nên họ không bị xử lý về hình sự, nhưng sẽ bị xử lý về trách nhiệm vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trước mắt là phải bị điều tra và việc chứng minh của họ phụ thuộc vào chính họ nên cũng rất khó khăn.
“Đối với một số vụ việc, dù không biết nhưng hàng hóa đó có chứa những chất nguy hiểm (cháy nổ,…) thì căn cứ vào mức hậu quả có thể xảy ra, mà vẫn buộc phải chịu trách nhiệm xử lý về hình sự. Vì thế, không nên có tâm lý hiểu theo kiểu không biết thì không có tội”, luật sư Phượng khẳng định.
Phải làm gì để không xảy ra “tai tiếng”?
Có thể nói, thông qua cách thức vận chuyển hàng không xuyên quốc gia, mức độ tội phạm thực hiện trực tiếp việc vận chuyển hoặc bằng cách nhờ hoặc trả thù lao cho việc vận chuyển hàng hóa thông thường, nhưng đưa vào đó những chất cấm là những xu hướng tội phạm hay xảy ra. Vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng “hàng xách tay” qua đường hàng không, từ đó triệt tiêu rủi ro sẽ gặp phải như những trường hợp ở trên?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho rằng, những tiếp viên hàng không cần có sự nhận thức rõ về tình hình tội phạm, hậu quả khi mình tiếp tục thực hiện công việc vận chuyển “hộ” người khác. Các tiếp viên có thể mang hàng hóa lên máy bay, qua cửa khẩu, miễn thuế, nhưng khi xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mình. Từ đó, các tiếp viên nên lựa chọn việc không tham gia các công việc trên, để tránh rủi ro cho bản thân và ảnh hưởng đến gia đình.
Luật sư Lương Thành Đạt cũng cho biết thêm, để ngăn chặn tình trạng “lùm xùm” liên quan đến các tiếp viên hàng không tái diễn, cùng với đó là bài toán cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết là về vấn đề đào tạo và giáo dục. Theo đó, các hãng hàng khôngViệt Nam cần đảm bảo rằng tiếp viên hàng không của họ được đào tạo về quy tắc an toàn và tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt. Họ cần hiểu rõ hậu quả của việc vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Tiếp đó là việc cần kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Việc này thực hiện bằng cách tăng cường kiểm tra an ninh và khám xét hành lý của tiếp viên hàng không trước khi lên máy bay, để đảm bảo không có vật phẩm cấm trong hành lý.
Ngoài ra, cần cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh và hải quan ở các nước, để ngăn chặn việc buôn lậu và vận chuyển cần sa hoặc các chất cấm khác qua biên giới. Tăng cường quản lý nhân sự, đảm bảo quản lý nhân sự nghiêm ngặt và đảm bảo tính minh bạch trong quá trình tuyển dụng hay giữ chức vụ của tiếp viên hàng không.
Bên cạnh đó, có thể tạo cơ hội phản ánh cho chính những tiếp viên hàng không. Qua đó, thiết lập cơ chế để nhân viên có thể báo cáo về bất kỳ hoạt động bất thường hoặc đáng ngờ nào trong công việc của họ mà không bị trả thù hoặc sự truy cứu. Một vấn đề nữa đó là, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và luật pháp quốc tế, liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa và quản lý phi hành đoàn.
“Những biện pháp này có thể giúp ngăn chặn các sự việc buôn lậu ma túy và tạo ra môi trường an toàn và đáng tin cậy cho ngành hàng không Việt Nam”, luật sư Lương Thành Đạt nhận định.