Nhiều bất thường
Theo Bộ Y tế, việc cấp phép lưu hành kit test của Việt Á trên cơ sở căn cứ vào ý kiến của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2. Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ KH-CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Việt Á.
Tuy nhiên, quy trình cấp phép lưu hành kit test của Việt Á có những bất thường. Bởi ngày 3-3-2020, Hội đồng KH-CN quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit RT-PCR one step với tỷ lệ 8/8 thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit RT-PCR do Việt Á phối hợp Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất. Trước kiến nghị trên, ngay hôm sau, 4-3-2020, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Việt Á. Lý giải về sự cấp phép rất nhanh, Bộ Y tế cho biết 'việc cấp phép này đảm bảo đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới' nhưng thực tế vào thời điểm đó, tại nước ta số ca mắc Covid-19 chưa nhiều.
Về giá của bộ kit test, Bộ Y tế cho rằng 'theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá'. Nhưng, ngay từ đầu họp báo giới thiệu về bộ kit test này (ngày 5-3-2020), ông Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Việt Á) đã tự định giá bộ kit test này có giá 400.000-600.000 đồng.
Và, kể từ khi Việt Á tự công bố giá cho đến ngày 13-7-2021, khi Bộ Y tế có văn bản số 5583 do ông Nguyễn Minh Tuấn (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, khả năng cung ứng và giá bán kit test, thì kit test của Việt Á luôn đứng ở vị trí số 1 trong danh sách. Kèm theo công văn của Bộ Y tế là giá bán công bố của bộ kit này 470.000 đồng/bộ, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 bộ... Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là Bộ Y tế căn cứ vào những điều kiện, quy định nào để 'ưu ái' đưa kit test của Việt Á luôn ở vị trí số 1 và giá bán là 470.000 đồng/bộ?
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại một doanh nghiệp ở phía Bắc. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trong khi đó, kết luận điều tra vụ án, Bộ Công an chỉ rõ: 'Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng ở Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit test'.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng chính là người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng vào tháng 11-2021 vừa qua. Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng cho rằng đã 'cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu' và từ tháng 9-2021, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và sở y tế các tỉnh thành rà soát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế chống dịch. Tuy nhiên, khi việc thanh kiểm tra chưa đem lại kết quả thì Bộ Công an đã khởi tố vụ án và nhiều bị can trong vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á và CDC Hải Dương'. Như vậy, trong vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi Bộ Y tế đã thanh kiểm tra không phát hiện ra sai phạm hay là có phát hiện nhưng... bỏ qua!?
Chờ câu trả lời
Cũng liên quan tới vụ việc này cho đến chiều 22-12, sau nhiều lần cố gắng, nhưng phóng viên Báo SGGP cũng như nhiều báo khác vẫn không thể liên lạc được với lãnh đạo Bộ KH-CN để tìm hiểu, làm rõ những thông tin liên quan. Trước đó, trong ngày 20-12, trên website của Bộ KH-CN (www.most.go.vn), thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Việt Á đã bị gỡ bỏ.
Về lý do, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các khối ngành kinh tế - kỹ thuật, trả lời rằng: Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Việt Á. Thực chất WHO chỉ mới 'chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng', chứ không phải 'chấp thuận sử dụng'. Đây là 'sơ suất' của Bộ KH-CN. Về việc kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa vào sử dụng phòng dịch, theo ông Hùng, việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.
Bộ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á
Trong khi đó, ngày 26-4-2020, Bộ KH-CN ra thông báo nêu rõ: 'Ngày 24-4-2020, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ KH-CN giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00'. Thông tin này được báo chí Việt Nam đăng tải rất nhiều và đăng công khai trên website của Bộ KH-CN ngay ở thời điểm đó. Nhưng thực tế, ngày 20-10-2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ kit test Covid-19 của Việt Á là: 'Not Accepted - Không được chấp nhận'.
Như vậy, EUL 0524-210-00 là mã số xác nhận khi Việt Á đăng ký thẩm định với WHO, không liên quan gì đến việc bộ kit xét nghiệm này được chính thức cấp phép theo các tiêu chí về an toàn và hiệu quả. Chắc chắn, cùng với việc công bố công khai 'Not Accepted - Không được chấp nhận', WHO đã có thông báo trực tiếp tới Việt Á, Bộ KH-CN, Bộ Y tế, cùng các đơn vị liên quan. Nếu có sự nhầm lẫn như ông Trịnh Thanh Hùng nói ở trên, vậy vì sao sau khi nhận được công bố phản hồi của WHO, Bộ KH-CN và Bộ Y tế vẫn không hề có động thái nào sửa sai? Cho đến khi vụ việc tại Việt Á bị Bộ Công an phanh phui, Bộ KH-CN mới rút thông tin nói trên và cho rằng có sự 'nhầm lẫn'. Lãnh đạo Bộ KH-CN và các cơ quan liên quan cần sớm trả lời rõ cho dư luận những vấn đề liên quan. Không thể chỉ đơn giản là 'sơ suất' hay 'nhầm lẫn' ở vụ việc này được.
ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TPHCM), Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Theo tôi, việc đầu tiên cần làm là xem xét chất lượng toàn bộ số kit test mà Việt Á đã đưa ra thị trường. Với nhân sự, trang thiết bị, mặt bằng sản xuất như thế thì họ có cung ứng được cho thị trường số lượng lớn như thế không, chất lượng có đảm bảo không? Nếu không phải họ tự làm thì nguồn ở đâu? Nếu không đảm bảo chất lượng thì tại sao Bộ Y tế lại cấp chứng nhận chất lượng (trong khi WHO thì không)? Sau đó mới xét đến giá. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu là không sai, nhưng việc lợi dụng, tranh thủ cơ hội này để trục lợi, 'thổi giá' thì phải nghiêm trị. Trong vụ việc này, có 2 bộ có liên quan, cần rà soát, kiểm điểm nghiêm túc, đó là Bộ KH-CN và Bộ Y tế. Trong nhà nước pháp quyền, cơ quan nhà nước và công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về những công bố của mình. Các cơ quan chức năng cần xem xét các hành vi này là cố ý hay vô ý, tác hại đến đâu. ĐBQH LÊ THANH VÂN (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Trong vụ việc nghiêm trọng này, có 3 chủ thể chính cần xem xét trách nhiệm là Bộ KH-CN, Bộ Y tế và CDC các địa phương. Tuy chưa có kết luận từ cơ quan điều tra nhưng bước đầu đã xác định Bộ KH-CN có hành vi 'nói không thành có': WHO chưa công nhận chất lượng, nhưng lại nói là đã công nhận rồi. Bộ Y tế là cơ quan đánh giá chất lượng thích ứng với yêu cầu, nhu cầu của ngành mình và tư vấn về giá, cho lưu hành. Khi họ nêu ra một mức giá cụ thể để các CDC tham chiếu thì họ có trách nhiệm xác định tính hợp lý của mức giá đó, chứ không phải doanh nghiệp nói sao nghe vậy. Các CDC cũng không vô can vì họ phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Do đó, rất cần 'vạch mặt chỉ tên' những cán bộ nào nhận tiền chênh lệch giá, thực chất là hành vi nhận hối lộ. Phạm tội khi đất nước đang trong tình thế khó khăn, khẩn cấp thì tính chất tội phạm càng nguy hiểm và tác hại càng lớn. BẢO VÂN - PHAN THẢO |