Thực tế thời gian qua cho thấy có muôn hình vạn trạng cách những người đàn ông, phụ nữ ra tay xử lý bạn gái, bạn trai, vợ, chồng mình khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị phản bội… Có những tình huống cười ra nước mắt, nhưng cũng có những án mạng thương tâm.
Công an Thanh Hóa mới đây khởi tố bị can đối với một người phụ nữ 30 tuổi, trú tại huyện Như Thanh về tội cố ý gây thương tích. Trước đó, khi đi siêu thị người phụ nữ này bắt gặp chồng lái ô tô chở cô gái khác, vì ghen tuông, cô đã chặn xe, đánh và cắn đứt một phần tai trái của cô gái ngồi trong xe. Vì lý do ghen tuông, một phụ nữ ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cũng bị phạt 9 tháng tù vì cắt 'của quý' của chồng hờ, gây tổn thương cơ thể 25%.
Đỉnh điểm của ghen tuông, các đối tượng đã ra tay giết người. Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã tạm giữ hình sự đối với một người đàn ông 39 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc) để điều tra về hành vi giết người. Anh này chung sống như vợ chồng với 1 phụ nữ. Tuy nhiên do mâu thuẫn, chị này có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Cả hai mẹ con chị sau đó đã bị người tình cũ giết hại. Hàng loạt các vụ đánh ghen phóng hỏa, chém, giết người gây chấn động dư luận đã xảy ra thời gian qua. Câu hỏi đặt ra là ghen có phải thực sự là biểu hiện của tình yêu không, hay có sự nhầm lẫn giữa tình yêu với lòng ích kỷ?
'Đã là yêu thì sẽ không nỡ làm đau người mà mình yêu nhưng họ sẵn sàng làm đau hay giết chết, đó không phải tình yêu nữa, nó là sự ích kỷ cá nhân, thỏa mãn cảm xúc và trả thù cho những gì anh, chị đã từng gây ra cho tôi' - PGS.TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ - 'Có thể một phần đó là ích kỷ nhưng đó cũng có thể là sự mất định hướng trong thiết lập hệ thống giá trị chuẩn mực trong gia đình Việt hay toàn bộ xã hội hiện nay'.
Ngày xưa., vợ chồng có mâu thuẫn gì thường 'đóng cửa bảo nhau', nhưng bây giờ xu hướng mang chuyện nhà,,, ra ngoài đường ngày càng phổ biến. Không còn lạ với cảnh những cung đường tắc nghẽn, những đám đông hiếu kỳ quây vào xem cảnh đánh ghen. Những người đi đánh ghen chủ động tổ chức quay clip tung lên mạng, đưa ảnh người thứ 3, những tin nhắn riêng tư của vợ, chồng mình công khai... cho thỏa cơn tức giận. Với tốc độ lan truyền của mạng xã hội, chuyện của một người đã thành chuyện của muôn người.
Thực tế, những 'đòn ghen' phần nào đạt được mục đích, kẻ 'tiểu tam' bị bẽ mặt, kẻ ngoại tình cũng bị bêu rếu, nhiều trường hợp phải bỏ việc, nghỉ làm, bỏ nhà đi… Nhưng cũng không ít người vì ghen tuông mà trở thành tội phạm, phải chịu các bản án nặng nề vì tội lăng mạ, xúc phạm hoặc cố ý gây thương tích cho người khác. Chuyện ngoại tình là phạm pháp, đáng lên án. Ai bị phản bội cũng cảm thấy đau khổ, phẫn uất hay tuyệt vọng. Nhưng sau những trận đánh ghen tàn khốc, nạn nhân thực sự không chỉ là kẻ ngoại tình mà cả chính người đi đánh ghen, gia đình phía sau họ, nhất là những đứa trẻ phải nhìn bố mẹ mình hủy hoại lẫn nhau và chịu sự gièm pha của cộng đồng.
'Tại sao trẻ con giờ bàng quan như vậy, không quan tâm đến người khác bởi chính người lớn khi thực hiện những hành vi như vậy không quan tâm đến những đứa trẻ. Chúng là con của họ, khi chứng kiến cảnh như vậy, sẽ có nền tảng cho việc hình thành các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, ở đó sẽ là những câu chuyện về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lâu hay bị bạn chê cười nên đứa trẻ sẽ thấy khổ sở, chịu tổn thương cả về thể chất và tinh thần', PGS.TS Trần Thu Hương cho biết thêm.
Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận, không ai hiểu hoàn cảnh của mỗi người ngoài chính họ. Nhưng sau những trận đánh ghen đã xảy ra, có lẽ ai cũng suy nghĩ chữ 'giá mà'. Giá mà biết trân trọng hôn nhân hơn, giữ gìn mái ấm gia đình hơn, đừng để những phút vui nhất thời làm bước chân lạc lối. Giá mà những điều trái ý trong hôn nhân xảy ra, những người bị tổn thương chịu ngừng lại một nhịp, nhìn nhận lại mọi thứ để có hành xử tỉnh táo, có lẽ nhiều tấn bi kịch đã không xảy ra. Có thể, tình yêu một ngày nào đó sẽ đi qua nhưng tình người là điều luôn có thể giữ gìn.