Chỉ cách nhau 2 ngày, 2 người phụ nữ ở Mỹ bị chồng cũ sát hại chỉ vì 2 nạn nhân đã lên mạng xã hội kể lại chi tiết cuộc sống hôn nhân địa ngục và quá trình ly hôn.
Vào ngày 18/7, nữ nhiếp ảnh gia Sania Khan (29 tuổi) ở bang Tennessee đã bị người chồng cũ bắn chết ngay trong căn hộ của cô này tại thành phố Chicago. Tới ngày 20/7, nữ YouTuber Dana Alotaibi cũng bị chồng cũ sát hại bên một con đường ở Hawaii. Chồng cũ của cô Alotaibi là lính thủy quân lục chiến Mỹ và người này đã cố tự sát sau khi gây án.
Cô Sania Khan (bên phải), người bị chồng cũ sát hại sau khi phơi bày cuộc hôn nhân địa ngục lên mạng xã hội, và người bạn thân Grant Moore. (Ảnh: Insider)
Trước khi bị chồng cũ sát hại, cả 2 nạn nhân Khan và Alotaibi đều tích cực đăng tải trên TikTok và YouTube về cuộc sống hôn nhân trước đây. Trong đó, cô Khan chia sẻ công khai chi tiết quá trình ly hôn với người chồng cũ Raheel Ahmed lên 2 nền tảng TikTok và Instagram, nơi cô có 22.000 người theo dõi. Còn cô Alotaibi đã nhắc lại chi tiết chuyện bị người chồng cũ Bryant Castillo lừa dối và lạm dụng cho gần 170.000 triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội.
Theo các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực bạo hành gia đình, rất khó để đưa ra kết luận liệu mạng xã hội có hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi ngược đãi hay không như trong trường hợp của cô Khan và Alotaibi.
Nhưng cái chết của 2 người phụ nữ đã đặt ra câu hỏi đáng bàn và đòi hỏi các chuyên gia cần nghiên cứu cụ thể về việc 'Mạng xã hội đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy hành vi ngược đãi, và bằng cách nào các nạn nhân bị bạo hành điều hướng nó?
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi
Chia sẻ với Insider, các chuyên gia trong lĩnh vực bạo hành gia đình nhận định những người bị bạo hành chọn cách công khai câu chuyện của họ ở 'những nơi có sức mạnh'.
'Chúng tôi muốn đảm bảo những người bị bạo hành có tiếng nói, và có thể chia sẻ trải nghiệm của họ với cộng đồng', bà Ruth Glenn, Chủ tịch kiêm CEO của Liên Hiệp Quốc gia Chống bạo lực gia đình nói.
Theo bà Glenn, chia sẻ câu chuyện cá nhân lên mạng xã hội giúp những nạn nhân bị bạo hành trút nỗi buồn và thể hiện sức mạnh của bản thân, sau thời gian chịu đựng mối quan hệ mà họ bị xem thường.
Nhưng đồng thời, mạng xã hội có thể là nơi gây hại cho chính họ bởi những kẻ bạo hành có thể dễ dàng lần ra thông tin về nơi ở, cũng như thói quen sinh hoạt của nạn nhân và có hành động trả thù.
Đây chính là trường hợp của cô Khan. Theo người bạn thân của nạn nhân là Grant Moore, vào đúng ngày cô Khan bị sát hại, cô này đang chuẩn bị rời khỏi căn nhà ở thành phố Chicago để trở về quê nhà Chattanooga thuộc bang Tennessee. Trước khi đi, cô Khan đã cập nhật lên mạng xã hội về kế hoạch di chuyển của mình cho những người theo dõi biết.
Trong cuộc phỏng vấn với Insider, anh Moore cho rằng khả năng người chồng cũ của cô Khan là Ahmed đã nhìn thấy dòng trạng thái mà vợ cũ đăng lên mạng xã hội và cho rằng đây chính là cơ hội cuối cùng để hắn ra tay.
'Nếu hắn ta nhìn thấy thông tin, hắn sẽ nghĩ rằng ‘Đúng, đây chính là ngày cuối cùng mình biết được chính xác cô ta đang ở đâu', anh Moore nói.
Theo các chuyên gia, những đối tượng bạo hành bị phơi bày công khai thường chọn cách trả thù. Việc công khai thông tin trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý tới vấn nạn bạo hành có thể tăng thêm sức nặng trong mối quan hệ, và khiến kẻ bạo hành tức giận, bởi chúng luôn muốn kiểm soát tình hình.
Trong trường hợp của 2 nạn nhân Khan và Alotaibi, họ đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng mạng bằng cách chia sẻ lịch trình cá nhân. Đối với 2 người phụ nữ này và cả những nạn nhân bị bạo hành khác chọn cách công khai thông tin, câu hỏi đặt ra không phải là liệu họ có nguy cơ đối mặt với kẻ bạo hành hay không, mà là khi nào chuyện này sẽ xảy đến.
'Nếu ai đó đang sống cuộc sống trên mạng xã hội, nguy cơ họ bị kẻ bạo hành dễ dàng nhận diện, tìm ra bất cứ lúc nào chắc chắn sẽ gia tăng', Giáo sư Jocelyn Anderson chuyên nghiên cứu về bạo lực gia đình và bạo hành tình dục nhận định.
Theo bà Glenn, những người bị bạo hành cần suy nghĩ về an toàn của bản thân trước tiên và câu hỏi liệu kẻ bạo hành có làm tổn thương hay đe dọa họ liên quan tới những thông tin mà họ cho công khai lên mạng xã hội.
'Tôi sẽ không bao giờ khuyên nạn nhân từ bỏ sức mạnh cá nhân bằng cách không công khai thông tin lên mạng xã hội. Nhưng điều tôi muốn nói là cần phải đảm bảo an toàn của bản thân và những người mà bạn quan tâm trước khi làm việc gì đó, và mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau', bà Glenn nói.
Trong bối cảnh mạng xã hội không ngừng mở rộng, những nạn nhân bị bạo hành tiếp tục công khai vấn đề cá nhân, 'chuyện này có nghĩa sẽ có thể có thêm người chết và có thêm những kẻ bạo hành trả thù bằng các hành động cực kỳ tàn ác', bà Glenn kết luận.