Trong kỷ nguyên hiện đại, các trò chơi điện tử hiếm khi chỉ có một phiên bản. Ngày nay, nếu một trò đạt được thành công về mặt thương mại, gần như chắc chắn phần tiếp theo sẽ xuất hiện. Một số nhượng quyền mới thậm đã vạch ra trước chiến lược cho các phần sau trước cả khi phần game đầu tiên ra mắt. Lộ trình đã được tạo sẵn và tất cả cùng nín thở chờ xem phần đầu tiên có hoạt động mượt mà hay không.
Tất nhiên, những hy vọng đó không phải lúc nào cũng trở thành sự thật, nhiều trò chơi đã thất bại ngay từ những phút đầu gia nhập cuộc đua. Ai cũng có thể gục ngã, từ những gương mặt kỳ cựu cho đến những nhà phát triển mới không thể đưa ra những ý tưởng sáng suốt để mọi việc đi đúng lộ trình. Và dưới đây là những tựa game tưởng như sẽ là siêu phẩm, nhưng lại có kết cục bi đát và phải hủy phần tiếp theo.
Too Human
Vào cuối những năm 90, nhà phát triển Silicon Knight muốn tạo ra một bom tấn thể loại khoa học viễn tưởng. Trò chơi sẽ có một thế giới rộng lớn để khám phá, một câu chuyện thần thoại phong phú và phong cách chiến đấu đa dạng. Trò chơi được dự kiến sẽ có 4 phần và được đặt rất nhiều kỳ vọng.
Nhưng trò chơi, với tên gọi Too Human đã rất chật vật ngay từ lần ra mắt đầu tiên, thêm vào đó là mâu thuẫn giữa nhà phát triển và Epic Games. Rất nhanh chóng tựa game này đã đi vào quên lãng và chẳng ai cảm thấy tiếc nuối cả.
Những đánh giá tiêu cực từ cả game thủ nổi tiếng cho đến những người mới chơi đã khiến Too Human sụp đổ. Silicon Knight đã hy vọng tạo ra một bộ ba phần game đầy đủ nhưng với sự thất bại nghiêm trọng về mặt thương mại của sản phẩm, phần tiếp theo đã chẳng bao giờ xuất hiện.
The Order: 1886
Thương hiệu God of War của Sony đã bùng nổ vào giữa những năm 2000 và nâng tầm thể loại game hành động góc nhìn thứ ba. Khi studio chính ở Santa Monica đang nỗ lực cho các phần game tiếp theo, một nhà phát triển khác, Ready at Dawn, được giao nhiệm vụ tạo ra các trò chơi God of War mới cho hệ thống PlayStation Portable. Sau khi những trò chơi đó tiếp tục đạt được thành công, hãng game cuối cùng đã sẵn sàng để thực hiện tham vọng của mình: tạo ra một nhượng quyền thương mại của riêng họ.
Viên gạch đầu tiên trong IP mới này là The Order: 1886. Pha trộn thần thoại Arthurian với bối cảnh steampunk, The Order cung cấp cơ chế chiến đấu độc đáo và các pha đấu trí căng thẳng. Theo một cách nào đó, đây là một bản mở rộng của những bài học mà studio đã thu được từ God of War. Đồ họa của game cũng rất ấn tượng và The Order được coi là trò chơi mới hot nhất trên PlayStation.
Nhưng nó đã không thành công. Dù có vẻ bề ngoài long lanh, trò chơi đầy những lỗi sơ đẳng và có thời lượng quá ngắn để hoàn thành. Không thể trở nên lừng lẫy như God of War, The Order: 1886 trở nên lạc lõng giữa đám đông và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bản quyền game vẫn thuộc về Sony, điều đó có nghĩa là mặc dù Ready at Dawn đã sẵn sàng với nhiều ý tưởng tiếp theo nhưng thực tế toàn bộ loạt game này đã gần như bị khai tử. Kể từ đó, không có bất kỳ thông tin nào về phần game The Order tiếp theo cả và Ready at Dawn đã chuyển sang các dự án khác.
Dawn of War III
Relic Entertainment là một trong những nhà sáng tạo trò chơi chiến lược uy tín nhất trong ngành công nghiệp game. Dawn of War và Dawn of War II đều là những trò chơi thành công. Trên thực tế, mặc dù có cùng tiêu đề, hai trò chơi không giống nhau. Đầu tiên là một trò chơi chiến lược thời gian thực xây dựng căn cứ thông thường, trong khi tựa game thứ hai là trải nghiệm chiến thuật thời gian thực tập trung vào đội hình. Vì vậy, với Dawn of War III, Relic đã quyết định kết hợp cả hai kiểu chơi nói trên, và thêm vào các ý tưởng từ thể loại MOBA nổi tiếng.
Giống như StarCraft II, Dawn of War III có ba phe chiến đấu. Tất cả đều bao gồm các đơn vị anh hùng riêng lẻ với các khả năng khác nhau, tập trung vào các trận chiến xung quanh các nhân vật này. Tuy nhiên, cốt truyện trong phần III tỏ ra yếu hơn so với các phần trước, và thiếu sự cân bằng về sức mạnh và chiến lược giữa các phe phái.
Tất cả các trò chơi Dawn of War trước đây của Relic đều có các gói mở rộng lớn, với những chiến dịch hoàn toàn mới và các đơn vị mới được thêm vào đội hình của mỗi phe phái. Dawn of War III có cùng một lộ trình, nhưng thật không may, doanh số thảm hại đã buộc Relic phải hủy bỏ bất kỳ ý tưởng nào trong tương lai về việc mở rộng. Mục tiêu của họ là vượt qua MOBA, nhưng cuối cùng thì đây là một thất bại không thể tránh khỏi bởi sự chuẩn bị thiếu kĩ lưỡng.