Từ đầu năm đến nay, Riot Games đã ít nhất phát đi hai tín hiệu cho thấy ông lớn này sẽ hợp tác với VNG chứ không phải Garena hay bất kỳ một NPH nào khác tại Việt Nam. Phát súng đầu tiên chính là Huyền Thoại Runeterra khi cả Riot lẫn VNG đều chính thức lên tiếng xác nhận sẽ hợp tác phát hành sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Tiếp đó, hàng loạt tin đồn cho thấy rằng, ít nhất VNG sẽ 'bao thầu' luôn cả Đấu Trường Chân Lý Mobile. Và sự thật thì còn hơn cả như vậy, trên Fanpage chính thức của Valorant Việt Nam đã gián tiếp xác nhận rằng, dự án game bắn súng và cả Đấu Trường Chân Lý Mobile sẽ tiếp tục được Riot Games hợp tác với VNG phát hành tại Việt Nam. Đó là lý do vì sao, thời điểm hiện tại, người chơi trong nước vẫn chưa thể trực tiếp chơi các sản phẩm này mà buộc phải tìm cách vượt rào để tải về. Vậy tại sao Riot Games lại chọn VNG chứ không phải Garena hay bất kỳ một công ty nào khác?
Đầu tiên, bản thân Riot Games đã lên tiếng xác nhận sẽ không hợp tác với Garena để phát hành các tựa game này tại thị trường Việt Nam. Bất chấp ở thời điểm hiện tại, Garena vẫn đang là đối tác phát hành Liên Minh Huyền Thoại, nhưng người dùng Việt Nam sẽ không thể sử dụng tài khoản Garena để đăng nhập vào các dự án sau này của Riot Games như Đấu Trường Chân Lý Mobile, Huyền Thoại Runeterra và có thể sau này là cả LMHT: Tốc Chiến.
Tại thị trường Việt Nam hiện tại, gần như chỉ có VNG và Garena là hai ông lớn chịu chi cho các dự án eSports. Bản thân game thể thao điện tử là một cuộc đua trường kỳ, tốn tiền hao của mà không phải công ty phát hành nào tại Việt Nam hiện nay cũng đủ lực, đủ nhẫn để chấp nhận chịu thua lỗ để vận hành.
Bài học trắng tay của Gamota với dự án AOG – Đấu Trường Vinh Quang đã thất bại và cả Survival Heroes đang 'thoi thóp' chính là lời giải cay đắng nhất cho những đơn vị phát hành nhỏ muốn lao vào thiêu thân trong cuộc chiến này. Nhắc tới Gamota, một dự án khác là Vainglory cũng đang trong cảnh bỏ thì thương mà vương thì tội, đặc biệt khi tại Trung Quốc, Vainglory đã phải tuyên bố đóng cửa. Điều đó cho thấy chiến trường eSports tại Việt Nam khốc liệt như thế nào.
Bài học đau đớn của AOG - Đấu Trường Vinh Quang tại Việt Nam
Do vậy, nếu như không hợp tác với Garena, Riot Games chỉ có hai phương án. Một là hợp tác với một ông lớn, trong trường hợp này là VNG và thứ hai là tự thân phát hành. Phương án thứ hai ở thời điểm hiện tại là gần như không thể, bởi cơ hội cho các đơn vị phát hành nước ngoài vào Việt Nam, tuy đã dễ dàng hơn trước, song cũng không phải là công việc có thể hoàn thiện trong vòng một sớm một chiều.
Bởi lẽ, còn rất nhiều yếu tố liên quan như hệ thống máy chủ, nhân lực, cơ sở vật chất, truyền thông… đáp ứng đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Mà chừng đó yếu tố đủ sức làm cho Riot Games không thể hoàn thành, chí ít là với các sản phẩm Đấu Trường Chân Lý Mobile, Valorant và Huyền Thoại Runeterra. Số phận của LMHT: Tốc Chiến thì buộc phải chờ đợi khi tựa game này chính thức xác nhận thời điêm ra mắt trong tương lai.
Như vậy, với chừng đó lý do, game thủ trong nước có thể hiểu được tại sao Riot Games lại chọn VNG để 'gửi vàng' chứ không phải là Garena hay bất kỳ một công ty nào khác. Bởi đơn giản, ở thời điểm này, chỉ có VNG là đáp ứng được mọi yêu cầu và hội tụ đầy đủ yếu tố 'thiên thời, địa lợi và nhân hòa'. Còn sau này ra sao thì hồi sau sẽ rõ.