Với doanh thu cán mốc 725 triệu USD và doanh số chạm mốc 2 tỷ USD tính tới thời điểm hiện tại, Axie Infinity đã xô đổ mọi kỷ lục của các game blockchain từ trước tới nay. Trong đó, riêng tháng 8 đã ghi nhận doanh thu kỷ lục 364 triệu USD trong tựa game nuôi thú cưng của người Việt này.
Tuy vậy, thành quả này không hoàn toàn đến từ sự may mắn mà bao gồm nhiều yếu tố trong đó có khả năng vận hành sản phẩm ổn định của nhà phát triển Sky Mavis.
Kích thích giao dịch
Điều hiển nhiên trong vận hành game đó là cần tăng người chơi trước rồi mới nghĩ đến chuyện tăng doanh thu và giải quyết các bài toán phát sinh sau đó như mất cân bằng, hack bot tràn lan...
Trước hết, để giải bài toán tăng lượng người chơi, Sky Mavis đã phá bỏ một rào cản quan trọng đối với các game blockchain trên mạng Ethereum đó là phát hành sidechain riêng biệt Ronin kể từ tháng 4/2021.
Có thể hiểu Ethereum là đường cao tốc chính thì Ronin chính là đường nhánh phụ bị chặn hai đầu. Giao dịch trên Ronin vì thế vừa nhanh và lại vừa không mất phí như trên Ethereum. Đây chính là chìa khóa quan trọng để Axie Infinity thu hút người chơi khi mạng lưới mở rộng với lượng giao dịch tăng đột biến cần xử lý mỗi giây.
Axie Infinity đạt doanh số 2 tỷ USD, cao nhất mọi thời đại, theo DappRadar.
Khi giao dịch đã không còn mất phí cho mạng, Axie Infinity dễ dàng thu hút cả triệu người chơi nhờ chương trình học bổng (scholarship), một dạng cày thuê giao kèo giữa người chơi cũ và mới.
Nhưng đó chỉ là điều kiện cần để người mới làm quen với Axie Infinity. Làm thế nào để họ gắn bó lâu dài với trò chơi nhằm tạo ra một nền kinh tế liên tục vận động mới là vấn đề. Axie Infinity giải quyết bài toán này bằng gameplay đơn giản dễ làm quen nhưng muốn mạnh lên, người chơi phải cày cuốc ngày đêm và giao dịch với người chơi khác.
Để gia tăng sức mạnh cho thú cưng, người chơi cần mở rộng vùng đất và tiếp tục chinh chiến PvP/PvE, vốn tiêu tốn tiền ảo như Axie Infinity Shards (AXS), Smooth Love Potion (SLP) hay Ethereum. Vì thế các hoạt động này chính là nơi đem lại nguồn doanh thu khổng lồ cho Sky Mavis khi Axie Infinity thu phí 4,25% cho tất cả giao dịch.
Tưởng tượng việc giao dịch này cũng như phí rút tiền mặt ở các cây ATM, mà giao dịch càng nhiều, doanh thu đem lại càng lớn.
Hệ thống giải đấu kích thích người chơi đua top bằng cách chi tiêu nhiều hơn cho Axie Infinity.
Nhằm kích thích người chơi giao dịch nhiều hơn, Axie Infinity phát triển hệ thống đấu xếp hạng (rank) trong trò chơi trở thành hệ thống giải đấu eSports hàng quý với phần thưởng chính là đồng AXS. Đây không phải cách vận hành quá mới mẻ nhưng kết hợp với yếu tố là đồng AXS có thể quy đổi ra tiền thật, người chơi càng có thêm động lực cày cuốc đua top.
Cùng với các điều chỉnh cân bằng gameplay, đốt tiền để giảm lạm phát kèm hứa hẹn lộ trình thêm thắt tính năng mới, nhà phát triển Sky Mavis đã tạo ra một nền kinh tế sôi động trong Axie Infinity với 1,5 triệu người chơi tạo ra hàng nghìn giao dịch mỗi ngày.
Tiền ảo tăng giá trị
Với những gì đã làm, Axie Infinity may mắn được hưởng lợi khi thị trường tiền ảo có cú tăng vọt mạnh mẽ ở nửa sau của tháng 8. AXS lập đỉnh không chỉ giúp nhà phát triển kiếm lời nhiều hơn mà còn giúp người chơi nảy sinh tâm lý gắn bó dài lâu hơn nữa với kỳ vọng đồng AXS sẽ còn phá đỉnh cũ.
Trong khi đó, yếu tố quan trọng nhất là đồng Ethereum cũng tăng vọt khiến Sky Mavis kiếm bộn bởi Axie Infinity xây dựng trên mạng lưới này.
Kết hợp cùng yếu tố người chơi tăng cao dẫn đến lượng giao dịch tăng vọt, Axie Infinity đã đem về cho nhà phát triển nguồn doanh thu khổng lồ chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, bất chấp việc đồng SLP liên tục giảm giá vì lạm phát.
Tuy nhiên, những kết quả này có thể không phản ánh doanh thu thật của Sky Mavis vì tất cả những gì họ kiếm được là tiền ảo với doanh thu ước đạt ở thời điểm quy đổi ra đồng USD. Giả sử nếu vẫn giữ những đồng tiền ảo này không bán ra, doanh thu thực tế của Sky Mavis có thể còn dao động lớn hơn gấp nhiều lần do sự biến động của tiền ảo trong thời gian ngắn.