Ngày 13/9, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo: Ngô Quốc Đạt và Nguyễn Hải Hưng (cùng SN 1995, cùng ngụ Hà Nội), Trần Thị Ngần (SN 1995, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Thị Thanh Nhuận (SN 1985, ngụ quận Tân Bình) về tội 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tố chức'. Liên quan đến vụ án, cũng bị truy tố về tội danh này còn có Nguyễn Đào Hoàng Đạt (SN 1994, ngụ quận 8); Huỳnh Thị Thúy An (SN 1991, ngụ Củ Chi); Lê Nguyễn Hoàng Phúc (SN 1989, ngụ quận Bình Tân) và Lê Trần Đình Triều (SN 1997, ngụ Đăk Lăk). Tuy nhiên qua phần xét hỏi, phát sinh tình tiết mới nên HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Các bị cáo tại tòa
Theo cáo trạng, quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Dược, Sở Y tế TP.HCM phát hiện 39 Giấy khám sức khỏe của 6 cơ sở y tế có dấu hiệu bị làm giả, gồm: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (18 giấy); Bệnh viện quận Tân Bình (2 giấy); Trung tâm Y tế quận Tân Bình (1 giấy); Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (3 giấy); Bệnh viện Nhân dân Gia Định (13 giấy), Bệnh viện Quận 7 (1 giấy); Trung tâm Y tế Quận 3 (1 giấy) nên chuyển nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan điều tra.
Qua điều tra xác định có 5 đường dây làm giả 7 con dấu của 5 Bệnh viện: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (03 con dấu), Bệnh viện quận Gò Vấp; Bệnh viện đa khoa Sài Gòn; Bệnh viện quận Tân Bình và Bệnh viện nhân dân Gia Định đóng vào các giấy khám sức khỏe giả.
Theo đó, do cần tiền tiêu xài nên khoảng tháng 11/2021, Ngô Quốc Đạt lên mạng Internet đặt mua 2 con dấu tròn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện quận Gò Vấp và các con dấu tên của các bác sỹ, các khoa, phòng xét nghiệm và dấu xác nhận “ĐỦ SỨC KHỎE LÀM VIỆC - HỌC TẬP”.
Sau khi mua được các loại con dấu nêu trên, Đạt thuê người lập trang web www.hosogiaykham.Info và sử dụng số điện thoại đăng ký tài khoản Zalo với tên “Dr Hiếu” và Telegram với tên “Quân Trần Anh Quân...' để tìm kiếm và trao đổi với các khách hàng có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe mà không cần phải đi khám. Sau khi khách trao đổi thông tin cá nhân và hình ảnh qua tin nhắn Đạt sử dụng máy tính và máy in màu in hình ảnh khách hàng dán trên giấy khám sức khỏe, ký giả chữ ký của các bác sỹ, sử dụng con dấu giả của hai bệnh viện đóng giáp lai vào ảnh của người mua và phần cuối cùng của Giấy KSK rồi thông qua người giao hàng bán cho khách.
Quá trình làm giả, Đạt có cộng tác chung với Trần Thị Ngần và thông qua Ngần, Quốc Đạt liên hệ với Nguyễn Đào Hoàng Đạt, nhờ Hoàng Đạt đi giao giấy khám sức khỏe giả, thu hộ tiền của khách, sau 02 đến 03 ngày thì chuyển khoản cho Quốc Đạt vào tài khoản đứng tên Trần Trung Hiếu mở tại Ngân hàng BIDV. Tài khoản Đạt cũng mua trên mạng. Mỗi ngày, Quốc Đạt làm từ 20 đến 70 giấy khám sức khỏe giả và bán với giá từ 50 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/giấy.
Ngoài làm giả giấy khám sức khỏe, Quốc Đạt còn làm giả giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng Bảo hiểm xã hội. Tổng số tiền trong tài khoản Quốc Đạt có gần 6 tỷ đồng, là số tiền thu được từ việc bán các loại giấy giả.
Tương tự, Nguyễn Hải Hưng,Trần Thị Ngần, Nguyễn Thị Thanh Nhuận cũng dùng phương thức như Quốc Đạt làm giả giấy khám sức khoẻ để thu lợi.
Kết quả điều tra, Ngô Quốc Đạt, Nguyễn Hải Hưng, Trần Thị Ngần và Nguyễn Thị Thanh Nhuận thông qua mạng xã hội Internet, Zalo đã liên hệ mua con dấu tròn giả của các Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện quận Gò vấp, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và nhiều con dấu tên, dấu hình vuông, dấu hình chữ nhật khác. Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 7/2023, Quốc Đạt, Hưng, Ngần, Nhuận đã dùng các con dấu giả trên làm giả nhiều giấy khám sức khỏe của các bệnh viện trên để bán cho người khác thu lợi bất chính, trong đó Ngô Quốc Đạt thu lợi được gần 6 tỷ đồng; Nguyễn Hải Hưng thu lợi được 2,7 tỷ đồng; Trần Thị Ngần đã thu lợi được 1,1 tỷ đồng và Nguyễn Thị Thanh Nhuận đã thu lợi được 1,1 tỷ đồng.
Các bị cáo đồng phạm giúp sức, Nguyễn Đào Hoàng Đạt biết rõ các giấy do Quốc Đạt, Hưng và Ngần nhờ Hoàng Đạt đi giao/ thu tiền cho khách là giả. Tổng số tiền Hoàng Đạt đã chuyển cho các Quốc Đạt, Hưng, Ngần, Nhuận trên hơn 8,4 tỷ đồng và Hoàng Đạt thu lợi được 100 triệu đồng.
Huỳnh Thị Thúy An, Lê Nguyễn Hoàng Phúc và Lê Trần Đình Triều biết rõ khi khám sức khỏe phải trực tiếp đến các bệnh viện hoặc Trung tâm Y tế để khám nhưng An, Phúc và Triều đã liên hệ với những người làm giả bán lại kiếm lời. An, Phúc, Triều cung cấp hình ảnh và thông tin của người có nhu cầu cần mua giấy khám sức khỏe cho các bị cáo trên rồi bán lại kiếm lời. Trong đó, An thu lợi được 6,8 triệu đồng, Phúc thu lợi được 3 triệu đồng và Triều thu lợi được 2,8 triệu đồng.