Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 (PCTNTC) của Bộ Chính trị nêu rõ, trong 10 năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo mà trực tiếp, thường xuyên là Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo... công tác PCTNTC có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định 'công tác PCTNTC đã trở thành xu thế không thể đảo ngược'.
Công tác PCTNTC được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Một trong những điểm nổi bật trong PCTNTC thời gian qua là công tác điều tra, truy tố, xét xử được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực.
Theo đó, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
TAND tỉnh Phú Thọ xét xử sơ thẩm 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua hình thức game bài trực tuyến, có sự 'bảo kê' của hai cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là 'vùng cấm, nhạy cảm' đã được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai đối tượng vi phạm, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh, khắc phục, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.
Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc; trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; quản lý, sử dụng đất đai tại nhiều địa phương; chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; trong lực lượng vũ trang; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có sự đan xen giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.
Báo cáo của Bộ Chính trị khẳng định, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỉ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Các cơ quan chức năng đã chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản ở nước ngoài; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Cơ quan thi hành án dân sự các cấp thu hồi được gần 60.940 tỉ đồng/175.608 tỉ đồng phải thi hành về tiền tham nhũng, kinh tế, tiêu cực (đạt tỉ lệ 34,7%).
Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản trên 8.770 tỉ đồng trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'. Các cấp uỷ, tổ chức đảng đã quan tâm chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại bộ, ngành, địa phương.
Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần; riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Đồng Nai, An Giang, Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, Sơn La, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên...