Chào bác sĩ, em năm nay 14 tuổi, cao 1m53, nặng 42kg. Cho em hỏi em có thiếu cân không? Làm thế nào để tăng chiều cao tốt ạ?
lythanh...@gmail.com
Chào bác sĩ! Cháu là Huyền, học lớp 11 nhưng chỉ cao có 1m54. Vậy làm thế nào để cao nữa hả bác?
huyendoan...@gmail.com
Em sinh năm 1993, là nữ chỉ cao có 1m50. Em bị bạn bè nói lùn quá. Em cũng ngại khi đi chơi với tụi bạn. Có cách nào cao thêm 2-3cm nữa không bác.
phamngocbich...@gmail.com
Bác sĩ Tiin trả lời:
Nhiều câu hỏi băn khoăn về chiều cao quá, giờ bạn nào cũng thích mình có làn da thật trắng, chân thật dài. Không biết các bạn ý có nghĩ rằng 'cứ có da trắng, chân dài là có tất cả không?'. Đúng là khi có chiều cao lý tưởng, dáng đẹp khiến các bạn thấy tự tin nhưng nếu chỉ có như vậy thì chưa đủ đâu bạn. Để trở thành người vững vàng, tự tin các bạn cần học tập, trau dồi, rèn luyện nhiều thứ lắm.
Ảnh minh họa
Muốn biết mình có bị 'béo quá không', các bạn có thể sử dụng chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể).
Chỉ số BMI được tính như sau: BMI = trọng lượng cơ thể (kg) / chiều cao x chiều cao (m)
Nếu chỉ số BMI ít hơn 18.5: gầy
BMI từ 18,5-25: bình thường
BMI từ 25-30: thừa cân
BMI > 30: béo
Nếu bạn cao 1m53, nặng 42 kg là bình thường, không phải là béo đâu nhé.
Sự phát triển độ dài của xương chi dưới (quyết định chiều cao của mỗi người) thay đổi qua 3 giai đoạn: giai đoạn trong bào thai, giai đoạn 5-8 tuổi, giai đoạn dậy thì; thường trông thấy rõ nhất khi các bạn vào tuổi dậy thì, đến hết tuổi này chiều cao gần như không thay đổi nhiều được nữa (bạn nữ hết 18 tuổi, bạn nam hết 20 tuổi).
Yếu tố quyết định đến chiều cao là di truyền từ bố và mẹ (yếu tố do gen). Yếu tố này hầu như không can thiệp được gì.
Các yếu tố khác như dinh dưỡng, môi trường, lối sống cũng có tác động tới sự phát triển chiều cao.
Yếu tố dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Nếu có chế độ dinh dưỡng tốt, khoa học, hợp lý, phù hợp với nhu cầu (mỗi giai đoạn phát triển của cơ thể có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau) cơ thể sẽ phát triển khỏe mạnh, cân đối, ít bệnh tật, chiều cao cũng được cải thiện. Cần ăn đủ chất (tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có điều kiện có thể ăn thịt, cá, hải sản, tôm, cua, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả... quan trọng là ăn hợp lý (vừa đủ, không quá nhiều có thể gây rối loạn chuyển hóa hoặc béo phì).
Tăng cường luyện tập thể thao để có sức khỏe tốt. Những môn thể thao rèn luyện thể lực tốt như xà (đơn hoặc kép), bơi, bóng rổ, bóng chuyền… cũng có lợi cho phát triển chiều cao.
Tinh thần thoải mái, quan hệ xã hội tốt, ít bị căng thẳng (stress) cũng tác động nhiều đến sức khỏe. Có chế độ làm việc hợp lý; ngủ đủ giờ (6-8 giờ/ngày); rèn luyện kỹ năng sống, ứng xử tốt, lối sống lành mạnh… là những việc các bạn cần làm thường xuyên, lâu dài.
Quan trọng là các bạn có sức khỏe tốt, cuộc sống thoải mái. Đừng quá kỳ vọng các bài tập này, chế độ ăn uống kia để có chiều cao như mong muốn rồi thất vọng. Học cách hạn chế khuyết điểm bằng giầy dép, trang phục. Sau này khi trưởng thành, nếu các bạn có kỹ năng tốt, nghề nghiệp vững vàng, ổn định, cho dù các bạn 'không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn'. Đấy mới là 'đích' của các bạn nhé.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sỹ Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!)