Với hàng triệu du khách đổ tới mỗi năm cùng nhiều phương tiện phục vụ du khách như các xe buýt, xe tải chở hàng và hàng loạt cửa hàng bán đồ ăn và lưu niệm, núi Phú Sĩ của Nhật Bản không còn là địa điểm hành hương yên bình như xưa nữa.
Hiện nay, các nhà chức trách Nhật Bản đã nhận thức được hệ lụy của tình trạng này và cảnh báo số lượng lớn người leo lên ngọn núi lửa nổi tiếng thế giới, cả ngày lẫn đêm, là một mối nguy hiểm và gây nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái. Thống đốc địa phương cho biết vào tuần trước: 'Núi Phú Sĩ đang kêu cứu'.
Rất đông du khách đổ tới Núi Phú Sĩ mỗi năm. Ảnh: AFP.
Để tôn vinh tầm quan trọng của ngọn núi này đối với tôn giáo Nhật Bản và nguồn cảm hứng đối với các nghệ sĩ, năm 2013 UNESCO đã đưa núi Phú Sĩ – một biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản vào Danh sách Di sản Thế giới.
Tuy nhiên, cũng giống như điều xảy ra với núi Bruges ở Bỉ hay núi Sugarloaf ở Rio de Janeiro, việc núi Phú Sĩ trở thành Di sản được UNESCO công nhận vừa là tin tức tuyệt vời nhưng cũng có mặt trái.
Từ năm 2012 đến năm 2019, số lượng du khách đến núi Phú Sĩ đã tăng hơn gấp đôi lên 5,1 triệu người. Và đây chỉ tính riêng số du khách leo núi thông qua điểm xuất phát chính ở tỉnh Yamanashi.
Dòng lớn du khách cả ngày và đêm
Không chỉ vào ban ngày mà kể cả vào ban đêm, cũng có rất đông du khách di chuyển lên ngọn núi cao 3.776m. Vào ban đêm, hàng dài người cầm theo đuốc lên núi để kịp ngắm bình minh.
Điểm xuất phát chính để leo là một bãi đậu xe và du khách chỉ có thể đến được đây bằng taxi hoặc xe buýt. Nơi này cách Tokyo khoảng 100km và việc di chuyển mất vài giờ.
Chào đón du khách tại đây là hàng loạt nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ ăn nhẹ và đồ uống cho người leo núi trước khi lên đường. Những cửa tiệm nhỏ chạy bằng máy phát điện diesel và họ sử dụng hàng ngàn lít nước được chở tới bằng xe tải. Xe tải cũng là phương tiện thu thập rác và đổ ra ngoài.
Yuzuki Uemura, 28 tuổi, một du khách leo núi người Nhật, phàn nàn: 'Tôi thấy rất nhiều thức ăn thừa và chai nước uống rỗng nằm quanh khu vực rửa tay trong nhà vệ sinh'.
Nhiều nguy cơ về an toàn
Masatake Izumi, một quan chức địa phương, cho biết số lượng người đông đúc làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông nói với AFP rằng một số người leo núi vào ban đêm 'bị hạ thân nhiệt và phải đưa trở lại trạm sơ cứu'.
Ít nhất một người đã tử vong trong mùa leo núi năm nay. Trước khi leo, du khách có thể chọn mua một tập sách nhỏ bằng tiếng Nhật - có mã QR cho phiên bản tiếng Anh - ghi một số điều nên làm và không nên làm với mức giá 1.000 yên (6,80 USD).
Một số du khách chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến leo núi. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, một số người không nhận ra chặng đường leo lên đỉnh núi kéo dài 5 đến 6 giờ khó khăn như thế nào, nơi lượng oxy thấp hơn và thời tiết có thể thay đổi nhanh chóng.
Rasyidah Hanan, một người leo núi 30 tuổi đến từ Malaysia, chia sẻ với AFP trên đường đi xuống: 'Trên đó gần như là mùa đông, thời tiết rất lạnh. Mọi người nên chuẩn bị một chút vì một số người chưa sẵn sàng leo núi Phú Sĩ. Họ mặc quần áo rất mỏng... Một số người trông rất ốm yếu.'
Cần kiểm soát số lượng du khách
Khi số lượng khách du lịch quay trở lại mức trước đại dịch, không chỉ Núi Phú Sĩ mà nhiều địa điểm khác có thể ghi nhận một lượng lớn du khách và đây chính là điều các quan chức Nhật Bản lo ngại.
Tuần này, các bộ trưởng chính phủ Nhật Bản đã họp để thảo luận về các biện pháp đối phó với dòng lớn du khách sắp tới tại các địa điểm nổi tiếng.
Đối với núi Phú Sĩ, chính quyền địa phương đã công bố vào tháng trước rằng họ sẽ lần đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông nếu đường leo núi quá tải.
Số lượng du khách tới Nhật Bản dự kiến sẽ giảm nhẹ trong năm nay so với năm 2019, nhưng vào năm 2024, con số này có thể tăng trở lại khi khách du lịch - đặc biệt là từ Trung Quốc - quay trở lại.
Thống đốc Yamanashi, Kotaro Nagasaki, tuần trước cho biết Nhật Bản cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo núi Phú Sĩ không bị mất danh hiệu UNESCO.
Ông Nagasaki cho biết: 'Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng đối với du lịch núi Phú Sĩ, việc chuyển đổi từ cách tiếp cận số lượng sang chất lượng là điều cần thiết'.
Marina Someya, 28 tuổi, một du khách người Nhật, cho biết: 'Tôi nghĩ núi Phú Sĩ là một trong những địa điểm khiến Nhật Bản tự hào. Có rất nhiều người tới, trong đó có rất nhiều người nước ngoài'.