Mặt nạ tóc cung cấp những thành phần nuôi dưỡng và phục hồi sâu có tác dụng cải thiện chất lượng mái tóc. Song không phải ai cũng nhận được hiệu quả tối đa khi bổ sung sản phẩm này vào thói quen của mình, phần lớn nguyên nhân nằm ở cách sử dụng.
1. Mặt nạ tóc là gì?
Mặt nạ tóc là sản phẩm có kết cấu dạng kem đặc chứa các thành phần cấp ẩm, phục hồi, nuôi dưỡng như keratin, dầu thực vật tự nhiên, panthenol… Chúng hoạt động bằng cách thâm nhập sâu vào tóc thông qua lớp biểu bì để phục hồi các mô bị hư hỏng. Ngoài tác dụng cải thiện độ mềm mượt, độ bóng, giữ màu mặt nạ tóc còn có tác dụng lâu dài trong việc cải thiện chất lượng tóc.
2. Ai nên sử dụng mặt nạ tóc?
Mặt nạ tóc là sản phẩm nuôi dưỡng, phục hồi sâu có lợi cho mọi loại tóc và bất cứ ai cũng có thể sử dụng.
Với mái tóc khô: mặt nạ tóc có thể cải thiện vấn đề dưỡng ẩm để ngăn ngừa tình trạng khô xơ, xoăn cứng, tĩnh điện, dễ gãy rụng…
Với mái tóc hư tổn: mặt nạ tóc sẽ tăng cường nuôi dưỡng, phục hồi, đặc biệt là cải thiện phần tóc ở đuôi bị chẻ ngọn…
Với mái tóc nhuộm: mặt nạ tóc phù hợp có thể giúp phục hồi hư tổn đồng thời duy trì màu nhuộm.
Tuy nhiên, vì loại tóc và nhu cầu của chúng ta khác nhau nên loại sản phẩm và tần suất sử dụng phù hợp của mỗi người sẽ có sự khác biệt.
Xem thêm: Những hiểu lầm thường gặp khi chăm sóc tóc mà cô nàng thông thái nhất định phải tỏ tường
3. Cách sử dụng mặt nạ tóc hiệu quả tại nhà
3.1 Trình tự sử dụng mặt nạ tóc
Trước khi đắp mặt nạ tóc, chúng ta cần gội đầu với dầu gội để loại bỏ hết bụi bẩn, dầu thừa… tích tụ. Bước làm sạch này sẽ giúp dưỡng chất thấm vào sợi tóc một cách hiệu quả nhất. Dầu xả thường được sử dụng sau dầu gội nhưng nếu cảm thấy không cần thiết, bạn có thể bỏ qua sản phẩm này và tiến thẳng tới bước đắp mặt nạ tóc.
Lưu ý: Bạn không nhất thiết phải sử dụng cả dầu xả lẫn mặt nạ tóc trong cùng 1 lần, có thể chọn cách sử dụng luân phiên với tuần suất phù hợp.
3.2 Cách sử dụng mặt nạ tóc
Phương pháp sử dụng mặt nạ ủ tóc sẽ phụ thuộc vào loại sản phẩm nên chúng ta phải tìm hiểu hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Nếu cần một hướng dẫn cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo các bước đắp mặt nạ tóc (có thể áp dụng cho cả mặt nạ DIY lẫn mặt nạ được bán sẵn) dưới đây.
Bước 1: Vắt khô tóc trước khi đắp mặt nạ
Sau khi gội đầu, bạn nên dùng tay xoắn nhẹ tóc để loại bỏ hết nước rồi dùng khăn bông mềm thấm bớt độ ẩm. Bước này sẽ giúp sản phẩm được sử dụng sau đó không bị nước pha loãng gây lãng phí cũng như khiến hiệu quả nuôi dưỡng bị suy giảm hoặc không đều. Khi tóc không còn nhỏ nước và đạt được trạng thái nửa khô nửa ẩm thì chúng ta có thể bắt đầu đắp mặt nạ.
Bước 2: Thoa mặt nạ từ đuôi tóc lên trên
Bạn nên lấy một lượng mặt nạ thích hợp (tùy vào độ dài và độ dày của mái tóc) và xoa đều trong lòng bàn tay trước khi thoa lên tóc để đảm bảo sản phẩm không bị tập trung lại một vùng cụ thể. Bắt đầu thoa từ đuôi tóc rồi tiến dần lên phần giữa (vùng tóc dưới dái tai), massage và bóp nhẹ giúp dưỡng chất thấm sâu hơn đồng thời dùng ngón tay chải cho đến khi lọn tóc suôn mượt, hết rối.
Lưu ý, chúng ta không nên thoa mặt nạ lên chân tóc vì về lâu dài một số thành phần có thể gây bít nang tóc và làm tăng nguy cơ bị rụng tóc. Muốn dưỡng vùng tóc gần da đầu mà không bị bết hay xẹp, bạn chỉ cần dùng tay massage từ đuôi tóc lên gần đỉnh đầu (cách da đầu khoảng 3 – 5cm), một lượng tinh chất nhỏ sẽ theo đó thẩm thấu vào phần trên của sợi tóc.
Lưu ý: Nếu bạn đang bị mụn trên mặt, vai hoặc lưng hoặc dễ nổi mụn thì hãy cúi thấp người trong quá trình thoa mặt nạ tóc để tránh sản phẩm dính vào những khu vực này.
Bước 3: Ủ tóc
Sau khi hoàn thành việc thoa mặt nạ, bạn cuộn tóc lại, quấn gọn bằng khăn bông (có thể dùng khăn ấm) hoặc mũ tắm để dưỡng chất thấm dần vào tóc. Thời gian ủ tùy thuộc vào loại sản phẩm (đọc hướng dẫn sử dụng) và trung bình là khoảng 5 – 15 phút.
Bước 4: Xả sạch mặt nạ tóc
Khi hết thời gian ủ mặt nạ, bạn dùng nước sạch để xả lại tóc. Trong quá trình này, chúng ta có thể kết hợp massage nhẹ nhàng da đầu cũng như tóc để thúc đẩy cả quá trình thẩm thấu của dưỡng chất lẫn quá trình làm sạch sản phẩm.
Bước 5: Sấy khô tóc
Tóc cần được vắt, thấm hết nước và sấy khô sau khi đắp mặt nạ. Lưu ý, để tóc khô tự nhiên không chỉ tốn thời gian, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành gàu hay dẫn đến tình trạng tóc khó vào nếp, dễ bị xẹp. Chỉ cần bạn chú ý sấy tóc đúng cách thì sẽ không lo bị hư tổn.
Xem thêm: Tuyệt chiêu sấy tóc ‘chuẩn salon’ đảm bảo vào nếp nhanh gọn, dày mượt tự nhiên lại không bị khô rối, hư tổn
4. Tần suất đắp mặt nạ tóc
Mặt nạ tóc là sản phẩm nuôi dưỡng và sửa chữa đặc biệt nên bạn không cần phải sử dụng hàng ngày hoặc sử dụng liên tục sau khi gội đầu. So với dầu xả (sản phẩm có thể dùng liên tục sau dầu gội), nồng độ dưỡng chất trong mặt nạ dưỡng tóc cao hơn gấp nhiều lần. Do đó, chúng hoàn toàn có thể cho hiệu quả chỉ sau một lần sử dụng, việc dùng với tần suất quá nhiều có thể tăng gánh nặng cho tóc và gây lãng phí.
Tần suất đắp mặt nạ tóc lý tưởng là khoảng 1 – 2 lần/ tuần (tùy thuộc vào loại tóc).
Với trường hợp muốn phục hồi, chăm sóc tóc chuyên sâu trong thời gian ngắn thì tần suất đắp mặt nạ tóc có thể tăng lên 2 – 3 lần/ tuần sau đó trở về mức duy trì với tần suất 1 – 2 lần/ tuần.
5. Cách chọn mặt nạ tóc
Với mặt nạ ủ tóc tự làm ở nhà, chúng ta có thể điều chỉnh nguyên liệu theo nhu cầu cũng như sở thích. Tuy nhiên, với các sản phẩm bán sẵn trên thị trường, bạn nên chú ý đến những gạch đầu dòng sau để tìm được cho mình loại mặt nạ phù hợp.
Thành phần: loại tóc của mỗi người mỗi khác, do đó, trước khi mua mặt nạ tóc, bạn nên tìm hiểu trước những thành phần có thể giúp mình giải quyết vấn đề, ví như tóc khô nên chọn sản phẩm chứa nhiều chất dưỡng ẩm (glycerin, dầu thực vật…), tóc hư tổn nên chọn sản phẩm chứa thành phần sửa chữa, phục hồi (hyaluronic acid, collagen…).
Nhãn hiệu: sử dụng dầu xả, dầu gội và mặt nạ tóc của cùng một dòng sản phẩm đến từ một nhãn hiệu có thể giúp chúng ta nhận được hiệu quả tốt hơn.
Hương thơm: đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình trải nghiệm nên bạn nhớ lưu ý.
Chất lượng mái tóc sẽ thay đổi do ảnh hưởng của tác nhân gây hại từ bên ngoài, tuổi tác hay thói quen tạo kiểu. Vì vậy, muốn sở hữu mái tóc bóng đẹp, khỏe mạnh chúng ta nên thường xuyên áp dụng các liệu pháp chăm sóc đặc biệt như đắp mặt nạ tóc. Đương nhiên, muốn nhận được kết quả tốt, ngoài việc chọn lựa sản phẩm, bạn còn phải sử dụng chúng đúng cách nên đừng quên tham khảo những hướng dẫn ở trên.
Nguồn ảnh: Internet
>>Xem thêm: Việc cần làm nhất trước khi tẩy tóc là thuộc lòng bí quyết giảm thiểu hư tổn