Bằng chứng chưa thuyết phục
Thuốc tiêm được thực hiện qua ống nội soi - một ống hẹp được đưa xuống cổ họng vào dạ dày. Lý thuyết cho rằng, phương pháp điều trị sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, khiến bệnh nhân cảm thấy no lâu hơn. Hy vọng rằng đây có thể là một giải pháp thay thế cho các thủ thuật như phẫu thuật cắt bỏ, và do đó giảm nguy cơ biến chứng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại WCM-Q và Hamad Medical Corporation (HMC) đã phát hiện ra rằng, việc tiêm botox vào dạ dày để điều trị béo phì không dẫn đến giảm cân lâu dài.
Một mũi tiêm botox vào dạ dày đang được thử nghiệm như một phương pháp điều trị giảm cân-ảnh HM.
Botox được sử dụng phổ biến hơn như một phương pháp điều trị thẩm mỹ để giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn trên da, hoạt động bằng cách gây tê liệt một phần cơ làm cho lớp da bên ngoài trông mịn màng hơn. Lý thuyết đằng sau việc tiêm botox vào dạ dày là bằng cách làm tê liệt các cơ liên quan đến việc di chuyển thức ăn, dạ dày sẽ cảm thấy no hơn, giúp bệnh nhân cảm thấy ít đói hơn, ăn ít hơn và giảm cân. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện tất cả các bài báo đã xuất bản về chủ đề này, các nhà nghiên cứu của WCM-Q và HMC không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc tiêm botox vào dạ dày ở bệnh nhân béo phì giúp giảm cân hiệu quả trong thời gian dài. Hơn nữa, tiêm botox vào dạ dày cũng có thể gây ra các tác dụng phụ có hại, chẳng hạn như đau và sưng ở vùng tiêm, buồn nôn và khó tiêu.
Các nhà nghiên cứu của WCM-Q và HMC nhận thấy rằng, chất lượng của các nghiên cứu kiểm tra vai trò của botox dạ dày trong việc giảm cân là rất kém. Một số nghiên cứu được các nhà khoa học xem xét báo cáo rằng, những bệnh nhân béo phì được tiêm botox vào dạ dày đã giảm cân sau một tháng và những bệnh nhân cho biết họ cảm thấy no sớm hơn sau khi ăn ít thức ăn hơn trước đó. Nhưng trong hầu hết các nghiên cứu, sau 3 đến 6 tháng, bệnh nhân hoặc đã lấy lại được số cân đã giảm, cân nặng hơn so với trước khi làm thủ thuật hoặc giảm tổng trọng lượng cơ thể ở mức tối thiểu. Các nghiên cứu khác được nhóm nghiên cứu kiểm tra cho thấy rất ít sự khác biệt về cảm giác thèm ăn, giảm cân và cảm giác no giữa những người tiêm botox với những người tiêm nước muối. Thử nghiệm duy nhất chứng minh tổng trọng lượng cơ thể giảm đáng kể đã yêu cầu tất cả những người tham gia vào chế độ ăn kiêng chất lỏng rất ít calo trong 8 tuần. Hơn nữa, tác dụng của việc tiêm botox sẽ mất dần sau 3 đến 6 tháng.
Hadya Elshakh, sinh viên y khoa tại WCM-Q năm cuối và là Trợ lý nghiên cứu tình nguyện trong Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng của trường đại học, là trưởng nhóm nghiên cứu về bài đánh giá này. Cô ấy nói: “Chúng tôi đã kiểm tra một số lượng lớn các nghiên cứu, cả thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu dựa trên trường hợp cụ thể, và không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào về việc sử dụng phương pháp tiêm botox vào dạ dày để điều trị béo phì. Nó dường như không dẫn đến giảm cân lâu dài”.
Tác dụng phụ lâu dài
Botox - hay độc tố botulinum loại A (BTX-A) để có tên đầy đủ - là một chất độc thần kinh được sản xuất bởi loài vi khuẩn Clostridium botulinum gây tê liệt một phần cơ thể bằng cách ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền thần kinh có tên là acetylcholine. Chất độc này đã được sử dụng với một số thành công trong việc điều trị các tình trạng y tế khác nhau, chẳng hạn như co thắt cơ do đột quỵ hoặc chấn thương tủy sống, và nhiều bệnh khác. Để điều trị bệnh béo phì, các bác sĩ sử dụng một ống nội soi để đưa BTX-A vào cơ dạ dày.
Thật không may, trong khi việc điều trị dường như đã thành công trong các nghiên cứu ban đầu trên động vật, dữ liệu có sẵn từ con người không cho thấy rằng quá trình dẫn đến giảm cân bền vững, bài đánh giá kết luận. Bài báo có tựa đề Vai trò của Botulinum Toxin-A nội soi trong dạ dày để điều trị bệnh béo phì, hiện đã được xuất bản trên tạp chí Phẫu thuật béo phì, một trong những tạp chí về bệnh béo phì hàng đầu thế giới. Tiến sĩ Khalid Al-Ejji thuộc Khoa Tiêu hóa tại HMC, cũng đóng góp vào nghiên cứu. Tiến sĩ Al-Ejji, người cũng làm việc tại Trung tâm Điều trị béo phì Quốc gia của HMC, thuộc Viện Chuyển hóa Qatar, cho biết: “Béo phì là một vấn đề lớn trong khu vực của chúng tôi và trên toàn thế giới. Do đó, điều cần thiết là phải cung cấp các phương pháp điều trị béo phì dựa trên bằng chứng. Chúng tôi hy vọng rằng công việc của chúng tôi sẽ giúp cải thiện các phương pháp thực hành hiện tại và chăm sóc bệnh nhân”.
Tiến sĩ Shahrad Taheri, Giáo sư Y khoa kiêm phó trưởng khoa điều tra lâm sàng tại WCM-Q, đồng thời là bác sĩ tư vấn chính về bệnh béo phì tại Trung tâm Điều trị béo phì Quốc gia tại HMC, cũng đóng góp vào nghiên cứu. Ông nói: “Hầu hết các thử nghiệm lâm sàng mà chúng tôi đã xem xét đều cho thấy rằng trong khi một số bệnh nhân béo phì được điều trị BTX-A qua nội soi trong dạ dày báo cáo cảm giác no sớm và làm rỗng dạ dày chậm lại, điều đó không dẫn đến giảm tổng trọng lượng cơ thể đáng kể hoặc về lâu dài. Do tiêm botox vào cơ dạ dày cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, và do hiệu quả của nó chưa được chứng minh, nên nó không được khuyến cáo như một phương pháp điều trị béo phì”.
Quá trình tiêm botox giảm cân-Ảnh Cohclinic.
Những trường hợp ngộ độc
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, chỉ trong nửa tháng, đã có 67 người từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Áo và Thụy Sĩ bị ngộ độc. Theo đó 60/67 trường hợp trên liên quan đến một bệnh viện tư nhân ở Istanbul và Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ quan Liên minh châu Âu đưa tin, các bệnh nhân cho biết họ được tiêm chất độc thần kinh botulinum vào dạ dày tại hai bệnh viện tư nhân này.
Báo cáo điều tra cho biết, bác sĩ đã tiêm chất botox vào dạ dày của các nạn nhân. Đây là phương pháp thay thế chi phí thấp, ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật dạ dày.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Science Direct năm 2021 liên quan đến những bệnh nhân chờ phẫu thuật giảm cân xâm lấn cho thấy quy trình này là 'một cách hiệu quả và an toàn' để đạt được mức giảm cân vừa phải. Tuy nhiên, Ahmed, Tiến sĩ chuyên khoa béo phì tại Đại học Hoàng gia Anh, cho biết tiêm botox dạ dày không hiệu quả. Ông nhận định các bác sĩ lâm sàng không được khuyến khích làm điều này. Tuy nhiên, ECDC cảnh báo mọi người về quy trình này ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ khiến bệnh nhân bị ngộ độc hoặc tê liệt cơ do tiếp xúc quá mức với chất độc. Các cơ quan chưa rõ liệu botulinum có liên quan đến phương pháp điều trị của bệnh viện hoặc sản phẩm mà bệnh viện sử dụng hay không. Theo ECDC, một cuộc điều tra tiết lộ rằng botox được sử dụng trong các thủ thuật được cấp phép nhưng chất này không được phê duyệt để tiêm vào dạ dày.
Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo cho đến nay, nhưng một số bệnh nhân nặng đã được đưa vào chăm sóc đặc biệt. Trong trường hợp nhiễm độc nhẹ, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như nhìn mờ, nhìn một thành hai, nói lắp, buồn nôn, tiêu chảy... Các quan chức khuyến cáo thêm: 'Nhiễm độc tính trong quá trình điều trị thẩm mỹ có thể làm mờ mắt, sụp mí mắt, khó nuốt và khô miệng'. Các nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố các sản phẩm được sử dụng trong điều trị đã được cấp phép nhưng không được chấp thuận để sử dụng trong thủ thuật dạ dày. Sự việc xảy ra trong bối cảnh ngành du lịch y tế bùng nổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân tìm đến quốc gia này do giá cả phải chăng nhưng cơ sở y tế công tại nước họ bị quá tải, khiến họ phải chờ đợi.
Quy trình tiêm botox dạ dày mất bao lâu?
Thủ tục tiêm botox dạ dày thường mất từ 15-45 phút. Quá trình thường yêu cầu một đến hai phiên để đạt được kết quả tối ưu và kết quả có xu hướng kéo dài đến 12 tháng. Không phải tất cả các rối loạn liên quan đến béo phì đều có thể được điều trị bằng tiêm botox dạ dày. Phương pháp này thích hợp cho những người thừa cân hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự thèm ăn của mình. Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú, hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn hại không nên thực hiện thủ thuật này. Những người bị dị ứng với botox hoặc đang dùng một số loại thuốc nhất định cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cân nhắc thực hiện. Ngoài ra, bất kỳ ai có tình trạng ở bụng hoặc lưng, hoặc vết thương chưa lành, không nên thực hiện thủ thuật này.
Những tác dụng phụ có thể gặp khi thực hiện botox dạ dày
Giống như phần lớn các thủ thuật y tế, tiêm Clostridium botulinum (botox) cũng có thể mang đến những rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm: Rối loạn nhịp tim và hơi thở. Chảy máu do tiêm, tổn thương niêm mạc của đường tiêu hóa trên, đau ở cổ họng và bụng. Cũng như với tất cả các quy trình thẩm mỹ, khi quan tâm đến botox dạ dày, điều rất quan trọng là bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ để biết nó có phù hợp với mình hay không và tránh tác dụng phụ tiềm ẩn nào sau đó.
Ngăn ngừa ung thư?
Tiêm botox để ngăn chặn sự phát triển ung thư dạ dày có thể là liệu pháp hứa hẹn, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ và Na Uy tại ĐH Colombia, ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy vừa được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học lợi dụng khả năng giết chết dây thần kinh của độc tố đó nhằm ngăn chặn sự tăng trưởng của khối u ung thư khiến khối u dễ bị tổn thương trước hóa trị liệu. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát vai trò của thần kinh phế vị chạy từ não đến hệ tiêu hóa ở bệnh ung thư dạ dày. Họ sử dụng botox để làm gián đoạn hoạt động của các dây thần kinh này. Thí nghiệm trên chuột cho thấy có thể kéo dài sự sống ở chuột bị ung thư dạ dày thêm 35% so với chuột không được áp dụng phương pháp mới và vài thử nghiệm bước đầu đã được thực hiện ở bệnh nhân được mổ lấy khối u ung thư dạ dày. Cũng có một số nghiên cứu nêu khả năng áp dụng phương pháp này đối với ung thư tuyến tiền liệt.