Có lẽ khi nhìn vào hình thumb của bài viết này, nhiều người ngay lập tức đã đoán ra được tên của hai tựa game MOBA này. Đúng, đó chính là Vainglory và AOG – Đấu Trường Vinh Quang, hai sản phẩm game MOBA di động thậm chí được đánh giá cao hơn cả Liên Quân về mặt gameplay. Nhưng rồi số phận của chúng thì lại đi cùng một hướng, đó là 'xuống mồ'.
Vainglory là tựa game gần như là tiên phong cho trào lưu đưa game MOBA lên di động với gameplay 'tap tap' kinh điển chứ không theo phong cách phím điều hướng như các sản phẩm game hiện tại. Còn AOG – Đấu Trường Vinh Quang thì sao, tựa game được xem như là một phiên bản 'copy' của Liên Minh Huyền Thoại trên di động, thậm chí từng được coi là Liên Minh Mobile. Tại sao? Vì AOG có tất cả các yếu tố về gameplay giống như LMHT, từ last hit chuẩn xác 100%, tướng 18 level, cắm mắt tím, bản đồ siêu rộng…
Chỉ có điều, AOG khác LMHT ở chỗ là không có bản quyền tướng và chiêu thức từ LMHT, đương nhiên vì đó là điều không thể. Nhưng chẳng sao bởi hệ thống tướng trong AOG vẫn gần như là phiên bản copy, chỉ có điều là thay đổi về mặt ngoại hình mà thôi, còn bộ chiêu thức thì quá dễ dàng để làm quen, đặc biệt là với người chơi LMHT.
Điểm chung của hai tựa game này là chúng quá hardcore với game thủ Việt và không phù hợp với đại đa số người chơi trong nước, những người vốn đã quen với lối chơi đơn giản của Liên Quân Mobile. Thứ hai, hai sản phẩm này đều được phát hành bởi một NPH không có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để vận hành game Esports, vốn là một cuộc chiến của những kẻ 'mạnh vì gạo và bạo vì tiền'.
Điểm chung cuối cùng, AOG và Vainglory đều đã 'xuống mồ' dù chất lượng gameplay có thể đánh giá là 'vượt trước thời đại'. Nhưng những kẻ sinh nhầm thời thì dù có tài năng vượt bậc cũng khó có thể tạo nên điều gì đó kỳ vĩ. Vainglory và AOG đều là hai tựa game MOBA hấp dẫn, thậm chí AOG còn có nhiều tính năng hardcore hơn cả Liên Minh: Tốc Chiến – kẻ thừa kế chính chủ của LMHT trên di động. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng bằng việc không thể tạo ra doanh thu cho một NPH vốn đã quen làm MMORPG và đấy mới là điều quan trọng.
Khi một tựa game không thể kiếm ra tiền cho NPH thì sớm muộn cũng sẽ bị khai tử. Bởi ở Việt Nam hiện nay, chỉ có hai đơn vị chấp nhận chịu chi cho Esports là VNG và Garena, ngoài ra, không có kẻ thứ ba. Kết cục của Vainglory và AOG thì game thủ Việt đều đã biết, một cái tên thì đóng cửa khi chưa kịp tổ chức sinh nhật tròn một tuổi, một sản phẩm khác thì hấp hối rồi cũng đã 'trút hơi thở cuối cùng' khi mà còn chả thông báo cho người chơi. Tiếc lắm thay…