Ngày 30/11 vừa qua, tờ Nhật báo nhân dân của Hàn đã đăng bài về một sự thật chấn động: Chính hợp đồng tiêu chuẩn do Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc (KeSPA) cung cấp làm mẫu tham khảo cho các đội là một Hợp đồng 'nô lệ'.
Một số điều khoản bất công được xác nhận có trong bản hợp đồng tiêu chuẩn của KeSPA như sau:
Điều số 15 trong hợp đồng: Kí hợp đồng với 1 đội đồng nghĩa với việc tuyển thủ chấp nhận chuyển quyền và nghĩa vụ của mình cho đội tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc, đội tuyển có thể chuyển nhượng tuyển thủ đó cho đội khác mà không cần sự đồng ý của bản thân tuyển thủ.
Điều số 16 trong hợp đồng: Khi được chuyển nhượng sang đội mới, tuyển thủ không có quyền yêu cầu đội tuyển mới thay đổi điều khoản trong hợp đồng cũ.
Điều số 14 trong hợp đồng: Tất cả lợi nhuận từ các sự kiện và các hoạt động ngoài lề khác mà tuyển thủ tham gia sẽ được thuộc về công ty. Công ty sẽ tự quy định tiêu chí, định mức chia sẻ, thanh toán số tiền này cho tuyển thủ.
Điều số 6 trong hợp đồng: Toàn bộ tiền thưởng từ giải đấu sẽ thuộc về đội tuyển. Tiêu chuẩn chia số tiền đó cho các tuyển thủ do đội tuyển quyết định.
Điều số 21 trong hợp đồng: Đội tuyển có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu tuyển thủ mất khả năng thi đấu do chấn thương xảy ra bên ngoài các hoạt động do đội tuyển xác định. Khi đó, đội tuyển có thể yêu cầu tuyển thủ bồi thường thiệt hại, đồng thời đội tuyển không có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lương năm đó của tuyển thủ trong thời gian hợp đồng đã kí trước đó.
Cũng trong bài báo trên, nguồn tin là một người làm việc trong ngành cho hay: 'Có ít nhất 3 đội tuyển LCK đã xây dựng hợp đồng của họ dựa trên hợp đồng tiêu chuẩn này của KeSPA.' Từ phát ngôn này, cộng đồng đang ráo riết truy tìm tung tích 3 đội tuyển áp dụng hợp đồng 'nô lệ' với các tuyển thủ của mình là ai và lôi họ ra ánh sáng!
Ngay sau khi bài báo được đăng tải, Giám đốc Lee JiHoon của Gen.G đã đăng trên trang Twitter của mình, khẳng định sự minh bạch và công bằng trong hợp đồng với các tuyển thủ của Gen.G.
Sau Gen.G, Team Dynamics (1 đội tuyển LMHT của CK - giải hạng 2 của Hàn) và DAMWON Gaming cũng đăng tin khẳng định không hề có hợp đồng bất công đối với các tuyển thủ của họ trên trang tin chính thức của đội.
Cộng đồng phần đông phản hồi tích cực với việc lên tiếng sớm của các đội: 'Minh bạch thì nói thẳng ra như vậy luôn chứ có gì mà phải im lặng', 'Trừ đội của các công ty lớn (HLE, kt, SKT), trừ các đội đã lên tiếng (Gen.G, Team Dynamics, DWG) ra thì còn những đối tượng tình nghi nào đây, Griffin là chắc suất rồi, Kingzone mấy năm trước cũng nhập nhằng chuyện hợp đồng với trả lương nè?'
DragonX (tên cũ là Kingzone DragonX) được đưa vào tầm ngắm của cư dân mạng
Bên cạnh đó, vẫn còn là những nghi vấn: 'Ủa vậy cứ tuyên bố không có hợp đồng bất công thì mặc định là không có hợp đồng bất công hả? Phải điều tra tất cả không chừa đội nào, công bố hợp đồng minh bạch ra thì mới tin được. Tưởng cứ bảo không có mà tin là không có ấy?'
Bắt nguồn từ những bất mãn với đội tuyển cũ của cvMax, tới việc phanh phui những mập mờ trong việc chuyển nhượng tuyển thủ Kanavi, rồi công khai và phát hiện những điều khoản bất công trong hợp đồng của Kanavi và của các tuyển thủ khác trực thuộc Griffin, hiện giờ scandal được xem là lớn nhất trong lịch sử LMHT Hàn nói riêng và LMHT thế giới nói chung đã được mở rộng tới việc phát hiện Hợp đồng 'nô lệ' của chính đơn vị đáng lẽ sẽ phải đứng ra bảo vệ quyền lợi cho tuyển thủ là Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc - KeSPA.
Câu chuyện này chắc chắn vẫn chưa tới hồi kết, liệu 3 hay nhiều hơn nữa những cái tên đội tuyển/tổ chức nào sẽ tiếp tục bị lôi ra trước ánh sáng?