Một khảo sát mới đây về thể thao điện tử tại Việt Nam cho thấy, người chơi game có nhu cầu cao trong việc tương tác với người khác. Ngoài ra, người chơi game, xem thi đấu game là nữ giới cũng tăng lên.
Báo cáo do Vero kết hợp với công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab thực hiện bằng cách gửi câu hỏi trực tuyến đến những người có thực hiện một trong 3 hoạt động: Chơi, xem, và/hoặc stream game.
Một người chơi đang thử bộ dàn có tai nghe gaming của Logitech. (Ảnh: Hải Đăng)
Kết quả khảo sát phủ định định kiến cho rằng chơi game là 'thu mình' và 'bài xích xã hội'. Thực chất, các trò chơi thể thao điện tử hoạt động như một nền tảng tương tác. Cụ thể, có tới 46,5% người chơi coi việc giao lưu với những người chơi khác là lý do chính khiến họ chơi game.
Việc tương tác giữa các game thủ được thực hiện thông qua giọng nói và văn bản, chủ yếu trong game, nhưng đôi khi cũng có thể là trên các nền tảng nhắn tin riêng biệt. 73% game thủ chơi độc lập và kết nối với bạn bè hoặc người lạ trực tuyến, 22% chơi game tại cùng một địa điểm với người khác (những phòng net cyber game), và dưới 4% game thủ chủ yếu chơi với bot.
Người chơi game chủ yếu để giải trí và xả stress, nhưng gần một nửa cũng cho rằng chơi game để được tương tác với người chơi khác.
Báo cáo trích nghiên cứu từ Statista cho thấy, Việt Nam có tỉ lệ người trưởng thành chơi game cao nhất thế giới vào năm 2020, đạt mức 85%.
Thời gian chơi của game thủ cũng đều đặn và kéo dài. 78,6% người trả lời khảo sát chơi game ít nhất 2-3 lần/tuần và 42,8% chơi game ít nhất 1 lần/ngày. Một ván game thường kéo dài trong 1-3 giờ.
Mặc dù gần nửa dân số Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh, người chơi game di động đang tăng nhưng vẫn chưa thể vượt qua người chơi game trên máy tính. Điều này có hai lý do: PC mang lại trải nghiệm chơi đắm chìm hơn, và PC từng là lựa chọn hàng đầu tại các phòng net cyber game.
Trong khi đó, sự tiện lợi và giá cả hợp lý của điện thoại thông minh đã dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường game mobile tại Việt Nam, đến mức sự phổ biến của game mobile giờ đã sánh ngang với PC. Điều này tương ứng với xu hướng chung của khu vực: 5 trong số 8 hạng mục thi đấu (và 7/10 bộ huy chương) triển khai trong SEA Games 31 sẽ là các tựa game mobile. Khảo sát cho thấy 44,9% người chơi game trên PC, 42,2% người chơi game trên smartphone, còn lại là chơi trên các máy cầm tay.
Chơi game trên máy tính vẫn chiếm đa số tại Việt Nam.
Số lượng người hâm mộ eSport là nữ giới cũng tăng lên theo từng năm, hiện chiếm ⅓ trong tổng số khoảng 7 triệu người. Điều này là do Internet phủ sóng rộng rãi và điện thoại thông minh đã đưa hàng triệu người đến với thế giới game dễ dàng hơn. Lúc này, số lượng thể loại game bắt đầu mở rộng, cốt truyện trở nên bao trùm hơn, thu hút lượng công chúng đa dạng và đông đảo hơn rất nhiều.
Ngoài ra, phân bố độ tuổi của những người trả lời khảo sát cho thấy ngày càng nhiều người lớn hâm mộ thể thao điện tử. Trong khi những người trẻ tuổi chiếm đa số, gần một nửa (47%) số người được hỏi nằm trong nhóm từ 30 tuổi trở lên.
Xét về nền tảng stream game, YouTube Gaming là nền tảng phát trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam. Facebook Gaming xếp thứ hai, và cả hai đều đang dẫn đầu thị trường về lựa chọn nền tảng để stream game.
Các nền tảng chơi game phổ biến tại Việt Nam.
Trên quy mô toàn thế giới, Twitch do Amazon sở hữu là nền tảng stream được ưa chuộng nhất. Thống kê từ StreamLabs cho thấy, số giờ xem trên Twitch đã vượt 4,7 tỷ trong quý 3 năm 2020, tăng từ 2,8 tỷ giờ trong quý 3 năm 2019. Nhưng tại Việt Nam, Twitch chỉ xếp vị trí thứ 6, kém xa YouTube Gaming và Facebook Gaming trong giới streamer và người xem.
Tuy nhiên, Facebook Gaming đã có bước tiến lớn trong giai đoạn dịch Covid-19 ở Việt Nam. Năm 2020, nền tảng này có tổng lượt xem tăng 81,37%, lượng tương tác tăng 50% và tổng lượt tiếp cận tăng 79,6%.