Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện nay có khoảng gần 30 triệu người chơi game trực tuyến. Quy mô thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, với mức tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30%. Có nhiều lợi thế nhưng thị trường game Việt Nam lại chưa thật sự là nơi hấp dẫn các nhà phát hành game trong nước.
Điểm qua những tựa game phổ biến nhất ở Việt Nam, gần như không có cái tên nào thuộc về những doanh nghiệp sản xuất game trong nước. Còn các nhà phát hành game trong nước chủ yếu lại cung cấp cho thị trường nước ngoài. Tỷ lệ doanh thu trong nước chiếm chưa tới 10%.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, dù doanh thu ngành game Việt lên tới gần 700 triệu USD năm 2022, nhưng một nửa số thuế thu được lại được đóng ở quốc gia khác. Nhiều nhà sản xuất Việt khi bán game cho chính người Việt lại phải dùng pháp nhân nước ngoài.
Có nhiều lợi thế nhưng thị trường game Việt Nam lại chưa thật sự là nơi hấp dẫn các nhà phát hành game trong nước.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cần có các chính sách thuế đồng bộ và nhất quán mới có thể khuyến khích các doanh nghiệp game quay về thị trường trong nước.
"Ngành game là ngành giao thoa, lai giữa viết phần mềm và cung cấp dịch vụ, cần có sự điều chỉnh ưu tiên liên quan đến thuế phù hợp, có điều kiện thúc đẩy so với những nước khác trong khu vực, ví dụ như Singapore. Để những công ty sản xuất game, viết game họ thấy để công ty trong nước vẫn có lợi về thuế, về phát hành hơn phải đi ra nước ngoài", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định.
Tháng 3 tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lần đầu tiên tổ chức Hội nghị "Kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam". Bên cạnh việc làm rõ cơ chế, chính sách, Bộ cũng sẽ thành lập liên minh các nhà sản xuất và phát hành game, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau cho mục tiêu game Việt có thể phát triển trên chính sân nhà.