Nếu như trong những giai đoạn đầu, Viettel tạo ra sự bùng nổ viễn thông, làm thay đổi giá cước điện thoại bằng chính những thiết bị 2G mua trả chậm của thế giới, thì đến giai đoạn này, Viettel đã tích hợp được hạ tầng sóng 5G, đưa Việt Nam vào trong danh sách 4 quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Viettel tin rằng, với cuộc cách mạng 4.0 Việt Nam sẽ không tụt lại phía sau, sẽ song hành, từng bước tham gia vào việc kiến tạo một xã hội số.
Thực tế cho thấy, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel đạt từ từ 1,5 – 1,7 Gb, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới khi làm chủ và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông, tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: 'Một trong những ứng dụng quan trọng của 5G là khu công nghệ cao, nhà máy thông minh. Ở đó rất nhiều công nghệ mới sử dụng 5G, Viettel và các nhà mạng sớm thử nghiệm để 2020 phủ sóng toàn bộ khu công nghệ cao.'
Viettel đã thử nghiệm thành công mạng 5G chỉ sau 3 tháng nhận được giấy phép. Nhưng trên thực tế, Viettel đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho sự thay đổi này từ rất lâu.
5 năm trước, chỉ những đơn vị rất mạnh về tài chính mới dám sở hữu những hệ thống Server như thế này. Chính vì vậy, giá dịch vụ lưu trữ của Việt Nam luôn ở mức cao.
Nhưng ngày nay nhờ có công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây Viettel IDC, mỗi người chỉ mất hơn 100.000 đồng đã có thể sở hữu tới 20 GB dữ liệu cùng đường truyền tốc độ cao miễn phí. Giá rẻ hơn cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có điều kiện để phổ cập hóa những công nghệ của cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với 23 tỉnh/thành trên cả nước. Mô hình trung tâm điều hành thông minh đã được thí điểm ở nhiều địa phương, giúp liên thông dữ liệu dân cư, hành chính công, giao thông, y tế, giáo dục … kết hợp với phân tích dữ liệu lớn để chỉ ra các vấn đề phát sinh tại địa phương.
Với Viettel cuộc cách mạng 4.0 cũng chính là để giải quyết những vấn đề của mình.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch, kiêm TGĐ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết: 'Bước sang năm 2019, Viettel sẽ chuyển đổi số ở 2 việc: một là chuyển đổi số cho bản thân Tập đoàn, toàn bộ quy trình nội bộ của người Viettel phải được số hóa; thứ hai là tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, đơn vị ở Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Viettel phải đi đầu, thực hiện sứ mệnh đã cam kết với Chính phủ: Trở thành đơn vị tiên phong trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.'
Hãy hình dung về một đất nước Việt Nam trong tương lai.
Tắc nghẽn giao thông được giải quyết nhờ phân tích dữ liệu mật độ người. An ninh, trật tự được cải thiện nhờ camera và hệ thống cảm biến.
Đó là lý do Viettel đầu tư một hạ tầng 4G rộng và hiện đại hàng đầu thế giới, sẵn sàng cho cả hạ tầng 5G. Viettel sẽ dành 1.000 tỷ cho Quỹ đầu tư mạo hiểm để hợp tác với các công ty công nghệ, chung tay cùng Chính phủ kiến tạo xã hội số. Việt Nam sẽ không bị tụt lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0