Chấm dứt dạy thêm, học thêm phải thành mệnh lệnh của toàn ngành Giáo dục

'Chấm dứt dạy thêm học thêm, bây giờ không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành Giáo dục', Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

30/03/2025 19:38

google_Tiin.vn

Sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh 6 kết quả nổi bật.

Một là, công tác truyền thông, phổ biến Thông tư 29 được thực hiện từ các cấp trung ương, địa phương, các nhà trường nhằm giải thích cho nhân dân, tạo ra diễn đàn công khai, nhìn nhận một cách đa chiều, khách quan về nội dung Thông tư.

Hai là, tạo ra được một tinh thần đồng tâm, đồng thuận và tính hành động cao. 'Bởi vì thấu hiểu thì đồng tâm, hiểu được Thông tư 29 mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho giáo dục, đào tạo, cho chính học sinh, chính thầy cô giáo và chính nền giáo dục của chúng ta. Và điều đó tạo ra tính hành động cao, tạo ra những mô hình, đa dạng hóa học nhóm và phát triển tự học. Tính hành động cao còn thể hiện ở việc kiểm tra và giám sát', Thứ trưởng nói.

Ba là, Thông tư 29 tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh theo đúng thẩm quyền của Bộ GDĐT.

Bốn là, qua phản ánh của các cơ quan báo chí, ý kiến của các chuyên gia, nhìn nhận về Thông tư một cách đa chiều, càng giúp hiểu rõ hơn những hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu.

Nêu kết quả thứ năm, để chấm dứt được tình trạng dạy thêm, học thêm, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với khẳng định 'một Thông tư chưa thể giải quyết được hết các vấn đề cụ thể'.

Cuối cùng, một số băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 29 của các Sở GDĐT đã được giải thích để đạt được những kết quả như mong muốn.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Thông tư 29 cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, Thứ trưởng đề nghị cần đồng bộ các giải pháp, trong đó nhấn mạnh cần tiếp tục tuyên truyền về Thông tư.

Về chuyên môn Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu cần đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương thức ra đề thi, hướng dẫn học sinh tự học, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… để học sinh là người thụ hưởng.

Về tăng cường cơ sở vật chất, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định đây là vấn đề lâu dài, vừa là trách nhiệm tham mưu, vừa là căn cứ để các địa phương bố trí ngân sách nhà nước, thực hiện xã hội hóa, tăng cường trường lớp, chất lượng trường lớp đồng đều để không có sự lựa chọn lệch nhau, dẫn đến sự cạnh tranh, tạo áp lực.

Khẳng định, Bộ GDĐT sẽ kiên trì thực hiện quan điểm '5 không' và '4 đề cao', Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GDĐT sẽ tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và trong tháng 5 sẽ ban hành hướng dẫn thay thế văn bản cũ về dạy học buổi 2/ngày, qua đó thực hiện tốt quy định về học thêm, dạy thêm.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, Bộ GDĐT đã có một kênh tiếp nhận phản ánh về những hình thức dạy học biến tướng của học thêm, dạy thêm để xác minh, xử lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đánh giá thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết: 'Quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo trước đó nhưng phải đến khi có Thông tư số 29 và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GDĐT mới được thực hiện triệt để'. Đánh giá cao tính nhân văn của Thông tư 29, ông Thái Văn Thành cho rằng, Thông tư mang lại quyền lợi công bằng cho người học, tôn vinh vị thế, hình ảnh của nhà giáo.

Đại diện các Sở GDĐT trao đổi tại điểm cấu trực tuyến

Hoan nghênh các đơn vị, các Sở GDĐT đã quyết liệt, đúng tinh thần không đánh trống bỏ dùi, làm cương quyết, làm thường xuyên, Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành quy định quản lý dạy thêm, học thêm theo tinh thần, trách nhiệm của địa phương.

'Chấm dứt dạy thêm học thêm, bây giờ không còn là dự lệnh nữa, mà phải trở thành mệnh lệnh của toàn ngành', nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ: Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm, mệnh lệnh vì chất lượng học sinh, mệnh lệnh để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, mệnh lệnh thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh.

'Công tác này phải hết sức kiên trì, bền bỉ. Trước mắt sẽ có rất nhiều khó khăn nên chúng ta phải thường xuyên thông tin, cập nhật, phải có quan điểm rõ ràng, có phương pháp làm việc phù hợp, thấu lý đạt tình, kiên quyết, chưa vội hài lòng với kết quả đạt được, mà tiếp tục lắng nghe, tiếp tục phối hợp với các Sở, cùng với Bộ để chăm lo tốt cho công việc này', Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng kết lại.

Theo Khánh Nguyễn/VTV News
Tin cùng chuyên mục
    Đọc nhiều
    Mới nhất