Nỗi niềm nuôi dạy trẻ 'đặc biệt' mùa dịch
Dự kiến Hà Nội sẽ xem xét cho học sinh trở lại vào tháng 11 sau khi người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vacine. Như vậy, trong khi bố mẹ đi làm trở lại, trẻ em, học sinh vẫn phải chờ đến tháng 11 mới biết được khi nào đi học. Với những phụ huynh có con đang theo học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, con sớm được đi học trở lại là điều từng ngày mong muốn bởi rất khó khăn trong việc quản lý con vì không thể để con ở nhà một mình.
Chia sẻ khó khăn trong quãng thời gian con nghỉ học kéo dài, phụ huynh Nguyễn Văn Thịnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: 'Nhà tôi có 2 con học phổ thông nên không chỉ bố mẹ mà các con cũng rất muốn đến trường đi học trở lại vì ở nhà quá lâu. Đợt này, bố mẹ đã đi làm trở lại, rất khó khăn cho việc sắp xếp thời gian quản lý con cái. Nhà tôi có một bé học trường chuyên biệt, không thể để con ở nhà mà không có người trông nom vì bé không tự chăm sóc được bản thân và đôi khi mất kiểm soát hành vi'.
Đối với các cơ sở giáo dục 'đặc biệt', thời gian nghỉ kéo dài không chỉ gây căng thẳng cho phụ huynh, còn ảnh hưởng đến cơ hội can thiệp phát triển cho trẻ. Chia sẻ về quá trình hỗ trợ hàng chục trẻ rối loạn phát triển (trẻ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, trẻ tự kỷ…) trong quá trình nghỉ trong thời gian qua, cô Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trong suốt thời gian dài con nghỉ học, nhiều phụ huynh không kèm được con do đi làm, con không hợp tác, khó dạy trực tuyến...
Cũng theo cô Mai, phụ huynh của trung tâm cũng nóng lòng cho con quay trở lại đi học, song họ vẫn phải chờ các quy định. Nhiều phụ huynh cho biết, vẫn phải đi làm, không phải ngày nào cũng có người ở nhà trông các bé. Một số trẻ hoạt động theo vô thức, nên phụ huynh dù đi làm hay ở nhà làm việc trực tuyến, thậm chí nghỉ ở nhà cũng rất căng thẳng.
Dạy trực tuyến ở Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ mới chỉ dừng lại ở việc giáo viên gọi điện cho phụ huynh để hướng dẫn giáo dục với từng trẻ, vì mỗi trẻ có một đặc điểm khác nhau. Ngoài lứa tuổi mầm non, Trung tâm hiện có 1/3 trẻ học lớp 'Tiền học đường', các bé được học chữ, tập viết để sau này có đủ điều kiện để vào lớp 1 tại các trường học. Theo các giáo viên của trung tâm, nếu dạy trực tiếp sẽ kiểm soát được hành vi của các trẻ, còn dạy trực tuyến thì không thể làm được.
'Việc nghỉ học kéo dài gây ảnh hưởng nhiều đến các cháu, tuổi càng lớn nếu không được can thiệp tích cực sẽ qua mất giai đoạn 'nhạy cảm' các lĩnh vực phát triển, để càng lâu càng chậm, có một số trẻ tiến bộ nhưng do ở nhà nhiều dẫn đến quên bài. Với những trẻ đặc biệt này, mỗi một tháng một cũng rất quan trọng. Ví dụ, với ngôn ngữ phát triển nhất là giai đoạn tốt nhất là từ 2 - 3 tuổi, qua giai đoạn này có tiến bộ cũng sẽ chậm hơn. Với bé rối loạn tự kỷ còn khó khăn hơn nhiều' - cô Nguyễn Thị Mai tâm sự.
Hoạt động giáo dục cho trẻ em tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt Thiên Thần Nhỏ thời điểm trước khi nghỉ phòng chống dịch COVID-19. Ảnh TTCC
Linh hoạt cho các cơ sở chuyên biệt vùng an toàn?
Liên quan đến công tác chuẩn bị khi học sinh đi học trở lại, trao đổi với PV GiadinhNet chiều 22/9, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, khi nào có chỉ đạo cụ thể, Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế Hà Nội để ban hành văn bản liên ngành hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường học. Hiện nay, ngành GD&ĐT đang tập trung chỉ đạo dạy và học tốt theo phương thức trực tuyến.
Đối với các trường chuyên biệt, theo ông Phạm Xuân Tiến, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường theo phương thức trực tuyến. Học sinh chưa thể đến trường, ở nhà và học tập trực tuyến. Các trường chuyên biệt cũng rất khó trong việc hỗ trợ cho học sinh, chỉ hướng dẫn các em. Cụ thể như, ở trường Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn, thầy cô chỉ hướng dẫn cho học sinh nghe thôi, vì các em hạn chế việc nhìn. Còn học sinh khiếm thính ở trường khác vẫn dạy trực tuyến bình thường, các em vẫn học theo các cử chỉ của giáo viên...
'Hiện nay, không còn cách nào hơn, chỉ hướng dẫn thông qua phụ huynh, giáo viên chưa để đến tận nhà để dạy các em được. Phụ huynh cố gắng, bố trí thời gian để quản lý, chăm sóc học sinh. Dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, nên sẽ cần cân nhắc thật kỹ trước khi cho học sinh tới trường trở lại' - Ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ thêm.
Trong khi ngành giáo dục kêu gọi các nhà trường, phụ huynh cùng 'cố gắng' duy trì dạy học trực tuyến. Song theo ghi nhận, nhiều trường học, trung tâm giáo dục chuyên biệt tại Hà Nội lại kiến nghị cần linh hoạt cho các trường, trung tâm ở 'vùng xanh', nhất là những cơ sở mang tính đặc thù sớm mở cửa trở lại khi đảm bảo an toàn.
'Hiện tại, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đón các bé quay trở lại. Tuy nhiên, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn, cho phép của các cơ quan chức năng. Không chỉ trung tâm chúng tôi mà được biết, các trung tâm khác cũng mong lắm học sinh quay trở lại, đến nay cũng đã nghỉ quá lâu. Theo tôi, ở các quận, huyện an toàn thì nên cho mở cửa trở lại nếu đảm bảo được công tác phòng chống dịch. Phụ huynh, cơ sở giáo dục cần cam kết, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch' - cô Nguyễn Thị Mai bày tỏ mong muốn.
Về dự kiến cho học sinh trên địa bàn đi học trở lại, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, Hà Nội cũng mong muốn triển khai sớm nhất để cho học sinh quay trở lại trường học. Việc học sinh phải học trực tuyến tại nhà kéo dài cũng gây tác động nhất định tâm lý và tiếp nhận của học sinh. Trong phương án sắp tới, Hà Nội yêu cầu các trường, địa bàn đánh giá tiêu chí an toàn, từ đó sẽ thí điểm triển khai tại một số vùng đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.