Những biến cố liên tiếp
Sinh ra trong một gia đình làm nông có 5 chị em gái, cô Nông Thị Nga (SN 1993) – giáo viên trường THPT bán trú TH Lý Thường Kiệt sớm đã luôn ý thức tự vươn lên cuộc sống. Bố mất sớm, một mình mẹ cô gồng gánh nuôi mấy chị em. Vì hoàn cảnh, các chị gái lần lượt phải thôi học, lấy chồng xa.
Cả nhà chỉ có cô Nga và em gái được theo học nên cô không ngừng học tập. Khi cô Nga đỗ vào học trường nội trú huyện Ngọc Hồi, trường nội trú tỉnh Kon Tum cách nhà hơn 70km và rồi đỗ vào Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum, cả gia đình đã rất mừng. Ngày nhập học, mẹ cô gói gọn cho được hơn 100.000 đồng mà không dám đi cùng vì sợ tốn thêm tiền. Cô lại tự mình lên nhập học. Có lẽ trải qua nhiều khó khăn, cô Nga dạn dĩ, mạnh mẽ hơn trước mọi biến cố.
Năm 2012, con gái đầu lòng chào đời khi chồng cô vẫn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự ở gần biên giới Campuchia. Tưởng chừng gia đình được đoàn tụ bên nhau khi chồng hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Nào ngờ, cô chết lặng khi biết tin chồng bị căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Bỏ lại con thơ hơn 11 tháng ở nhà cho ông bà nội chăm, cô thuê trọ để vừa đi học vừa tiện chăm sóc cho chồng. Đi học cách nhà hơn 20km, học xong cô lại chạy lên bệnh viện tỉnh chăm chồng.
'Nhà neo người nên thời gian ấy chỉ có mình tôi chăm chồng. Ròng rã một tháng trời trong bệnh viện, vợ chồng tôi về nhà trong tuyệt vọng. Tôi khóc cạn nước mắt. Dẫu vậy nghe tin ở đâu chữa được bệnh, gia đình lại đưa chồng tôi đi. Phép màu đã xảy ra khi chồng tôi đỡ bệnh. Tuy vậy di chứng từ căn bệnh, luôn ốm đau nên anh không thể đi làm. Một mình tôi chống đỡ kinh tế cả gia đình' – cô Nga chia sẻ.
Vượt qua mọi khó khăn, cô Nga vẫn đứng lớp dạy học sinh vùng biên viễn.
Năm 2015, cô vào dậy ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi thuộc thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Trường cách nhà khoảng 11km, sang dậy ăn vội một vài cái bánh mua ở trong điểm làng, buổi trưa ở lại ăn mì gói hoặc mua nắm xôi từ sáng để ăn qua bữa đến chiều về nhà đón con ở trường mầm non. Tất tả là vậy, được đi làm cô đã rất mừng vì ước mơ đứng trên bục giảng đã không phải bỏ dở.
Thời điểm đó, cả nhà có một chiếc xe, học sinh nghỉ học nhiều phải đi vận động có khi đến 8 giờ tối vẫn chưa về, con cái cô phải nhờ hàng xóm. Tiền lương eo hẹp, chồng thì không đi làm được, con lại đi học mầm non, một mình cô chống đỡ cho cả gia đình bé nhỏ nên thời gian nghĩ cho bản thân quá xa vời.
Hai năm trước, con gái 6 tuổi của cô được bác sĩ kết luận bị khuyết tật trí tuệ. Cô day dứt đổ lỗi cho mình vì đi làm quá xa không thể chăm sóc cho con. Sau một thời gian dài cô mới chấp nhận cú sốc đó để bù đắp cho con nhiều hơn.
Góp sức đổi thay vùng miền biên
Một mình gánh vác gia đình, chăm sóc con bị khuyết tật trí tuệ, chồng mắc ung thư giai đoạn cuối… thế nhưng vượt qua tất cả, cô vẫn đang từng ngày dệt con chữ cho những học sinh miền biên viễn. Năm 2016, cô Nga được phân cùng vài người bạn nữa lên dạy ở trường PTDT bán trú Lý Thường Kiệt, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Điểm trường nơi cô dậy còn rất nhiều khó khăn. Đường đi lởm chởm, đá trơn trượt nếu không chắc tay lái có thể lao thẳng xuống vực sâu. 'Tôi cứ ngỡ Mô Rai là xã nào đó gần trong trung tâm huyện của mình, không hề biết là muốn đi tới trường phải đi hơn 70km qua đường quốc lộ 14C. Tôi tưởng có đường bê tông mới có người sinh sống, có trường học, bệnh xá... Nào ngờ nơi đây còn chưa có cả bưu điện. Đi mất 4 tiếng đồng hồ mới tới trường' – cô Nga nhớ lại ngày đến điểm trường.
Theo chia sẻ của cô Nga, học sinh nơi đây đi học phải đi bộ hoặc có cha mẹ chở chứ không tự đi xe đạp được vì dễ ngã do đá lởm chởm cùng nhiều ổ gà, ổ voi. 100% học sinh ở lớp là người đồng bào dân tộc thiểu số như Gia-rai, ngoài ra còn có dân tộc Rơmăm cực ít người. Cả nước chỉ có vài trăm người đang sinh sống lâu đời ở Mô Rai. Cứ đến đợt mưa bão, học sinh lại vắng. Để con tới lớp, cô lại phải đi từng nhà vận động.
Bản thân là người con dân tộc thiểu số, cô Nga hiểu chỉ có con đường tri thức mới giúp các em đổi thay nên cô luôn cố gắng để các em không bỏ trường, bỏ lớp. Trong những tiết học, cô sáng tạo các đồ dùng phục vụ cho lớp học từ chai nhựa, tự vẽ tranh để dạy... để các em nắm bài học nhanh nhất. Nhiều học sinh của cô đi thi cấp huyện đều đạt các giải về Giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số, Giao lưu tiếng Anh…
Ngoài giáo dục kiến thức, cô Nga cũng như các đồng nghiệp luôn chăm chút cho các em học sinh dân tộc thiểu số của mình. Ảnh NVCC
5 năm gắn bó với trường ở xã biên giới Mô Rai, với cô Nga khổ có, vui có, buồn cũng có… cô Nga vẫn không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thế nhưng, năm 2019 bất hạnh lại đến với cô khi cô mắc u nang buồng trứng. Khó khăn là vậy, nhưng cô không ngừng nỗ lực vươn lên.
''Hiện tại dù số tiền lương của tôi vừa lo cho bản thân, hai con gái, bà nội và chồng đi học 4 năm ròng rã mới tốt nghiệp chưa có việc làm, nhưng với tôi niềm hạnh phúc này đã quá lớn với bản thân. Tôi sẽ cố gắng hết mình để vừa 'Giỏi việc Nước, đảm việc nhà', là một đảng viên để đồng nghiệp tin yêu, được nhân dân kính trọng. Tôi sẽ cố gắng giúp những học trò nhỏ của mình trở thành người có ích cho xã hội, có thể giúp vùng biên giới đặc biệt khó khăn, xa xôi này thành một nơi phát triển hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, các em đã góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu' – cô Nga tâm sự.
Với những đóng góp của mình, cô Nga đã đạt được nhiều danh hiệu. Mới đây, cô cũng là 1 trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương tại chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2020 do Trung ương Hội LHTNVN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.