Không nên có tư duy định kiến
Như Đại Đoàn Kết Online phản ánh ở bài viết 'Đề xuất không đào tạo từ xa với ngành sức khỏe, giáo viên: Có lạc hậu?', đề xuất không đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên trong dự thảo Thông tư ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ GDĐT đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trước luồng ý kiến không đồng tình với việc đào tạo từ xa với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo sư phạm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: 'Không nên định kiến với phương thức đào tạo từ xa với hai ngành học này'.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS Lê Viết Khuyến, đào tạo từ xa là một phương thức tiên tiến, theo xu hướng chung của quốc tế. Thực tế, khi 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, trường học phải tạm dừng mở cửa, việc dạy và học trực tuyến đã phát huy được thế mạnh.
Kinh nghiệm công tác tại nhiều quốc gia, TS Lê Viết Khuyến cho biết, việc đào tạo từ xa đối với ngành sư phạm rất phổ biến. Tại Việt Nam, nhiều trường sư phạm đã đào tạo từ xa nhiều năm nay. Một số đơn vị của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam có liên kết đơn vị quốc tế cũng thường xuyên dạy học trực tuyến các chuyên đề, nội dung để đội ngũ nâng cao trình độ.
Còn khối ngành sức khỏe, theo chuyên gia này, ở phần lý thuyết, lý luận có thể dạy trực tuyến còn phần thực hành phức tạp, sinh viên cần phải học trực tiếp.
Vì vậy, với ngành sư phạm hoàn toàn có thể đào tạo từ xa. Còn với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nên chia 2 phần: Nội dung có thể dạy cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến; nội dung bắt buộc dạy trực tiếp.
'Lâu nay xã hội vẫn có câu mang tính chất cảm tính: Học gần còn chẳng ra gì huống chi học từ xa. Tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn nhận lại', TS Lê Viết Khuyến nói.
Lo lắng việc ồ ạt mở ngành
Theo TS Lê Viết Khuyến, vấn đề cần phải bàn là tổ chức đào tạo từ xa như thế nào để bảo đảm chất lượng chứ không phải không quản được là cấm. Trong khi thực tế trong một vài mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường đại học ồ ạt mở ngành đào tạo mới không phải là thế mạnh của trường đó, đặc biệt là xu hướng mở ngành đào tạo khối sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó, có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở và 149 ngành do Bộ GDĐT mở. Trong số này có nhiều trường đại học mở ngành đào tạo khối sức khỏe.
Việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới trong năm học này thực ra đã được dự báo trước. Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Tuy nhiên thực tế không phải ngành mới nào mở ra cũng đảm bảo chất lượng. Trước việc 'chạy đua' mở ngành đào tạo, đặc biệt là xu hướng mở ngành đào tạo khối sức khỏe hiện nay, trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyên bày tỏ lo lắng về chất lượng đội ngũ y bác sĩ khi hành nghề.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.
Ông Khuyến cho biết, ngành sức khỏe đòi hỏi tỉ lệ thực hành cao mà muốn thực hành thì người học phải có môi trường thực hành chứ không phải thực hành 'chay'. Hiện, không phải trường nào cũng có điều kiện cho sinh viên thực hành trực tiếp. Các trường thường ký hợp tác với các đơn vị để sinh viên thực hành nhưng thực tế chỉ đến quan sát mà không được tận tay làm.
Trong khi đó, về đội ngũ giảng viên, không như các ngành đào tạo khác, giảng viên ngành sức khỏe phải là những người có kiến thức uyên bác, tay nghề cao. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định chung giảng viên chỉ yêu cầu trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ. TS Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi 'như vậy liệu có đảm bảo chất lượng' và cho rằng điều kiện thực hành và đội ngũ giảng viên là điều cần phải suy nghĩ.
'Dù đào tạo từ xa hay trực tiếp cần quan tâm tới bài toán chất lượng. Ở đây, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. Với ngành y nếu không đào tạo kỹ thì sẽ rất nguy hiểm vì liên quan trực tiếp tới con người', TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Liên quan tới việc mở ngành đào tạo sức khỏe, PGS.TS Phan Túy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, Trưởng khoa Dược Trường Đại học Hòa Bình cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, do đó cần một lực lượng cán bộ, chuyên gia, nhân viên y tế. Nếu như chỉ có một số trường đào tạo như trước đây thì không đáp ứng được nhu cầu nên cần mở rộng đào tạo. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Túy nhấn mạnh việc mở ngành đào tạo sức khỏe chỉ cho phép ở những trường có đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.
Ngoài ra yếu tố quyết định chất lượng đào tạo ngành sức khỏe là khả năng, năng lực người học. Ông Túy cho hay, trước đây điểm đầu vào khối ngành sức khỏe rất thấp, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Còn hiện điểm đầu vào của ngành y dược đã được nâng lên.
Không đồng tình với việc đào tạo từ xa với ngành sức khỏe, PGS.TS Phan Túy nêu quan điểm: 'Nhà nước tạo điều kiện cho đội ngũ y tế phát triển nhưng các trường đào tạo, tổ chức thế nào phải có chất lượng. Đào tạo ngành sức khỏe không thể đào tạo từ xa, không thể dễ dãi cho mở ngành ồ ạt'.