Làm trái ngành là thực trạng không quá mới lạ với thị trường lao động tại Việt Nam. Thế nhưng, khi thị trường việc làm ngày càng trở nên cạnh tranh như hiện nay, ứng viên không chỉ cần kỹ năng mà còn cần phải có chuyên môn, năng lực thực sự thì với việc lựa chọn làm trái ngành, người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Thực tế, tính trung bình, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Đây là kết quả nghiên cứu được nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây. Đáng nói, nếu tính riêng theo từng ngành nghề, tỷ lệ làm trái ngành tại một số lĩnh vực thực tế còn ở mức cao hơn.
Anh Phạm Vũ Kiên (nhân viên tư vấn bảo hiểm) theo học điện tử viễn thông ở bậc đại học khi đánh giá đây là ngành học có nhiều cơ hội việc làm. Thế nhưng, với anh Kiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Gặp khó khi đi xin việc, công việc đầu tiên anh Kiên đi làm là nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Anh Phạm Vũ Kiên chia sẻ: 'Khi mình tham khảo các nguyện vọng thì thấy ngành này trong tương lai cần nhân lực. Vì nó 'hot' nên trong tương lai có thể bị bão hoà, sẽ có quá nhiều người theo nên tính cạnh tranh cao hơn. Vì thế, mình quyết định sang một ngành nghề trái ngược hẳn để xem có hợp với bản thân không vì mình cũng chưa biết là mình thích cái gì'.
Anh Phạm Vũ Kiên học điện tử viễn thông nhưng hiện làm nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Trở thành luật sư theo định hướng của gia đình là dự định ban đầu. Thế nhưng, đang trong quá trình học, chị Nguyễn Thị Phương Lan, TP Hà Nội lại yêu thích công việc truyền hình và giờ đây, chị trở thành người dẫn chương trình và tham gia đào tạo kỹ năng cho các bạn nhỏ, mỗi tối.
Chị Phương Lan chia sẻ: 'Trước gia đình mình định hướng mình đi học ngành luật vì truyền thống gia đình. Từ thời ông đã làm ngành này. Nhưng khi theo học, mình lại có cơ hội tiếp xúc với công việc truyền hình và làm từ khi ra trường. Gần như mình chưa sử dụng đến tấm bằng Luật của mình'.
Phương Lan học ngành luật nhưng hiện đang theo ngành truyền hình.
Ra trường làm công việc hoàn toàn không liên quan đến ngành học là thực tế không hiếm gặp. Được biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ này cao hơn 60%. Đây là kết quả nghiên cứu, sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm, đối tượng từ 25 đến 60 tuổi, trong 3 năm từ 2018 - 2020 của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây.
Theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội, không ít ứng viên sẵn sàng làm việc trái ngành khi có cơ hội. Đây được xem là nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng làm việc trái ngành.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết: 'Phía cá nhân, bản thân nhiều bạn trong quá trình đào tạo, lúc đầu đăng ký theo học không theo đúng sở trường của bản thân. Khi tham gia vào thị trường lao động, không thấy phù hợp thì các bạn quay ra tìm kiếm công việc khác'.
Cũng theo ông Thành, sự khó khăn khi tìm kiếm việc làm cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến thực trạng 'học ngành này - làm nghề khác'. Cùng với đó, sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, người lao động làm việc ở nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng như giáo dục, du lịch cũng có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì việc lựa chọn làm trái ngành mình được đào tạo, người lao động sẽ phải chấp nhận đánh đổi về thời gian cũng như sự cố gắng để tiếp cận một lĩnh vực mới. Chưa kể, mức thu nhập có thể thấp hơn với các ứng viên được đào tạo đúng ngành.
Theo nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, khi tập trung đo lường ở nhóm ngành kinh doanh và quản lý, nhóm ngành có số lao động đại học được đào tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 30% trong tổng số nhân lực đào tạo, cho thấy:
Nhóm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành. Mức lương trung bình khi làm việc đúng ngành vào năm 2020 là 9,4 triệu đồng, còn trái ngành là 8,01 triệu đồng. Con số tương ứng ở các năm 2019 lần lượt là 9,1 triệu và 7,6 triệu; năm 2018 là 8,2 triệu và 6,9 triệu.
Sự chênh lệch này có xu hướng giảm theo độ tuổi, phản ánh một thực tế là những kỹ năng và kiến thức tích lũy theo năm tháng, có thể bù đắp cho sự thiếu hụt kiến thức với việc làm trái ngành.
Bên cạnh đó, khi người lao động lựa chọn làm trái ngành, đảm nhận công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo, khó khăn sẽ là điều dễ thấy.
Chị Bùi Hồng Tiết, TP Hà Nội phải dành hàng giờ để phân tích câu chữ trong quy định của từng hợp đồng, tìm hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Vì công việc hiện tại không liên quan nên những cuốn sách khi Tiết Hồng theo học ngành luật cũng đành phải xếp gọn một góc. Khi đi làm tại công ty bảo hiểm, Hồng buộc phải học lại từ đầu.
'Vào công ty bảo hiểm, tất cả kiến thức phải học lại từ đầu nên lúc mới đầu vào rất vất vả, rất khổ. Gia đình phản đối và việc bắt nhịp với công việc cũng khó khăn. 3 - 4 tháng vẫn giậm chân tại chỗ, rất áp lực, nhiều lần mình muốn bỏ việc' - Tiết Hồng chia sẻ.
Theo học ngành công nghệ thông tin nhưng lựa chọn công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Nếu được lựa chọn lại, Vũ Hoàng Phúc (Hải Dương) không ít lần mong muốn mình chọn đúng chuyên ngành học - phục vụ cho công việc hiện tại.
Vũ Hoàng Phúc gặp khó khăn khi làm trái ngành.
Hoàng Phúc chia sẻ: 'Công việc của em hiện tại là reviewer trên youtube và tiktok. Ngành nghề em học thiên về coding nên những gì em học ở trường không liên quan gì đến công việc hiện tại. Khó khi bắt đầu hoặc lúc không am hiểu những lĩnh vực mình tham gia review. Nếu được học lại thì em muốn học ngành marketing'.
Mất thời gian, công sức để tiếp cận một ngành nghề mới, phần lớn người lao động làm trái ngành được khảo sát cho rằng, họ phải nỗ lực gấp đôi thậm chí gấp 3 người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng cho công việc mà họ đang thiếu.
Cũng theo các chuyên gia việc làm, nhóm lao động làm trái ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thăng tiến trong công việc - bởi nhiều đơn vị sử dụng lao động vẫn đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm khi lựa chọn các vị trí cấp cao.
Trải nghiệm hướng nghiệp trở thành môn học trong nhà trường
Không thể phủ nhận, trước xu thế đa ngành đa lĩnh vực như hiện nay, các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường có thể nhanh chóng lựa chọn một công việc, dù là trái ngành, để có nguồn tài chính duy trì cuộc sống. Nhưng rõ ràng, làm đúng ngành nghề đã học vẫn là điều nên làm. Việc này giúp người lao động phát huy những kiến thức được dạy và tận dụng tất cả các kỹ năng được tích lũy từ trước. Và để làm được thì việc định hướng nghề nghiệp cần phải thực tế hơn nữa.
Bắt đầu từ năm học này, giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp đã chính thức trở thành môn học, trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc này giúp các bạn sớm có cơ hội tiếp cận và nhận thức được nhiều hơn về các ngành nghề. Việc sớm xác định được khối ngành trong tương lai giúp các bạn có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, tập trung vào những môn trọng tâm để thi/ xét tuyển đại học.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ dừng lại ở khâu chọn nghề, hoạt động hướng nghiệp còn cần phải gắn với giai đoạn thích ứng nghề; kết nối chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường và đơn vị sử dụng lao động.
'Xác định nghề nghiệp mong muốn; hoạch định kế hoạch phát triển bản thân' - đây là nội dung được nhóm Phạm Linh Uyên, Lớp 10 Trường Phổ thông Dewey chia sẻ trong giờ học hướng nghiệp. Phần lớn các em đã xác định được thế mạnh của mình và có mục tiêu rõ ràng.
Vài năm trở lại đây, giờ học Hướng nghiệp đã được nhà trường chú trọng và áp dụng phương pháp giáo dục đảo ngược. Học sinh sẽ tự chuẩn bị nội dung chia sẻ, điều này cũng giúp các em hình thành kỹ năng tự nghiên cứu, thuyết trình, làm việc nhóm...
Thầy giáo Nguyễn Chiến Thắng, Bộ môn Hướng nghiệp, Trường Phổ thông Dewey cho biết: 'Xuất phát từ việc các bạn hiểu bản thân, hiểu về thế giới nghề nghiệp. Sau đó thầy cô, chuyên viên sẽ làm việc 1:1 với các bạn để xây dựng lộ trình học tập sau này'.
Không chỉ định hướng tốt từ khối phổ thông, tại các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng, chương trình giảng dạy cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế. Không chỉ vậy, tại trường Đại học Thương Mại, sinh viên cũng được tạo cơ hội để tiếp cận với môi trường việc làm sớm.
PGS. TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại chia sẻ: 'Trường kết hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo - phù hợp thực tế; không đào tạo gì đó quá xa vời. Đặc biệt, chúng tôi cũng tổ chức ngày hội việc làm, sinh viên tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng như thế nào để các em chủ động chuẩn bị'.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%. Trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%. Sự chênh lệch này cho thấy, công tác phân luồng trong đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: 'Nhiều vị trí việc làm cũng không thể tuyển số lượng lớn được. Ngược lại, công tác đào tạo lại có thể đào tạo số lượng lớn. Chính việc này đã phản ánh rõ: việc gắn đào tạo với thị trường lao động, đúng xu hướng thị trường lao động đã đặt ra bài toán cho các cơ sở đào tạo.
Cũng theo các chuyên gia việc làm, quá trình tự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp của người học cũng đóng vai trò quyết định. Người học cần nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp để có sự lựa chọn hợp lý.