Nhiều bất cập
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 10. Điểm mới nhất so với chương trình cũ đó là việc học sinh phải chọn tổ hợp khối với các môn học tự chọn theo sở thích, năng lực.
Theo quy định, học sinh lớp 10 phải học các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh được chọn 4 môn trong các môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Đa số các em chọn theo hai tổ hợp khối KHTN và KHXH cùng các môn học tự chọn theo tổ chức riêng của từng trường.
Học sinh lớp 10 đang gặp khó trong chuyển trường, chuyển đổi môn học tự chọn.
Tuy nhiên, do năm học này là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên học sinh và phụ huynh còn bỡ ngỡ, vội vàng trong việc định hướng cho con em dẫn đến chọn tổ hợp môn chưa phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Ngoài ra, các nhà trường lại tổ chức các lớp học theo tổ hợp môn không giống nhau nên mỗi khi học sinh chuyển trường lại gặp khó khăn trở ngại. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, tại Hà Nội nhiều học sinh đang gặp một số bất cập khi chuyển học từ các tỉnh về Thủ đô học tập. Lý do, ở địa phương, các môn học của các em theo học không trùng khớp với trường học các em có nguyện vọng chuyển đến, dẫn tới việc các nhà trường chưa thể bố trí việc học tập theo đúng nguyện vọng của học sinh.
'Hiện có nhiều trường hợp, các em học tổ hợp KHXH nhưng môn tự chọn của các em có tin học hoặc âm nhạc. Trong khi trường các em có nguyện vọng chuyển đến lại không có những lớp học tổ chức tương tự' - một cán bộ ở Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận. Cũng theo vị cán bộ này, chưa kể đến việc mỗi trường học một sách giáo khoa, trong khi nội dung của sách giáo khoa bố trí bài giảng lại không thống nhất. Chính vì vậy nếu chuyển trường, ngoài việc phải mua sách giáo khoa mới, các em cũng gặp khó trong việc tiếp thu bài học. 'Việc này cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT nên nhiều học sinh có nhu cầu chuyển trường đến Hà Nội học tập vẫn chưa được giải quyết' - vị cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết.
Ngoài bất cập trong việc chuyển trường, hiện nay sau gần một kỳ theo học, nhiều học sinh lớp 10 cảm thấy lựa chọn của mình không phù hợp nên có nguyện vọng lựa chọn lại. Thầy Nguyễn Văn Hai, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Thị Đam (Đồng Tháp) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường có 202 học sinh lớp 10, chia làm 5 lớp (2 lớp định hướng theo các môn khoa học tự nhiên, 3 lớp định hướng theo các môn khoa học xã hội).
Tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã ghi nhận 12 trường hợp muốn chuyển tổ hợp môn. 12 học sinh đó đều muốn chuyển từ tổ hợp môn khoa học tự nhiên sang tổ hợp môn khoa học xã hội. Do sau một khoảng thời gian học, các em không thích học hoặc sức học không theo kịp nên có nhu cầu chuyển tổ hợp lựa chọn. 'Mới vào năm học nên nhà trường vẫn giải quyết được cho các em. Tuy nhiên, trường hợp đã học hết 1 năm học, trải qua các kỳ thi lớn như giữa kỳ, cuối kỳ thì nhà trường sẽ phải báo cáo và xin ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo', thầy Hai cho hay.
Qua tìm hiểu cho thấy, việc chuyển tổ hợp môn không dễ, chưa kể sẽ kéo theo rất nhiều những khó khăn, không chỉ cho nhà trường, giáo viên mà còn cho chính bản thân học sinh đó. Bởi, chương trình học của các em không được liên tục ngay từ đầu. Vì vậy, các em phải dành thời gian để bổ túc thêm, rất áp lực và yêu cầu sự chăm chỉ, quyết tâm hơn những học sinh khác rất nhiều. Để củng cố kiến thức đã thiếu cho học sinh, nhà trường cũng phải phân công giáo viên dạy phụ đạo thêm, gây khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp, bố trí.
Chờ hướng dẫn
Một số chuyên gia chỉ ra, sau một thời gian học tập, nhanh nhất là giữa học kì 1, chậm nhất là hết học kì 1, nhiều em nhận ra mình đã chọn nhầm môn/ tổ hợp môn do một số nguyên nhân như tình trạng học lệch ở các lớp dưới; chương trình học giữa hai bậc khác nhau; đánh giá không đúng về năng lực bản thân; chọn môn theo cảm tính..
Vì thế, có nhiều em phải làm đơn xin nhà trường chọn lại môn/ tổ hợp môn học cho đúng với sở trường hơn. Việc thay đổi môn/ tổ hợp môn từ khối tự nhiên sang khối xã hội phần nào dễ hơn so với khối xã hội sang tự nhiên do đặc thù môn học. Cùng với đó, học sinh bỏ thời gian để học lại môn học mới, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm lí, khiến việc học nặng nề căng thẳng.
Trong khi việc chuyển tổ hợp thường chỉ xảy ra trong khuôn khổ một nhà trường được cho còn dễ hơn việc học sinh chuyển trường. Anh Nguyễn Văn Quân ở Hoàng Mai, có con muốn chuyển từ Bình Dương ra Hà Nội học tập đã được hướng dẫn là phải đối chiếu các môn học con anh hiện đang theo học nếu có trùng khớp với những lớp học tại trường muốn chuyển đến thì mới được chấp nhận. 'Tôi chuyển công việc ra Hà Nội nên nguyện vọng gia đình là cho cháu ra Hà Nội theo học cùng. Rất mong mọi thủ tục các nhà trường linh động' - anh Nguyễn Văn Quân bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chưa gặp trường hợp nào khó khăn trong chuyển trường hay chuyển môn học. Tuy nhiên, nếu học sinh có nguyện vọng thì cũng sẽ linh động để tạo điều kiện cho các em.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một cán bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm đến nay nhiều học sinh lớp 10 trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu chuyển trường. Đa số các em học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên chuyển sang trường THPT. Tất cả các trường hợp đều được tạo điều kiện. Nhìn chung, trong việc chuyển trường, chuyển khối tại Thanh Hóa không gặp bất cập lớn và đều được tạo điều kiện tối đa để giúp học sinh theo đúng nguyện vọng.
Qua trao đổi với các cán bộ giáo dục tại nhiều địa phương có thể thấy, nhu cầu chuyển trường, chuyển tổ hợp khối của học sinh là nhu cầu chính đáng. Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT để các nhà trường tuân thủ, tránh việc mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu gây khó cho học sinh.