Chửi bậy, tiếng lóng đã trở thành trào lưu của giới trẻ khiến người lớn đọc phải giật mình
Mới đây, câu chuyện 7 học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) bị đuổi học 1 tuần và 1 năm, 1 em bị cảnh cáo, vì chat nói xấu thầy cô qua facebook đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo báo cáo của trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10 sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm.
Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên 'Động Cô Bích' - tên cô chủ nhiệm, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày.
Trước sự việc này, nhà trường quyết định đuổi học 1 năm 3 học sinh và đuổi học 1 tuần 4 em khác. Một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.
Câu chuyện được đặt ra là, tình trạng nói xấu người khác, nói tục chửi bậy dường như ngày càng phổ biến trong giới học trò. Các em bực dọc một chuyện bất kỳ: Chửi. Bị điểm kém: Chửi. Không thích đứa bạn ngồi cùng bàn: Chửi. Không đến được buổi hẹn với bạn bè: Chửi. Thậm chí là chửi yêu để bày tỏ tình cảm. Các cô cậu học trò còn tung hẳn 'cẩm nang' chửi cho bài bản... Đó là một thực tế trong giới trẻ hiện nay.
Mặc dù nhiều nhà trường đã quy định tuyệt đối cấm học sinh nói bậy chửi thề, nhưng trên thực tế rất khó tìm một trường nào không có học sinh chửi thề. Bị điểm kém, chửi thề. Bị cô giáo phê bình, chửi thề. Chưa bước ra khỏi trường các bạn đã văng tục, chửi thề. Không chỉ có nam sinh nói bậy, mà ngày nay mức độ văng tục, chửi thề của các bạn nữ sinh cũng đang ở mức báo động.
Chị Hoàng Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự, chị không khỏi ngỡ ngàng khi vô tình 'đọc trộm' được tin nhắn của con. Chị kể: Hôm đó, cháu mượn máy tính của mẹ làm bài. Trong lúc sử dụng, cháu vào facebook của mình để chat nhưng lúc tắt máy quên thoát ra. Do đó, khi chị Trang vào lại máy thì thấy nổi lên mấy cửa sổ chat của con.
'Tôi không thể ngờ các con chỉ tý tuổi đầu mà nói xấu người khác ráo hoảnh, nói tục, chửi thề không hề ngượng mồm. Không chỉ con trai tôi - ở nhà tôi chưa từng nghe cháu nói bao giờ, mà ngay cả những bạn gái của cháu tham gia nhóm chat cũng tương tự. Các cháu dùng những ngôn ngữ mà tôi không thể tưởng tượng nổi lại có thể phát ra từ những cái mồm xinh xắn, từ những gương mặt còn non choẹt như vậy', chị Trang ái ngại nói.
Trao đổi với phóng viên về điều này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng, nguyên nhân của tình trạng văng tục, chửi bậy, nói xấu người khác trên mạng xã hội của giới trẻ xuất phát từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, gia đình và người thân.
'Họ phó mặc toàn bộ con cái cho nhà trường. Cha mẹ có quá nhiều áp lực công việc, quá bận rộn không có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái như trước đây.
Cũng bởi thế, con cái có nhiều thời gian tự do hơn, tự do tiếp nhận thông tin và tự do làm theo ý mình hơn mà không có người hướng dẫn, định hướng. Hơn nữa, do cách sinh hoạt của mỗi gia đình, có nhiều gia đình biết con mình như vậy nhưng lại không chỉ bảo đến nơi đến chốn.
Thậm chí trong nhiều gia đình, chính bố mẹ cũng vận dụng ngôn từ đậm tính 'văn hóa' chửi thề nên trẻ nhiễm tính chửi thề từ nhỏ. Học sinh chửi rủa giáo viên chủ nhiệm', Ths Hà Thành nói.
Trong khi đó, một giáo viên lại cho rằng trên thực tế nhà trường hiện vẫn nghiêng nhiều hơn về dạy kiến thức mà chưa chú trọng nhiều đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh.
'Hơn nữa, bây giờ dạy học sinh khó hơn ngày xưa rất nhiều. Chỉ còn mấy tháng nữa tôi nghỉ hưu, ngày xưa chúng tôi được thực hiện nhiều biện pháp nghiêm khắc với học sinh. Nhưng giờ chỉ cần nặng lời là ngay lập tức được đưa lên mạng… nổi lềnh phềnh. Vì thế, chúng tôi buộc phải chọn phương pháp an toàn cho bản thân, đó là chỉ truyền dạy kiến thức', vị giáo viên này buồn bã nói.
'Chửi nhiều thành quen', lâu dần nhiều bạn trẻ hình thành thói quen cứ mở miệng ra là nói tục, chửi thề. Một khi đã là thói quen, thậm chí đã trở thành 'văn hóa' chửi thề trong ứng xử, giao tiếp thì rất khó để thay đổi.
Xem trộm tin nhắn của con có phạm luật? Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, với lứa tuổi dậy thì có nhiều biến đổi về tâm sinh lý thì bố mẹ, nhà trường cần có sự quan tâm, thận trọng trong cách đối xử, giáo dục khi phát hiện dù cho vô tình hay cố ý con sử dụng ngôn từ không đúng mực trên mạng xã hội khi chat với bạn bè. Bởi theo khoản 2 Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: 'Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác'. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 38 BLDS nêu: 'Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định'. |