Năm nay, một số du học sinh không có điều kiện về Việt Nam ăn Tết, vì nhiều lý do, nhưng trong ký ức các em, cho dù ở đâu, Tết Việt luôn thiêng liêng và chứa đựng nhiều kỷ niệm xúc động.
Mỗi khi nhắc đến Tết, ký ức về những ngày bận rộn trước Giao thừa để phụ giúp bố mẹ lại ùa về với Nguyễn Hà My (du học sinh tại Đức). Gia đình làm kinh doanh về mặt hàng cây cảnh nên khi được nghỉ Tết ở trường THPT, Hà My lại giúp bố mẹ đón tiếp khách tới mua cây cảnh, hoa. Ngoài việc gọi shipper, lên đơn hàng, tư vấn cho khách, Hà My cũng tham gia cắt tỉa cây.
'Cứ đến vụ Tết, cả nhà lại rất bận rộn. Phải tới chiều tối 29 Tết, công việc mới tạm ổn. Em còn nhớ, bố vẫn duy trì thói quen làm bánh chưng Tết. Nhà có sân rộng nên bố luộc một nồi bánh chưng to, mọi người thay nhau trông nồi bánh chưng để chiều 30 Tết chia ra, mỗi nhà họ hàng vài chiếc. Có hoa đào, có bánh chưng là thấy Tết rồi', Hà My nhớ lại.
Đây là cái Tết thứ 2, cô sinh viên Hà Nội ăn Tết xa nhà. Năm đầu tiên du học, Hà My nhớ nhà và tranh thủ về quê ăn Tết. Nhưng 2 năm nay, tình hình kinh tế khó khăn hơn, để tiết kiệm tiền cho gia đình và để kịp hoàn thành bài tập, Hà My chọn ở lại ăn Tết. Tuy nhiên, nỗi nhớ được quây quần bên gia đình quanh mâm cỗ Giao thừa và mỗi dịp cùng bố mẹ và em trai đi lễ chùa sáng Mùng 1 Tết vẫn khiến Hà My nghẹn ngào.
'Do thường xuyên gọi Facetime cho gia đình nên nỗi nhớ nhà cũng vơi đi. Ở bên này, em cùng 2 bạn đi siêu thị và chuẩn bị một vài món ăn đơn giản ngày Tết và cùng chờ đón Giao thừa với người thân ở Việt Nam', Hà My chia sẻ.
Cùng chung cảm xúc với Hà My, Đỗ Mai Phương (du học sinh tại Australia) cũng háo hức có một cái tết sum vầy bên gia đình sau 3 năm vắng nhà. Do đại dịch COVID-19, Mai Phương phải về Việt Nam ngoài kế hoạch khiến việc học Thạc sĩ bị ngưng trệ. Mấy năm nay, cô gái quê Quảng Ninh không sắp xếp được thời gian về thăm gia đình vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
'Khi còn ở nhà, mình vẫn nhớ những buổi chiều cuối năm cùng mẹ đi sắm Tết. Không khí nhộn nhịp và đông vui với những bước chân hối hả để mua sắm đồ Tết. Rồi chiều 30 Tết, bố mẹ, chị gái và em trai cùng ngồi ăn cơm và chờ đón xem Táo quân. Cả nhà cùng nhau đi lễ chùa sau khi xem xong pháo hoa. Những thời khắc đáng nhớ ở cùng gia đình luôn ấm áp và tiếp thêm sức mạnh cho mình tiếp tục công việc học tập. Sang năm, mình nhất định sẽ về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình', Mai Phương nói.
Một mâm cỗ Tết của các bạn du học sinh.
Chọn ở lại dịp Tết Nguyên đán, Phạm Quốc Tuấn (du học sinh tại Mỹ) cho biết, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nỗi nhớ nhà lại dâng lên. Đi du học khi còn đang là học sinh lớp 11, Quốc Tuấn cũng đã quen với việc 2 năm mới về Việt Nam ăn Tết một lần. Thông thường, Quốc Tuấn chọn về vào những dịp Hè để phù hợp với lịch học tập. Tại Mỹ, Quốc Tuấn cùng các anh chị hẹn nhau tổ chức nấu nướng và tụ tập với nhau chuẩn bị đón Tết.
'Rất may ở đây, thực phẩm và món Việt khá nhiều, hương vị tương tự nên giúp chúng em nguôi ngoai nỗi buồn không được về nhà ăn Tết', Quốc Tuấn cho hay. 'Chúng em thưởng thức cỗ Tết Việt, gọi điện về để chúc Tết người thân và gia đình. Căn phòng nơi xứ người đêm Giao thừa tràn ngập tiếng cười rộn ràng như đón Tết ở Việt Nam. Việc sắm cỗ và đón Tết xa quê, thực sự là trải nghiệm mà em không thể quên. Tết cũng trở thành cơ hội để kết nối với cộng đồng người Việt tại nơi đang sống, tạo dựng một không gian ấm cúng, gần gũi nơi đất khách'.
Cộng đồng du học sinh ở nhiều nơi trong dịp Tết đều có những hoạt động quây quần để vơi đi nỗi nhớ nhà và là niềm động lực để học tập tốt, tích cực làm việc.
-->