Sách giáo khoa tăng giá gấp 2-3 lần trước thềm năm học mới 2022-2023.
Giá SGK tăng gấp 2-3 lần trước thềm năm học 2022-2023 đã gây bức xúc trong dư luận. Tại nghị trường Quốc hội kỳ họp vừa qua, các đại biểu kiến nghị đưa SGK vào chương trình giám sát tối cao. Chưa hết nóng, mới đây, tại cuộc họp với các bên liên quan đến SGK, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Có thể thấy trước sức ép của dư luận cũng như nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội đại diện cho nhân dân, Bộ chủ quản đã kiến nghị giải pháp nhằm giảm “gánh nặng” SGK cho phụ huynh học sinh với đề xuất trên. Tuy nhiên, theo một số phụ huynh, đề xuất được xem là một ý tưởng hay, nhưng chỉ là giải pháp tình thế, mang tính “xoa dịu” dư luận. Bởi khi đi sâu vào phân tích, để làm được như vậy thì cần phải ổn định nội dung SGK chứ không thể thực hiện nếu chương trình SGK thay đổi liên tục như hiện nay.
Cụ thể, cần có quy định 5 năm mới được biên tập, chỉnh sửa nội dung SGK, nhà trường trích kinh phí mua SGK 1 phần, phụ huynh ủng hộ 1 phần góp SGK vào thư viện trường để học sinh khóa sau không phải mua SGK mới. Đến kỳ thay đổi nội dung SGK lại mua mới đưa vào thư viện, như vậy mới tránh lãng phí được.
Mặt khác, nhà trường không được giới thiệu mua sách tham khảo, bộ dụng cụ học tập, để phụ huynh tự lựa chọn cho con em mình. Mặt khác, SGK là mặt hàng hầu như gia đình nào cũng cần, đề nghị kiểm soát giá thật nghiêm ngặt.
“Bây giờ con chúng tôi phải học sách mới của trường bán, nếu mua ngoài sẽ bị dọa không chịu trách nhiệm nếu không mua đúng (kiểu như bác sĩ kê đơn). Dù là hình thức gì thì cũng là thương mại”, phụ huynh Nguyễn Tuấn Anh, có con năm nay vào lớp 3 chia sẻ.
Nhìn sang các quốc gia khác, với SGK ở Mỹ, giáo viên chủ yếu dựa vào khung chương trình, ít sử dụng SGK. Mỗi trường, cụm trường hay quận dùng những bộ SGK khác nhau. Việc lựa chọn sách gì, giáo trình của công ty nào là do kết quả làm việc giữa từng trường hoặc học khu với công ty xuất bản. Chi phí SGK do trường chi trả. Các em dùng sách tại trường, không mang về nhà.
Ở Đức, đầu năm nhà trường phát, cuối năm trả lại, học sinh giữ gìn rất cẩn thận. Mỗi năm, học sinh nào mượn sách sẽ ghi tên, lớp lên trang đầu tiên của sách. Việc học là miễn phí. Còn ở Nhật Bản, SGK cũng có nhiều bộ và học sinh không cần phải mua. SGK sẽ phát miễn phí cho học sinh ở các trường công. Các trường tư nhân hoặc bán công thường tính phí mua sách vào trong học phí.
Trở lại với đề xuất của Bộ GDĐT, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Liên đoàn Giáo dục độc lập Australia bày tỏ: Vậy câu hỏi đặt ra là việc dùng ngân sách nhà nước để mua SGK có khả thi không? Có giải quyết được tận gốc những bức xúc của dư luận về sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục không? Câu trả lời là không.
Ông Hiền băn khoăn, nếu SGK chúng ta xem là tài liệu phục vụ cho việc dạy học vậy tại sao nó không phải là nguồn miễn phí cho học sinh? Việc thương mại hóa SGK phổ thông liệu có đang đi ngược lại sứ mệnh của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa không?
Một nền giáo dục đại chúng, công bằng và bình đẳng trong tiếp cận và mọi nguồn lực giáo dục và không học sinh nào bị bỏ lại phía sau. Hiện đang có những yếu tố thương mại xâm lấn vào hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Việc tăng giá SGK gấp 3 - 4 lần chỉ vì “giấy đẹp, khổ to” là một minh chứng rõ ràng.
Về giải pháp cho SGK ở Việt Nam, ông Hiền đề xuất, trước hết cần phải xóa bỏ ngay tư duy lỗi thời đồng nhất chương trình giáo dục với chương trình SGK. Nếu tiếp tục cách tiếp cận này chúng ta vẫn chưa thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay. SGK chỉ nên được xem như tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho quá trình giáo dục.
Bộ GDĐT có thể dùng ngân sách mua bản quyền của các nhà xuất bản một lần và phát hành miễn phí ở dạng sách điện tử, hoặc có thể in sách giấy cho các thư viện trường học để mọi tầng lớp học sinh hoặc giáo viên đều có thể tiếp cận.