Học một bài, thi một bài khác
Em Nguyễn Phúc Minh, học sinh lớp 10 Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có điểm khác biệt rõ ràng so với cách học ở bậc THCS. Đó là ở trên lớp, các em học một bài và chỉ phải chuẩn bị kỹ càng bài đó, kết hợp với chú ý nghe kỹ cô giảng trên lớp là đã có thể đọc hiểu văn bản, yên tâm đi thi.
'Bạn nào chăm hơn thì có thể đọc thêm các kiến thức xung quanh tác giả, tác phẩm đó để mở rộng, hiểu sâu sắc thêm còn không thì cũng cầm chắc điểm trên trung bình nếu nắm được các kiến thức cơ bản về tác phẩm như sách giáo khoa dạy. Nhưng với chương trình mới, khi kiểm tra là một văn bản mới hoàn toàn, các kỹ năng mặc dù đã được cô giáo dạy nhưng với dân không chuyên rất khó để thành thạo ngay, chưa nói đến áp dụng nhuần nhuyễn' - Minh chia sẻ.
Trên thực tế, môn Ngữ văn hiện nay không chỉ dạy phân tích, giảng bình một vài văn bản văn học trong chương trình mà thầy cô phải thay đổi cách dạy, dạy học sinh tập làm văn, hướng học sinh kết nối kiến thức và kỹ năng với cuộc sống qua 4 hoạt động chính. Đọc hiểu, Thực hành tiếng Việt, Viết, Nghe và Nói. Mục tiêu là giúp học sinh hiểu và vận dụng hiệu quả kỹ năng đọc hiểu văn bản bất kỳ cùng thể loại.
Tuy nhiên, như chia sẻ của một giáo viên Ngữ văn thuộc một quận ngoại thành Hà Nội, khi điểm đầu vào của học sinh ở mức chưa đến 5 điểm/môn, một tiết học 45 phút trên lớp có khi chưa đọc xong văn bản trong sách giáo khoa. 'Rất ít học sinh soạn trước bài ở nhà nên lên lớp cứ dạy vào bài luôn là các em không nắm được. Dành thời gian để đọc văn bản, hướng dẫn xong về đặc điểm thể loại là gần như hết giờ' - cô giáo này nói và cho rằng cách học ở cấp 2 là các em sẽ được thầy cô hướng dẫn sẵn dàn ý bài văn, trên cơ sở đó triển khai còn hiện nay, với văn bản mới, giáo viên không gợi ý là học sinh chỉ có thể 'cắn bút'.
Một giờ học tại lớp 10B1, Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, trong 20 năm đồng hành với học sinh, rất nhiều em đến năm lớp 12 mới thay đổi tổ hợp xét tuyển. Năm học này việc lựa chọn thực hiện ngay từ lớp 10 nên cũng gây lúng túng cho nhiều gia đình. Nhà trường căn cứ trên điểm đầu vào và nguyện vọng của học sinh, gia đình để tư vấn cho các em chọn tổ hợp môn học, quan điểm là tôn trọng nguyện vọng của mỗi học sinh.
Vì vậy, sau 2 tháng triển khai dạy học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có một số học sinh đang bộc lộ sự không thích ứng với sự lựa chọn và khó khăn khi theo học chương trình mới. Không chỉ là vấn đề kiến thức chưa chắc chắn từ cấp học dưới mà lên lớp 10, phương pháp học mới, cách tiếp cận môn học mới, đề cao việc tự học, tính chủ động của học sinh, học trên lớp thôi không là chưa đủ.
Để thầy - trò không loay hoay tự đổi mới
Không chỉ môn Ngữ văn mà việc đổi mới dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 diễn ra ở tất cả các môn học. Như ở môn Toán có nội dung về thống kê là hoàn toàn mới, giáo viên gần như phải chuẩn bị, học hỏi từ đầu. Bà Lê Phương Lan, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, đặc điểm của chương trình môn Toán lớp 10 mới là không hàn lâm nhưng để dạy được học sinh hiểu, vận dụng giải các bài toán trong thực tế thì khó hơn, giáo viên và cả học sinh đều phải có sự chuẩn bị trước ở nhà.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) khẳng định, đội ngũ giáo viên nhà trường phần lớn là các thầy cô giáo trẻ, nhiệt huyết với sự quan tâm, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường, sự hỗ trợ tận tình của các tổ chuyên môn nên dù có những lúng túng ban đầu nhưng đội ngũ giáo viên đang từng bước khắc phục khó khăn. Với học sinh, do còn nhiều bỡ ngỡ với cả trường mới, cách học, chương trình mới nên cần thời gian để các em bắt nhịp, thích nghi, không thể nóng vội.
Chia lửa khó khăn với các đồng nghiệp và học sinh khi học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phạm Văn Quang - Trưởng ban môn Toán trường Phổ thông liên cấp quốc tế Dewey cho rằng, điểm tuyệt vời của chương trình giáo dục phổ thông mới là nội dung kiến thức gắn với thực tiễn.
'Trước là học chay, bây giờ là học ứng dụng. Điều này vừa là thuận lợi khi tạo hứng thú cho học sinh, giáo viên nhưng cũng đòi hỏi giáo viên trang bị thêm những kiến thức thực tế ngoài kiến thức sách vở để sẵn sàng giải đáp cho học sinh. Học sinh cũng phải tự trải nghiệm, tự học nhiều hơn mới có thể theo kịp chương trình' - ông Quang nói.