Niềm vui đến trường của học sinh Trung học phổ thông.
Ngày 4/7, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GDĐT đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, ngay từ năm học 2022-2023.
Dù mới chỉ ở mức đề xuất nhưng điều đó cũng đã phần nào giúp cởi bỏ nỗi lo canh cánh của nhiều phụ huynh có con đang ở độ tuổi đến trường, để họ hy vọng sẽ không phải đóng học phí theo mức mới.
Chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS là chủ trương nhân đạo, đặc biệt ý nghĩa đối với những gia đình thu nhập thấp. Trong khi nhiều địa phương vẫn coi học phí là nguồn thu chính cho giáo dục, thì cũng có nơi từng bước miễn học phí.
Cụ thể là thành phố Hải Phòng - địa phương đầu tiên trong cả nước miễn 100% học phí, không chỉ cho học sinh THCS mà miễn học phí cho tất cả học sinh từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông (THPT), và đã thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với học sinh mầm non và THCS, từ năm học 2021-2022 đối với học sinh THPT.
Trước đó, “ý tưởng” miễn học phí cho học sinh THCS cũng đã được TPHCM nêu ra từ năm 2018, với cam kết dùng ngân sách thành phố để cấp bù. Nhưng rất tiếc là sau đó đề xuất đã không được phê duyệt vì vướng thủ tục và quy định hiện hành.
Như vậy, có thể thấy rằng miễn học phí cho học sinh THCS không phải là việc quá khó đối với địa phương (trừ những địa phương nghèo, nguồn thu ít), mà chủ yếu là vướng các quy định, quy chế. Vì vậy, đề xuất của Bộ GDĐT về việc miễn học phí cho học sinh THCS có thể coi là căn cứ để các cấp có thẩm quyền xem xét và sớm tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương thực hiện.
GS.TS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với đề xuất của Bộ GDĐT. Ông cho rằng việc miễn học phí cho cấp THCS nếu được thực hiện thì chắc chắn sẽ rất tốt và không có lý do gì để trì hoãn nữa bởi THCS là cấp phổ cập nên cần phải được miễn học phí.
Ông Thi cũng cho rằng, với đề xuất của Bộ GDĐT thì Bộ Tài chính cần lên tiếng. Bởi khi miễn học phí bắt buộc phải có một nguồn tài chính khá lớn, ổn định và bền vững, do không chỉ miễn trong năm học 2022-2023 mà còn cả những năm sau đó. Vẫn theo ông Thi, nếu chưa đủ điều kiện thì không nhất thiết phải phổ cập toàn quốc, địa phương nào đáp ứng được thì triển khai trước, “đừng chờ nhau nữa”.
Tương tự, PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS, tuy nhiên cần phân tích những tác động xã hội mà nó mang lại. Đi xa hơn, bà An nói: “Phải khẳng định, về lâu dài chính sách này là tốt, không chỉ THCS mà cả THPT cũng cần được miễn học phí. Tất nhiên cũng cần xem xét, đánh giá tất cả các ảnh hướng, tác động đến ngân sách, nhà trường, giáo viên, phụ huynh… như thế nào”.
Bà An cũng lưu ý, trước khi thực hiện thì phải giải quyết được rõ ràng câu hỏi ngân sách lấy từ đâu, địa phương hay Trung ương từ đó xây dựng lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ với miễn học phí, Bộ GDĐT cũng cần có những giải pháp, chế tài quản lý nhiều khoản đóng góp ngoài học phí trong nhà trường, tránh dẫn tới tình trạng lạm thu. “Có nghĩa là Bộ GDĐT cần minh bạch những khoản phụ thu bắt buộc để người dân được biết, tránh những khoản phí vô lý” - bà An nói.
Từ địa phương, bà Nàng Xô Vi (đại biểu Quốc hội đoàn Kon Tum) bày tỏ sự vui mừng trước đề xuất của Bộ GDĐT về việc miễn học phí cho học sinh THCS ngay từ năm học mới sắp tới.
“Tôi đồng tình với đề xuất này, không chỉ miễn học phí cấp THCS mà tiến tới nên triển khai miễn ở cấp học khác nữa, như THPT chẳng hạn. Có như vậy, phụ huynh mới giảm bớt được một phần gánh nặng khoản chi đầu năm học mới, đặc biệt với những gia đình hoàn cảnh khó khăn” - vị nữ đại biểu Quốc hội người Brâu nói.
Đề xuất miễn học phí với bậc học THCS cũng được nhiều giáo viên ủng hộ. Cô giáo Dương Thị Hải Yến (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) nói: “Bản thân tôi thấy rất mừng khi nghe được thông tin dự thảo miễn học phí cho học sinh bậc THCS. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến GDĐT, tạo điều kiện tốt cho con em nhân dân ở mọi đối tượng, ở các địa phương có điều kiện để học tập”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, số tiền học phí bậc THCS cũng không quá lớn: Học phí bậc THCS cả nước thu mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Con số này, nếu chia bình quân cho 63 tỉnh, thành thì không nhiều, trong khi nếu miễn thì lại tạo tâm lý rất tốt cho học sinh, cho phụ huynh, cho nhân dân cả nước.
Như vậy, nếu học phí bậc THCS được miễn từ năm học 2022-2023 sẽ là “món quà” ý nghĩa cho dân, khi mà chúng ta vừa thoát ra khỏi đại dịch Covid-19 kéo dài tới hơn 2 năm và nay lại đối mặt với “bão giá”. Mà không chỉ có vậy, nó sẽ là “hành lang pháp lý” để thực hiện lâu dài cho các thế hệ tiếp sau.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong đó quy định UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực GDĐT; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí áp dụng trong lĩnh vực GDĐT đối với các dịch vụ chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương; quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT; quyết định giá đặt hàng dịch vụ trong lĩnh vực GDĐT thuộc danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khung hoặc mức học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập.
Như vậy có thể hiểu việc miễn giảm học phí, mức thu học phí thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.