Theo thông tin ban đầu, khoảng 15h ngày 20/8, sau khi nhận tin báo của người dân về việc có một đám đông thanh, thiếu niên tụ tập ở khu đồi thông, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để đánh nhau, Phòng Cảnh sát cơ động đã cử một tổ công tác nhanh chóng đến hiện trường.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện có 12 thanh, thiếu niên nam, nữ. Trong đó, có 2 nữ sinh đang đánh một em nữ khác. Bên ngoài, có một số thanh, thiếu niên đứng xem và dùng điện thoại quay lại clip.
Ngay sau đó, tổ công tác đã khống chế đưa tất cả về Công an xã Hòa Thắng để làm việc.
Bước đầu, cơ quan công an làm rõ, nhóm thanh thiếu niên nói trên mới chỉ từ 13 đến 19 tuổi. Trong đó, có nhiều em đang là học sinh của các Trường THPT ở TP Buôn Ma Thuột.
Nguyên nhân của vụ việc là do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook giữa 2 em nữ sinh lớp 11. Đến chiều 20/8, một em đã rủ thêm bạn bè và hẹn em kia ra khu vực đồi thông đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn.
Rất may vụ việc đã được lực lượng ngăn chặn kịp thời và bàn giao cho Công an xã Hòa Thắng để tiếp tục hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn học được đưa về công an giải quyết
Nói về bạo lực học đường vẫn thường xuyên xảy ra trong thời gian vừa qua, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp Hội tâm lý giáo dục cho rằng muốn giải quyết căn bản tình trạng bạo lực học đường thì bản thân gia đình và nhà trường phải kết hợp rất tốt trong việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh đang ở lứa tuổi nổi loạn.
Ngoài ra, các cơ quan an ninh cần vào cuộc và có biện pháp mạnh với những người có hành vi hành hung, đánh người.
'Cùng với giáo dục tâm lý, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi côn đồ đó bằng luật pháp, bằng chế tài xử phạt mạnh tay như một hình thức răn đe với học sinh. Các chế tài quá nhẹ cũng là một trong số nguyên nhân để bạo lực học đường tiếp tục xảy ra', thầy Lâm nói.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Phương Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), để giải quyết vấn đề bạo lực học đường nhà trường ngoài việc thông tin cho các em học sinh những kiến thức chung về thực trạng bạo lực học đường hiện nay và cách nhận biết về bạo lực học đường thì cần nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc ứng xử về văn hóa học đường và đi vào thực hiện nghiêm túc.
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường chính là những quy chuẩn để cán bộ giáo viên và các em học sinh thực hiện quy định chung của nhà trường qua đó góp phần phòng chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay.
Cũng theo cô Nguyễn Phương Anh, để hạn chế tối đa tình trạng bạo lực học đường, giáo viên chủ nhiệm cũng như các chuyên viên tư vấn học đường cũng phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm các biểu hiện dẫn đến xung đột học đường, nhất là chia sẻ cùng các em những khó khăn tâm lý trong mối quan hệ, trong đó có quan hệ tình yêu nam nữ.
Cùng với đó, nhằm can thiệp và phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý của học sinh, ngành giáo dục cần có chương trình giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong các nhà trường từ bậc học mầm non.
Bộ phận y tế học đường cần có đội ngũ có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn làm công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh.
Việc cải tiến chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải cần được tiến hành song song với việc giảm áp lực, căng thẳng trong học tập của học sinh.
Các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường cần tạo ra những sân chơi sôi nổi, bổ ích nhằm giúp học sinh gần gũi và đoàn kết với nhau hơn, đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh.
'Chăm sóc sức khoẻ tinh thần là điều kiện nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Có thể khẳng định, việc chăm lo đời sống tinh thần, tâm lý của học sinh là khá phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, khéo léo, sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội.
Cần nhận thức đầy đủ về tác hại trước mắt và lâu dài của hiện tượng rối nhiễu tâm lý trong học sinh và có biện pháp khắc phục kịp thời bởi đây chính là những chủ nhân thực sự của đất nước trong tương lai', cô Phương Anh cho hay.