Chuyện học thêm của học sinh là chuyện 'nói mãi không hết' từ xưa đến nay. Dù Bộ GD-ĐT đã có văn bản cấm dạy thêm học thêm nhưng nhu cầu được cho con 'học cả thế giới' của nhiều ông bố bà mẹ là có thật. Ngoài thời gian học chính khóa ở trường, họ đăng kí cho con thêm đủ thứ môn học.
Tuy nhiên, đầu tư chọc thêm cho con đến 1 tháng... 20 triệu như ông bố sau đây thì đúng là khiến dân tình... lác mắt. Bởi thế cho nên, chia sẻ 'thật lòng' của anh này ngay lập tức gây 'sóng gió' trên mạng xã hội.
Chia sẻ thu hút quan tâm của ông bố.
Phụ huynh này kể:
Tiền học thêm trung bình một tháng của con nhà em đã là hơn 20 triệu (đó là chưa tính tiền học chính và học thêm ở trường). Tất cả các khoản học thêm đó đều do mình vợ em đăng ký, còn tiền học lẫn tiền chi tiêu trong gia đình đều do em chi trả, vợ em không đi làm, chỉ ở nhà làm đỡ em việc nhà với bán hàng online lặt vặt thôi nên em không bắt phải góp tiền cho gia đình.
Không phải em tiếc rẻ gì đâu nhưng thực tình bắt con nó học nhiều quá đủ các môn toán lý hoá, tiếng Anh, tiếng Hàn. Sáng trưa chiều tối kể cả ngày nghỉ hầu như lúc nào cũng phải đi học. Cháu nó cũng tâm sự là cảm thấy mệt mỏi áp lực và không theo kịp tất cả các chương trình học nhưng vợ em không nghe còn mắng là lười, kém cỏi.
Nhiều lúc em bênh con bảo học nhiều như thế sao con nó chịu được nhưng vợ vẫn bảo thủ nói rằng phải như thế mới giỏi được. Trong khi bản thân vợ thì trái ngược lại, thời đi học cô ấy rất lười học, bỏ học đi chơi suốt ngày, chỉ cố học đến lớp 11 xong bỏ.
Dưới bài đăng, nhiều người cho rằng anh này đang... nói phét để khoe mẽ, bởi học gì cũng không thể tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, anh này khẳng định mình đang nói sự thật, và việc tâm sự lên đây là để giải tỏa nỗi lòng và xin mọi người lời khuyên chứ khoe khoang cũng chẳng ai biết cả.
Phụ huynh vừa hoài nghi vừa lên tiếng chỉ trích.
Bài đăng sau đó cũng nhận về hàng ngàn bình luận và chia sẻ. Hầu hết đều có chung ý kiến rằng vợ anh này quá bảo thủ mà anh làm chồng cũng không có tiếng nói, cuối cùng người chịu khổ là đứa trẻ.
Nhiều người còn nhận xét, ép con học ngày học đêm trong khi mẹ 'bỏ học đi chơi suốt ngày, chỉ cố học đến lớp 11 xong nghỉ' thì chẳng khác nào bắt con sống với ước mơ của bản thân.
'Chắc tại vợ anh thấy ngày xưa học ít sau này khổ nên bắt con học, mỗi tội làm không đúng cách. Như này chẳng mấy con bị trầm cảm. Giờ ai bắt con học nhiều thế nữa, thích cái gì thì học, thiên tài nó cũng chẳng giỏi hết mọi lĩnh vực được. Tôi bằng thạc sĩ với đống chứng chỉ bằng cấp ngoại ngữ các kiểu mà chỉ mong con sau này hạnh phúc với theo đuổi được sở thích bản thân là đủ mừng rồi', một người nhận xét.
Ý kiến khác cho rằng: 'Không hiểu thời gian đâu mà đứa trẻ có thể học chừng ấy môn học. Trong khi cả ngày đã học ở trường rồi? 'Cha mẹ độc hại' từ chương trình truyền hình đến sách cũng có luôn. Tôi nghĩ nếu bạn làm cha mẹ thì ít nhất hãy tìm đọc cuốn sách đó 1 lần'.
'Yêu' con thế này bằng 10 hại con
Tâm lý nặng nề về điểm số, xếp hạng, sĩ diện… nên bố mẹ luôn mong muốn con được học trước kiến thức, phải trở thành 'thần đồng' trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Căn bệnh thành tích trong học hành, thi cử đã bám sâu vào suy nghĩ của phụ huynh khiến nhiều trẻ tuy mới chỉ học bậc tiểu học đã phải chịu nhiều áp lực trong việc học hành, thi cử.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, ép trẻ học thêm nhiều sẽ khiến chúng giảm hứng thú, xuất hiện tâm lý sợ học, chán học. Từ đó, trẻ không còn cảm nhận niềm vui đi học, giảm hứng khởi, thiếu sự sáng tạo. Trẻ cũng có thể đẩy mình vào thế căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi với những áp lực học tập.
Nhiều khi, cha mẹ không thấu hiểu nhu cầu của con cái và ngược lại. Cha mẹ muốn nhưng trẻ lại không, trẻ cần nhưng cha mẹ không đáp ứng. Với tâm lý 'học vì cha mẹ' (không học là không xong, điểm kém sẽ la rầy), trẻ học như một con vẹt, như một cỗ máy chứ không học say mê, dẫn đến việc học để đối phó, học đó rồi quên đó chứ không lưu vào bộ não.
Điều đó còn dẫn tới nguy cơ phá vỡ mối quan hệ thân tình, phá vỡ sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Lâu dài, trẻ cảm thấy dễ bị stress, cảm thấy cha mẹ chính là người gây sức ép cho mình, trẻ sợ đối mặt với bố mẹ, từ đó giữa bố mẹ và con cái thiếu sự chia sẻ là điều rất nguy hiểm.
Làm cha mẹ ai chẳng muốn con mình ngoan, học giỏi, được vào những trường điểm. Nhưng không phải vì thế mà uốn nắn con vào 'kỷ luật thép' khắc nghiệt, kỳ vọng quá nhiều vào con, đòi hỏi con bằng mọi giá phải theo tiêu chuẩn mà ba mẹ đề ra. Điều đó đi ngược lại với tự nhiên, học không theo khoa học.
Mục tiêu của học sinh là vui chơi, học kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử. (Ảnh minh họa)
Ước vọng lớn nhất của cha mẹ là sự thành công của con. Nhưng vì thế mà chúng ta đang áp đặt quá nhiều kỳ vọng và ước mơ của mình lên con trẻ. Đã bao giờ bạn ngừng lại một chút và tự hỏi: 'Ước mơ thực sự của con là gì? Con có hạnh phúc khi thực hiện ước mơ đó của bạn?'
'Tôi cho rằng mục tiêu của học sinh là vui chơi, học kỹ năng mềm, giao tiếp, ứng xử, tạo cảm hứng trong việc học, và tập trung vào điều làm các em hứng thú nhất, chứ không phải tập trung vào ganh đua điểm cao thấp các môn theo mong muốn cha mẹ.
Cái cần nhất sau này cho các em khi ra trường là kỹ năng mềm. Có cảm hứng trong cuộc sống và công việc thì các em mới có thể tự học. Tự học hỏi mới là chính yếu. Học thêm thật nhiều cũng chẳng thể so sánh với khả năng yêu thích tự học hỏi của mỗi học sinh. Bạn ép học thêm nhiều khi còn phản tác dụng, gây hại chứ không có lợi cho con cái', một phụ huynh nêu ý kiến.