Giáo viên hướng dẫn bài tập cho học sinh ở trên lớp. Ảnh minh họa.
Theo đó, thông tư quy định nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, gồm: việc thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.
Đối với việc thực hiện quy định về chuẩn cơ sở đào tạo, quy chế tuyển sinh đại học, thông tư quy định nội dung thanh tra gồm: việc ban hành văn bản quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác thanh tra nội bộ và việc thực hiện quy định về tổ chức và hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
Cùng với đó là thanh tra việc thực hiện quy định về chuẩn cơ sở đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh; quy chế đào tạo; liên kết đào tạo; quy định về mở ngành đào tạo; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình; việc in, quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học…
Thông tư cũng quy định rõ nội dung thanh tra chuyên ngành về thi, tuyển sinh đối với trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học trong đó có cấp THCS và THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, Thông tư 28 cũng quy định các nội dung thanh tra chuyên ngành đối với các sở GD&ĐT, thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.
Thông tư 28 vừa được ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2025.
Điều 7 quy định về nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, gồm:
- Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
- Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.
- Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.
- Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.
- Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.
Dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Một trong những điểm mới là quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp; giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, thông tư mới quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: Học sinh yếu kém; học sinh giỏi, học sinh ôn thi cuối cấp.
Đặc biệt, điểm mới đáng lưu ý trong thông tư mới này là bất cứ giáo viên nào dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cần phải công khai thông tin về danh sách giáo viên dạy thêm, mức tiền, thời gian, thời lượng… trước khi tuyển sinh.