Thay vì thi 6 môn như trước đây, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ còn 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn thí sinh được lựa chọn trong 9 môn khác, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Giảm 2/3 số lượng tổ hợp
Theo nhận định của các chuyên gia tuyển sinh, với phương án này, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đúng nghĩa là kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ, thí sinh nếu chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT sẽ giảm áp lực thi cử.
Tuy nhiên, với các trường ĐH, đặc biệt là trường 'hot', thì sẽ không dễ dàng khi phải thay đổi phương án tuyển sinh. Tính toán cho thấy với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, tổ hợp xét tuyển ĐH sẽ giảm hơn một nửa.
Theo GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, với 4 môn thi, trong đó có 2 môn thí sinh tự chọn, số lượng tổ hợp các môn thi là 36. Số lượng tổ hợp này chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng tổ hợp dùng xét tuyển hiện nay là 80. Do đó, số lượng tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025 nhiều khả năng sẽ ít và đơn giản hơn.
Với cách thi hiện nay, thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên, cùng lúc sẽ dùng được nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH như A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hóa, sinh), D01 (toán, văn, tiếng Anh) hay A01 (toán, lý, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh).
Còn với phương án thi mới, thí sinh bị hạn chế số lượng tổ hợp xét tuyển hơn, chỉ có thể chọn xét tuyển nhiều nhất với 2 tổ hợp. Việc tuyển sinh dựa trên tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội sẽ phá sản. Một trường muốn tuyển sinh bằng tổ hợp toán + khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc văn + khoa học xã hội (sử - địa - giáo dục công dân) sẽ không còn thực hiện được.
'Với phương thức thi 2+2, quan niệm về khối thi truyền thống cũng không còn nữa. Vì thế, trường ĐH nếu tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ phải chọn các tổ hợp khác' - GS-TS Nguyễn Quý Thanh nhận xét.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023Ảnh: HỮU HƯNG
Tính lại phương thức tuyển sinh
Điều này được dự báo là ít nhiều sẽ tác động tới tỉ lệ chỉ tiêu các trường dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ các mùa tuyển sinh trước cho thấy trung bình các trường ĐH dành khoảng 50% - 60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng cho rằng với phương án thi tốt nghiệp 2+2, các trường sẽ gặp khó khăn bởi tổ hợp để xét tuyển ĐH sẽ giảm.
'Nếu dùng điểm thi tốt nghiệp để xét vào ĐH thì số tổ hợp xét tuyển sẽ giảm đáng kể. Học sinh phải được hướng nghiệp chính xác mới có thể xét tuyển đúng vì mỗi em chỉ còn 1-2 tổ hợp xét tuyển' - hiệu trưởng này dự báo.
Theo hiệu trưởng nêu trên, việc chỉ thi 4 môn sẽ làm thay đổi rất nhiều trong việc xét tuyển ĐH. Để tuyển được những thí sinh phù hợp nhất, các trường ĐH sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy...
Liên quan phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025, nhiều trường ĐH đã chủ động các phương án xét tuyển, không chỉ lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định việc giảm số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến các trường ĐH phải tính toán cân đối tổ hợp xét tuyển. Bởi lẽ, số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp khoa học tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm.
'Do đó, thí sinh nên chuẩn bị thêm các chứng chỉ tiếng Anh, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy của các trường ĐH để có thêm cơ hội xét tuyển bằng nhiều phương thức' - ông Điền khuyên.
PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cũng cho hay nhà trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với cách thức, nội dung thi tốt nghiệp THPT. Trường này cũng nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường.
'Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp một số tiêu chí khác mà trường đang sử dụng, như chứng chỉ ngoại ngữ, để xét tuyển' - ông Triệu thông tin.
Cần số liệu dự báo lựa chọn của thí sinh
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay là không tiếp cận được số lượng học sinh đăng ký học các tổ hợp tự chọn ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở từng tỉnh, thành phố. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dữ liệu này hằng năm thì các trường ĐH sẽ thuận lợi hơn trong việc phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định.
Trên thực tế, các trường cần thêm thời gian để đánh giá sâu, từ đó có các quyết định toàn diện về phương thức tuyển sinh, đặc biệt là các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025, nhằm bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia xét tuyển.
PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng khó khăn nhất hiện nay là việc dự báo thí sinh lựa chọn theo hướng nào. 'Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cho học sinh đăng ký sớm những môn tự chọn để các trường có kế hoạch tổ chức thi cũng như xét tuyển' - ông Chương đề nghị.