Ảnh: Baijiahao
Khi Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) qua đời, quân đội Mông Cổ vẫn đang trên đường chinh phạt Tây Hạ. Vị thủ lĩnh tử trận nhưng quân Mông quyết tâm bưng bít thông tin, không để kẻ thù biết được.
Chính vì điều này mà nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn là bí ẩn với nhân loại, rất nhiều dị bản xuất hiện trong các tài liệu lịch sử, với những ghi chép khác nhau về cái chết của ông. Trong đó, bốn dị bản dưới đây được các nhà sử học đánh giá là có khả năng xảy ra nhất.
1. NGÃ NGỰA
Cuốn chính sử của Mông Cổ mang tên 'Mông Cổ bí sử' (hay 'Bí sử triều Nguyên') là ghi chép lâu đời nhất có đề cập đến cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Cuốn sách ban đầu được viết bằng tiếng Mông Cổ, nhưng bản gốc bị thất lạc từ lâu nay chỉ còn bản dịch tiếng Trung.
Theo bản dịch này, một năm trước khi chinh chiến tại Tây Hạ, tình trạng sức khỏe của Đại Hãn đã chuyển biến xấu. Trong một lần đi săn, ông còn ngã ngựa và bị thương nặng, nhiều lần sốt cao. Vào thời điểm đó, kế hoạch tấn công của Tây Hạ đã được quyết định nhưng Thành Cát vẫn vài lần tính tới chuyện rút lui.
Thủ lĩnh Mông Cổ có thể chiến thắng mọi quân đội hùng mạnh nhưng không thể chiến thắng quy luật của tự nhiên (Ảnh: Internet)
Trong một cuộc đàm phán giữa các sứ thần, đại thần Tây Hạ, A Hợp, đã ngạo mạn nói rằng: 'Nếu bây giờ Mông Cổ muốn khiêu chiến, ta có núi Hạ Lan làm nơi đóng quân, có vải bố nâu làm lều, có đầy đủ lạc đà mang vác quân lương. Nếu quân Mông muốn thì cứ tới Hạ Lan mà tìm gặp, nếu người Mông Cổ thiếu vàng bạc, ngựa, quân lương thì tới Ninh Hạ, Lương Châu mà lấy.'
Nghe những lời này, Thành Cát gầm lên giận dữ: 'Hắn nói lời xấc láo như vậy sao chúng ta có thể rút quân được? Chết ta cũng phải đánh'. Vậy là thủ lĩnh Đại Cát ra trận trong cơn bạo bệnh.
Mặc dù đã tiêu diệt được Tây Hạ, nhưng kết cục là vị vua Mông Cổ cũng bỏ mạng trong doanh trại. Người ta tin rằng ông đã chết vì bệnh quá nặng nhưng là bệnh gì thì không có sách sử nào ghi rõ.
2. SÉT ĐÁNH
Một giai thoại khác được thuật lại bởi đại sứ giáo hoàng La Mã Cabine khi đến Trung Quốc cho biết, cái chết của Thành Cát là do sét đánh. Trên thực tế, thời tiết ở các thảo nguyên Mông Cổ rất khắc nghiệt, thường xảy ra giông bão nên sét đánh cũng là điều dễ xảy ra.
Theo quan niệm của người Mông Cổ, chữ 'hiếu' là tối quan trọng. Những kẻ bất hiếu với cha mẹ sẽ bị sét đánh chết. Thành Cát Tư Hãn từng khiến mẹ tức giận đến chết vì vậy ông không sợ bất kì ai nhưng rất sợ mỗi khi trời đổ mưa.
Có lẽ vì điều này là đại sứ La Mã tin rằng Đại Cát đã chết vì sét đánh.
Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn từng đi qua nhiều nơi, thảm sát hàng trăm nghìn người (Ảnh: Baijiahao)
Cũng có truyền thuyết khác kể rằng, Thành Cát Tư Hãn từng thảm sát hàng trăm nghìn người. Có một lần trên chiến trận, vị vua Mông Cổ giết người tới mức con ngươi mắt chỉ trông thấy một màu đỏ quạch, tiếng gào khóc ở khắp nơi nhưng ông không tha cho họ.
Bỗng nhiên trời tối sầm, mưa giông kéo tới, một tia sét đánh thẳng xuống kết liễu cuộc đời 'chiến thần' Mông Cổ. Giả thuyết này đậm màu sắc thần thoại và có vẻ thiếu thực tế.
3. TRÚNG TÊN TỬ TRẬN
Có thể Đại Hãn đã tử trận khi chiến đấu tại Tây Hạ (Ảnh: Baijiahao)
Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn bị trúng mũi tên độc vào đầu gối khi chiến đấu ở Tây Hạ, cuối cùng không qua khỏi. Đây là ghi chép trong di cảo của thương nhân người Ý Marco Polo trong thời gian ông tới Trung Quốc làm ăn năm 1275.
Cuốn sách sử Mông Cổ 'Thánh vũ cận thân chính ký' cũng ghi nhận 3 lần Thành Cát bị trúng tên: năm 1202, năm 1212 và trùng hợp có một lần năm 1226 trong trận đánh Tây Hạ.
4. CÁI CHẾT LY KỲ NHẤT: CHẾT DƯỚI TAY PHI TẦN
Một trong những dị bản ly kỳ nhất về cái chết của Thành Cát Tư Hãn được tìm thấy trong cuốn sách 'Mông Cổ Nguyên Lưu' thời nhà Thanh.
Thành Cát có hậu cung 500 thê thiếp, đều là vợ và con gái của những kẻ thù bại trận (Ảnh: Internet)
Sách sử ghi lại, khi Mông Cổ đem quân đi chinh phạt, binh lính đã bắt được vương phi Tây Hạ Gurbeljin Gowa Hadon dâng lên cho Thành Cát. Vương phi Tây Hạ xinh đẹp sống bên Đại Hãn luôn nhẫn nhục chịu đựng, tìm cơ hội trả thù cho dân tộc mình.
Trong một đêm đầu tiên hầu hạ vị vua Mông Cổ, vương phi Tây Hạ dùng dao sát hại Thành Cát khi ông đang say giấc, sau đó bà gieo mình xuống sông Hoàng Hà tự tử.
Truyền thuyết Mông Cổ cũng từng 'chế biến' câu chuyện này thành: vương phi Tây Hạ đã dùng răng cắn lìa 'của quý' của 'chiến thần' Mông Cổ, ông chết vì mất máu và quá xấu hổ. Tuy nhiên không có sử sách nào ghi lại chi tiết này, dị bản này là vô căn cứ.
Bài viết tham khảo nguồn Qulishi, Baizhan, Baijiahao