Theo Guardian, một nhóm các nhà khoa học New Zealand tin rằng cây vân sam Sitka (Picea sitchenis), được coi là ‘cây cô đơn nhất thế giới’ trên đảo Campbell, có thể sẽ giúp giải mã những bí ẩn khó lý giải về biến đổi khí hậu.
Cây vân sam trên đảo Campbell cao 9 m và hiện giữ kỷ lục Guinness Thế giới là cây cô đơn nhất hành tinh. Đây cũng chính là cây thân gỗ duy nhất trên hòn đảo Campbell lộng gió, nhiều cây bụi, cách New Zealand tới 700 km về phía nam ở Nam Đại Dương. Đặc biệt, trong vòng 222 km xung quanh, vân sam Sitka cũng là cây duy nhất ở đó. Cây gần nhất của vân sam Sitka mọc trên quần đảo Auckland, New Zealand, cách đảo Campbell gần 300 km.
Cây vân sam Sitka là cây thân gỗ duy nhất trên đảo Campbell. Ảnh: Ellen Rykers/ Atlasobscura
Theo các nhà sinh vật học, cây vân sam Sitka được coi là một loài xâm lấn và làm mất sự đa dạng sinh học của vùng. Tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Jocelyn Turnbull, nhà khoa học carbon phóng xạ tại viện nghiên cứu GNS Science, cây cô đơn nhất thế giới này có thể là một công cụ hữu ích để giúp lý giải về những gì đang xảy ra với quá trình hấp thụ CO2 tại Nam Đại Dương.
Tiến sĩ Jocelyn Turnbull cho biết: 'Trong số lượng CO2 mà con người tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chỉ có khoảng một nửa là được giữ lại ở trong khí quyển, nửa còn lại thì đi vào đất liền và đại dương. Hóa ra Nam Đại Dương chính, một trong những bể chứa carbon, đã nhận khoảng 10% tổng lượng khí thải mà chúng ta tạo ra trong 150 năm qua'.
Tiến sĩ Turnbull đã làm việc với nhóm dự án Thử thách Khoa học Quốc gia Deep South của New Zealand, Nền tảng Khoa học Nam Cực, Viện Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra với carbon ở Nam Đại Dương.
Các chuyên gia đã đặt ra hai câu hỏi chính. Đó là nếu carbon chìm xuống lấp đầy đại dương thì sự ấm lên toàn cầu có gây ra sự tăng tốc mạnh của hiện tượng ấm lên toàn cầu hay không? Hoặc, chúng ta có thể khiến những bể chứa này hấp thụ được nhiều carbon hơn và làm giảm sự nóng lên toàn cầu không?
Các nghiên cứu trước đây xem xét về sự hấp thụ carbon của Nam Đại Dương đã đưa ra những kết quả trái ngược nhau. Sự hấp thụ carbon hiện tại được cho là đang tăng lên và Tiến sĩ Turnbull muốn tìm hiểu điều gì đang thúc đẩy quá trình này.
Trên thực tế, lấy mẫu khí quyển được coi là phương pháp tốt nhất để tiến hành đo nồng độ CO2 và có thể bổ sung bằng những mẫu nước sâu. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những hạn chế, chẳng hạn như không thể thu thập mẫu không khí đã có từ hàng chục năm trước.
Bà Turnbull giải thích: 'Chúng tôi đã nảy ra ý tưởng sử dụng vòng cây. Thực vật khi lớn lên sẽ lấy CO2 từ không khí thông qua quá trình quang hợp và chúng sẽ sử dụng khí đó để phát triển các cấu trúc của mình. Do đó, carbon từ không khí sẽ được lưu lại trong các vòng cây'.
Cây vân sam Sitka được các nhà khoa học kỳ vọng là có thể giúp giải mã bí mật về khí hậu ở Nam Đại Dương. Ảnh: Atlasobscura
Những cây để thích hợp cho nghiên cứu này rất hiếm ở Nam Đại Dương. Vì cậy, cây vân sam Sitka trên đảo Campbell có thể sẽ là nguồn cung cấp dữ liệu tốt cho nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Turnbull cho biết thêm: 'Cây vân sam Sitka phát triển nhanh hơn rất nhiều so với bất cứ thứ gì khác trong vùng. Các vòng cây cũng lớn hơn và dễ chia tách ra, lấy dữ liệu hơn'.
Sử dụng máy khoan cầm tay, Tiến sĩ Turnbull đã tiến hành trích xuất một mẫu lõi 5 mm từ cây vân sam này năm 2016, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được công bố.
Cây cô đơn nhất thế giới, ‘nhân chứng sống’ quan trọng
Cây vân sam Sitka được công nhận là 'cây cô đơn nhất thế giới'. Ảnh: Dailymail
Cây vân sam Sitka vốn là loài thực vật bản địa của Bắc bán cầu, nhưng nó sống cách xa đồng loại của mình. Cây này không có hình nón thông thường giống như đồng loại, thay vào đó chúng có hình dáng giống như bông cải xanh.
Cây vân sam Sitka được Guinness công nhận là cây cô đơn nhất thế giới, sau khi cây Ténéré tại sa mạc Sahara bị một người say rượu đâm gãy.
Cây vân sam Sitka không những phải chịu sự 'cô đơn' mà còn cả thời tiết khắc nghiệt ở trên đảo Campbell. Theo đó, đảo Campbell là nơi có khí hậu cận Bắc Cực. Nơi đây cũng là một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới khi có gió mạnh quanh năm, mưa tới 325 ngày/năm, trong khi chưa tới 600 giờ có ánh nắng mặt trời.
Thông thường cây thân gỗ không sống ở nơi có khí hậu khắc nghiệt như đảo Campbell, thay vào đó chủ yếu là cây thân bụi vì chúng chịu được gió và cỏ. Chính sự khác biệt này khiến cho sự tồn tại của cây vân sam Sitka càng trở nên ấn tượng hơn.
Người trồng cây vân sam Sitka này được cho là ông Lord Ranfurly, thống đốc New Zealand vào đầu những năm 1900. Vị thống đốc trồng cây này để kỷ niệm trong một chuyến đi thám hiểm đến đảo Campbell nhằm thu thập những mẫu vật về loài chim cho Bảo tàng Anh. Dù sống sót sau hơn 100 năm, nhưng cây vân sam này vẫn không thể phát triển mạnh mẽ như ở các khu vực khác.
Ngoài ra, có một lý do nữa khiến cây cô đơn nhất thế giới này không thể cao là do nó thường bị những nhân viên trong trạm khí tượng tỉa cành, cắt ngọn để làm cây thông Noel. Điều này có thể đã xảy ra cách đây vài thập kỷ trước khi đảo Campbell đóng vai trò là nơi tiếp đón các đoàn khí tượng quanh năm.
Nhiều người tin rằng cây vân sam Sitka có thể tồn tại lâu như vậy do tính chất thực tế 'hoang sơ' của hòn đảo Campbell.
Cây vân sam Sitka được coi là 'nhân chứng sống' nhắc nhở về tác động của con người đối với hệ sinh thái độc đáo này. Bởi đảo Campbell từng bị con người khai thác kể từ sau khi được phát hiện vào năm 1810.
Vào năm 2014, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu từ cây cổ thụ này để kiểm tra thông tin khí hậu có trong những vòng cây. Dù ở vị trí vô cùng xa xôi, nhưng những vòng cây của cây cô đơn nhất thế giới tiết lộ rằng nó từng chứng kiến vụ thử hạt nhân vào năm 1965. Hay nói cách khác, cây này chính là nhân chứng cho sự khởi đầu của kỷ Anthropocene, kỷ nguyên địa chất mà con người đóng vai trò chính yếu.
Điều này càng thu hút nhiều du khách muốn đến đảo Campbell để tận mắt trông thấy cây cô đơn nhất thế giới.
Đảo Campbell là khu bảo tồn thiên nhiên và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, việc tiếp cận bị hạn chế và lên đảo cũng bị kiểm soát. Do đó, nếu du khách muốn đến đảo Campbell thì cần xin giấy phép trước. Trên thực tế, các công ty lữ hành tư nhân cũng có cung cấp các tour đến đảo. Du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm và chiêm ngưỡng cây cô đơn nhất thế giới.