Bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, với những thành tựu công nghệ không gian vượt trội, thế giới đang bước vào cuộc đua chinh phục vũ trụ đáng kinh ngạc hơn bao giờ hết. Sân chơi mở rộng cho mọi đối tượng: Từ các siêu cường vũ trụ thế kỷ 20 (Mỹ, Liên Xô - nay là Nga), các cường quốc mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ...) đến các công ty tư nhân và cá nhân tỷ phú công nghệ (như Elon Musk, Jeff Bezos...)
Đích đến cho các cuộc đua không gian thế kỷ 21 chính là lên Mặt Trăng, khám phá sao Hỏa, thăm dò Mặt Trời và các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời, xa hơn nữa là tìm kiếm dấu hiệu sự sống ở các ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời).
Cách Trái Đất chỉ 384.400 km, Mặt Trăng đang là mục tiêu chinh phục gần nhất của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Nga...
Kể từ sứ mệnh Apollo 11 năm 1969 của thế kỷ 20 - khi NASA đưa Neil Armstrong và đồng đội của anh đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng - bước sang thế kỷ 21, chưa một quốc gia hay cá nhân nào tái thực hiện các cuộc đổ bộ của Mỹ thực hiện từ năm 1969 - 1972.
Điều này bắt đầu thay đổi khi tính cho đến nay, ít nhất 10 sứ mệnh của gần 10 quốc gia trên thế giới đã được hoạch định trước khi năm 2021 kết thúc. Và đó mới chỉ là khởi đầu.
Khi 'nhà nhà' đua nhau lên Mặt Trăng tạo thành 'Cơn sốt vàng' thế kỷ 21 thì câu chuyện ai sẽ bảo vệ Mặt Trăng hay con người cứ mặc nhiên khai thác tài nguyên bừa bãi trên đó? Hay Mặt Trăng có sức tự bảo vệ mình không? Bằng cách nào?
'MIẾNG BÁNH NGON'
Mỗi mét vuông trên Mặt Trăng đều có giá trị riêng. Qua hàng triệu năm bị bắn phá bởi thiên thạch, bề mặt Mặt Trăng được bao phủ bởi một lớp vật liệu quý giá. Nếu như ở Trái Đất vào thế kỷ 19 có Cơn sốt vàng California 1848–1855 thì Mặt Trăng thế kỷ 21 cũng có 'Cơn sốt vàng' của riêng nó.
Vùng tối vĩnh viễn tại Cực Nam Mặt Trăng có màu xanh lam. Hình ảnh được chụp bởi Tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng của NASA. Nguồn: NASA / GFSC
Những nhà quan sát vũ trụ nhận định, Mặt Trăng được ví như 'Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ' bởi nơi đây chứa rất nhiều tài nguyên quý hiếm:
Mặt Trăng được cho là có chứa các tài nguyên gồm Helium-3 (một nguồn năng lượng sạch, không phát thải phóng xạ và có khả năng sử dụng trong các lò phản ứng nhiệt hạch, vô cùng hiếm hoi và đắt đỏ trên Trái Đất), các nguyên tố đất hiếm (được sử dụng trong thiết bị điện tử), titan và nước đá. Nằm trong các miệng núi lửa ở các cực, nước đá có thể được sử dụng để làm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp Mặt Trăng và tạo cơ sở để thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.
Do đó, có khả năng vệ tinh tự nhiên này sẽ là nơi rất nhiều quốc gia, công ty tư nhân khai thác. Khi hành trình lên Mặt Trăng dễ dàng hơn vào các thập kỷ tới, một câu hỏi đặt ra là: Liệu Mặt Trăng có nên được cấp tư cách pháp nhân hay không?
Tư cách pháp nhân đã được mở rộng cho nhiều thực thể không phải con người: Một số con sông, các vị thần ở một số vùng của Ấn Độ và các tập đoàn trên toàn thế giới. Vì các thực thể không phải con người này không tự thực hiện các quyền như giao kết hợp đồng, sở hữu tài sản và kiện người khác... nên chúng cần có những người ủy thác được chỉ định để thay mặt chúng hành động.
Vào tháng 3/2017, New Zealand công nhận dòng sông Whanganui là một 'thực thể sống', trở thành con sông đầu tiên trên thế giới có tư cách pháp nhân.
Giờ đây, người ta đang quan tâm liệu Mặt Trăng có được công nhận là một thực thể sống hay không.
MẶT TRĂNG LÀ THỰC THỂ SỐNG?
Alice Gorman - Phó Giáo sư ngành Khảo cổ học và Nghiên cứu Không gian thuộc Đại học Flinders (Australia) là một chuyên gia khảo cổ học không gian, chuyên nghiên cứu những địa điểm liên quan đến khám phá không gian trong thế kỷ 20 và 21.
Bà rất quan tâm đến việc khai thác có ý nghĩa như thế nào đối với di sản của con người trên Mặt Trăng.
Những nơi như Tranquility Base - Vùng Tĩnh lặng, nơi con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 1969, có thể được coi là di sản cho cả nhân loại. Có hơn 100 đồ vật được để lại trên Tranquility Base, bao gồm một máy quay phim truyền hình, dụng cụ thí nghiệm và giày không gian của phi hành gia NASA Buzz Aldrin.
Những đồ vật như thế này chứa đầy ý nghĩa và kỷ niệm. Chúng không chỉ do con người tạo ra, chúng còn định hình hành vi của con người theo ý chí. Trong bối cảnh này, PGS Alice Gorman muốn xem xét hai khía cạnh của tính cách 'rất người' của Mặt Trăng: Ký ức và quyền tự quyết.
Nhà triết học thế kỷ 17 người Anh John Locke (1632-1704) cho rằng trí nhớ là đặc điểm chính của tính cách con người. Thời nay, chúng ta có thể chấp nhận việc gán những thứ rất người-rất đời ấy cho đại dương, Trái Đất, Mặt Trăng...
Whanganui trở thành con sông đầu tiên trên thế giới có tư cách pháp nhân. Ảnh: Visitwhanganui.nz
Một lý do khác khiến các nhà khoa học muốn nghiên cứu Mặt Trăng là để khôi phục lại ký ức/quá khứ về cách Mặt Trăng hình thành sau khi tách khỏi Trái Đất hàng tỷ năm trước. Ký ức này được mã hóa trong các đặc điểm địa chất như miệng núi lửa, các cánh đồng dung nham, các vùng cực Mặt Trăng - nơi bóng tối hai tỷ năm tuổi bảo tồn nước đá quý giá.
Lớp ký ức gần đây nhất ghi dấu sự xuất hiện của loài người Trái Đất cách đây 5 thập kỷ có lẻ. Điều này hẳn nhiên thuộc về di sản và ký ức của con người, nhưng giờ đây nó cũng là ký ức Mặt Trăng.
PGS Alice Gorman, tác giả bài viết đăng trên The Conversation. Ảnh: Tedxsydney
Ủy ban Quốc tế về Nghiên cứu vũ trụ (COSPAR) duy trì Chính sách Bảo vệ Hành tinh. Chính sách này nhằm ngăn chặn nguy cơ gây hại cho sự sống tiềm tàng trên các hành tinh và các mặt trăng khác trong Hệ Mặt Trời. Mặt Trăng của Trái Đất cần ít sự bảo vệ vì nó trước đây được coi là một thế giới chết (dead world - PGS Alice Gorman viết).
Nhưng từ khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, thứ chúng ta nhận thấy không chỉ là cảnh quan rất sống động được định hình bởi bụi, bóng tối và ánh sáng, mà còn là cách Mặt Trăng 'phản ứng' với sự can thiệp con người: Mặt Trăng có bụi gây kích ứng phổi, có thể ngăn thiết bị điện tử của con người và cô lập con người với Trái Đất.
Điều này không phải thù địch gì cả, chỉ là Mặt Trăng là chính nó.
Nhà triết học người Australia Val Plumwood coi Mặt Trăng như một người cùng tham gia vào các vấn đề của con người, thay vì chỉ đơn giản là vật chất chết vô hình: Nếu không cấp cho Mặt Trăng tư cách pháp nhân, con người chúng ta sẽ dễ dàng khai thác bừa bãi Mặt Trăng, khi nhiều phần trong 'cơ thể' nó bị khai thác cạn kiệt, chúng ta sẽ bỏ đi và quên những gì Mặt Trăng đã mang đến cho con người.
Bởi thế, 'Nỗ lực của chúng tôi là đưa Mặt Trăng trở thành thực thể sống, để nó được luật pháp quốc tế bảo vệ. Nếu Mặt Trăng là một pháp nhân, nó sẽ cần gì ở chúng ta để mãi được lưu giữ những ký ức vũ trụ đã hình thành nên nó? Câu trả lời có thể nằm ở thái độ của chúng ta' - Alice Gorman - Phó Giáo sư ngành Khảo cổ học và Nghiên cứu Không gian thuộc Đại học Flinders (Australia) kết luận.
Vào tháng 4/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp về việc sử dụng 'tài nguyên ngoài Trái Đất', trong đó nêu rõ lập trường của Mỹ về việc khai thác trên Mặt Trăng và các thiên thể khác: 'Người Mỹ nên có quyền tham gia vào các hoạt động thương mại thăm dò, phục hồi và sử dụng các nguồn tài nguyên ngoài không gian'.
Bài viết gốc được đăng trên The Conversation.
Bài viết sử dụng nguồn: Cosmos Magazine/The Conversation