Hình ảnh phổi mới của bệnh nhân Davey Bauer (trái) và phổi cũ chứa đầy mủ (phải). (Ảnh: Northwestern Medicine)
Kỹ thuật đặc biệt này đã cứu sống một bệnh nhân nam bị nhiễm trùng phổi nghiêm trọng.
Trong hơn 10 năm, bệnh nhân 34 tuổi Davey Bauer đã hút mỗi ngày một bao thuốc lá. Sau đó, anh chuyển sang hút thuốc lá điện tử, tuy nhiên lại bị nghiện hơn. Phổi của anh bị tổn thương nghiêm trọng và thuốc kháng sinh không còn có tác dụng. Cùng với việc đồng thời bị cúm, bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, buộc phải cấy ghép hai lá phổi để giữ tính mạng.
Anh Davey Bauer đang hồi phục sau ca ghép phổi. (Ảnh: Northwestern Medicine)
Vào cuối tháng 5 vừa qua, các bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ phổi bị nhiễm trùng và tạo ra một lá phổi nhân tạo để giúp bệnh nhân sống sót, trong khi chờ đợi phổi từ người hiến tặng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, vẫn cần có thêm bộ phận đóng vai trò giữ chỗ trong khoang ngực. Và đó là khi kỹ thuật cấy túi độn ngực cỡ lớn được áp dụng.
Tiến sĩ Ankit Brahat, Trưởng Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Đại học Northwestern, bang Chicago, Mỹ, nói: 'Bạn biết đấy, khi không có phổi, ta phải cố gắng giữ tim ở đúng vị trí. Khi ấy, chúng tôi đã quyết định nhờ đến một bác sĩ thẩm mỹ để cấy ghép túi ngực cho bệnh nhân.
Một ngày sau, ca phẫu thuật ghép phổi hiến tặng cho bệnh nhân được thực hiện. Bệnh nhân sau đó đã hồi phục với tốc độ đáng ngạc nhiên và được xuất viện vào cuối tháng 9.
Davey Bauer cùng bác sĩ phẫu thuật của mình, Tiến sĩ Ankit Bharat. (Ảnh: Northwestern Medicine)
Anh Davey Bauer, bệnh nhân được cấy ghép phổi, nói: 'Tôi cảm thấy rất biết ơn. Tôi thậm chí không thể diễn đạt thành lời một cách trọn vẹn. Các bác sĩ đã cho tôi cơ hội sống thứ hai. Điều đó thật không thể tin nổi'.
Việc cấy ghép túi ngực này là một kỹ thuật sáng tạo, giúp cơ thể bệnh nhân có thời gian chống lại tình trạng nhiễm trùng, từ đó có thể tiếp nhận ghép phổi. Đây có thể là trường hợp đầu tiên về phương pháp cấy ghép tiềm năng, cứu sống những người gặp tình trạng nhiễm trùng mà nhiều năm trước có thể đã không qua khỏi.