Hồi đầu năm nay, giống như hàng triệu thanh niên ở Trung Quốc, Fangzi (tên nhân vật đã được thay đổi) quyết định truy cập vào nền tảng việc làm Boss Zhipin để tìm kiếm công việc thực tập. Nền tảng Boss Zhipin đã có hơn 200 triệu người ở Trung Quốc đăng ký sử dụng.
Sau một lúc tìm kiếm, cô gái trẻ ngoài 20 tuổi đã tìm được công việc trợ lý cho giám đốc bán hàng tại một công ty. Ban đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Fangzi được mời đi phỏng vấn vào chiều cùng ngày nộp hồ sơ và được bắt đầu đi làm ngay vào ngày hôm sau.
Quấy rối tình dục trở thành vấn nạn ở nhiều nơi làm việc tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Song Fangzi cũng bắt đầu cảm thấy bất an, bởi trong quá trình phỏng vấn, giám đốc kinh doanh đã hỏi cô còn độc thân hay không. Khi bị cô gái trẻ vặn hỏi vì sao lại hỏi câu hỏi này, giám đốc kinh doanh đã lờ đi. Nhưng khi Fangzi bắt đầu làm công việc thực tập, anh ta lại một lần nữa nhắc tới vấn đề nhạy cảm. Thậm chí, sau khi hết giờ làm, Fangzi còn nhận được nhiều tin nhắn mang tính khơi gợi từ phía cấp trên.
“Anh ta nói tôi nên nhiệt tình hơn và ôm ấp anh ta khi tôi ở công ty. Anh ta thậm chí còn hỏi tôi còn là gái trinh hay không, và hỏi về sở thích tình dục cá nhân”, cô Fangzi nói với Sixth Tone.
Những ngày sau đó, sự quá quắt của nam giám đốc ngày càng tăng lên. Tại bữa tiệc tối của công ty, người này đã cố tình chuốc rượu cho Fangzi và còn khăng khăng đòi đưa cô về nhà, nhưng bị cô gái từ chối. Vào sáng ngày hôm sau, anh ta đe dọa cho dừng công việc thực tập của Fangzi, nếu như cô gái không chấp thuận ngủ với mình. Thậm chí, giám đốc kinh doanh cho biết anh ta sẽ trừ lương của Fangzi vì “thái độ không thể chấp nhận được” của nữ nhân viên.
Ngay chiều hôm đó, Fangzi đã bỏ việc và chia sẻ trải nghiệm đau thương của bản thân lên ứng dụng mạng xã hội WeChat. Fangzi cũng bắt đầu tham gia chiến dịch trên mạng nhằm bêu tên và tố cáo những cấp trên lạm quyền, đồng thời gây sức ép để các trang tìm kiếm việc làm hàng đầu loại bỏ những đối tượng này khỏi ứng dụng.
Vấn đề nan giải
Quấy rối và lạm dụng tình dục tại nơi làm việc đang gia tăng ở Trung Quốc. Trong nhiều ngành nghề, văn hóa lạm dụng và phân biệt đối xử theo giới tính đã ăn sâu, dù chính phủ Trung Quốc đã cho ban hành luật chống quấy rối.
“Dù mại dâm là bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng tình dục vẫn đang được xem là thứ trao đổi để nhanh chóng ký được các thỏa thuận, hoặc gây ấn tượng với khách hàng”, cô Tong Lao, nhà sáng lập trang mạng xã hội “Girls, Don’t Be Scared” tập trung vào sự an toàn, các quyền lợi của phụ nữ và giáo dục tình dục có hơn 5 triệu người theo dõi ở Trung Quốc nhấn mạnh.
“Chiêu thức này đang được biến đổi theo năm tháng, và tình dục còn được xem là cách để những người cấp cao hơn lạm quyền và ban tặng sự ưu ái”, cô Tong nói thêm.
Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng đăng quảng cáo lên các nền tảng việc làm đã sử dụng những cụm từ nói giảm nói tránh để các nữ ứng viên biết được bản chất công việc mà mình được thuê.
Như cô Ling Dang, một người dùng Boss Zhipin sinh sống ở tỉnh Phúc Kiến, chia sẻ cô từng nhận được liên tiếp tin nhắn từ một nhà tuyển dụng trên nền tảng Boss Zhipin với câu hỏi “Bạn có muốn ăn kem không?”.
Ban đầu cô Ling không hiểu câu nói này mang ý nghĩa gì nên vào mạng tra. Cô gái mới giật mình biết rằng “ăn kem” ám chỉ các kiểu tình dục từ quan hệ tình dục bằng đường miệng cho tới gửi ảnh khiêu dâm.
Cũng theo cô Tong, các nhà tuyển dụng còn ám chỉ yếu tố tình dục khi yêu cầu ứng viên mặc tất lưới màu đen. Thậm chí, không ít người quản lý hỏi ứng viên nữ có phải là “người hướng ngoại”, hoặc có sẵn sàng được đào tạo riêng hay không.
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ lên các nền tảng tìm việc và được thuê vào làm tại những vị trí đòi hỏi ngoại hình sau này đều nhận ra công việc của họ có liên quan tới tình dục.
“Nhiều người phụ nữ đã chia sẻ với tôi về những công việc như thuê làm người mẫu hay vũ công trên các nền tảng việc làm. Những quảng cáo này ban đầu giống như tìm kiếm người mẫu thực thụ, nhưng sau khi được phỏng vấn, họ phát hiện bản thân như đang đi xin vào làm lao động tình dục”, cô Tong nói thêm.
Cô Tong nhắc tới huachang, một loại câu lạc bộ đêm chuyên tuyển các nữ vũ công. Tuy nhiên, trên thực tế, những câu lạc bộ này giống như nhà chứa, nơi người tới câu lạc bộ trả tiền để các vũ công ngồi cùng uống rượu, trò chuyện và cuối cùng là đôi bên đưa nhau tới khách sạn vào đêm muộn.
“Ban đầu những cô gái được đào tạo nhảy múa và catwalk giống như họ đang được huấn luyện để làm người mẫu hoặc vũ công. Nhưng ngay khi họ được đưa tới làm việc tại các câu lạc bộ, họ sẽ bị ông chủ ép quan hệ tình dục với khách hàng để lấy tiền”, cô Tong cho hay.
Biển quảng cáo của nền tảng việc làm Boss Zhipin. (Ảnh: IC)
Chưa được bảo vệ
Trong những tình huống như trên, phụ nữ khó có cách để bảo vệ bản thân. Bởi ngay cả việc tố cáo sự việc với các kênh nội bộ của công ty, hay chính quyền địa phương cũng không được giải quyết.
Vào năm 2005, Trung Quốc lần đầu tiên ban hành luật chống quấy rối tình dục. Tới năm 2020, một điều khoản mới được đưa vào Bộ luật Dân sự yêu cầu người sở hữu lao động có hành động ngăn chặn hành vi quấy rối tại nơi làm việc.
Song theo Aaron Halegua, một luật sư ở New York chuyên về luật lao động của Trung Quốc, “Dù luật quy định người sở hữu lao động đưa ra các biện pháp ngăn chặn quấy rối tình dục, nhưng luật lại không nhắc tới trách nhiệm pháp lý đối với chủ sở hữu lao động nếu họ không thực hiện yêu cầu”.
Trong những năm gần đây tại Trung Quốc, một loạt vụ việc lạm dụng tình dục phụ nữ liên quan tới người nổi tiếng cũng đã bị phanh phui, nhưng nạn nhân vẫn không đòi được công lý cho bản thân.
Điển hình, hồi tháng Tám, Zhou Xiaoxuan hay còn gọi là Xianzi đã thua vụ kiện chống lại người dẫn truyền hình nổi tiếng Zhu Jun. Cô Zhou tố cáo ông Zhu quấy rối tình dục, nhưng tòa án lại đưa ra phán quyết cáo buộc của cô Zhu “thiếu bằng chứng”.
Hay như năm ngoái, một nữ nhân viên làm việc tại tập đoàn Alibaba cáo buộc người quản lý tấn công tình dục trong chuyến đi công tác. Nhưng người quản lý đã phủ nhận sau khi bị cảnh sát bắt vì có “hành vi cưỡng bức”. Nhưng sau vài tháng, Alibaba đã sa thải nữ nhân viên đi tố cáo cấp trên khi cho rằng cô này “lan truyền thông tin sai sự thật và gây ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty”.
Còn vào tháng Tám năm nay, một tài khoản trên Weibo cáo buộc người tuyển dụng ở thành phố Quảng Châu đã lợi dụng nền tảng Boss Zhipin để thuê những người phụ nữ trẻ tuổi làm lao động tình dục. Thông tin này ngay lập tức gây sốt và nhận được hơn 10 triệu lượt xem, cũng như đẩy Boss Zhipin vào tâm điểm chú ý của dư luận Trung Quốc.
Sau đó vài tuần, Boss Zhipin đã ra thông báo đưa vào danh sách đen hơn 200.000 nhà tuyển dụng bị cáo buộc “quấy rối tình dục, sử dụng những từ ngữ hoặc hình ảnh khiêu dâm, cùng nhiều hành vi quấy rối tình dục khác”, đồng thời cấm những đối tượng này sử dụng nền tảng.