Mới đây, một trường hợp được tiết lộ trên tài khoản WeChat "Phổ biến pháp luật Quảng Châu" của Văn phòng Tư pháp thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Theo đó, cô Trương đã bị cha mẹ ruột kiện lên tòa án đòi 500.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 1,7 tỷ VNĐ) tiền phụng dưỡng.
Theo trang tin Yangtse, chuyện là cô Trương (29 tuổi) trước đây được cha mẹ gửi đến sống tại nhà dì của cô từ khi 2 tuổi do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ cô chỉ giữ lại em trai cô để nuôi. Trong quá trình sống tại nhà dì, cô Trương được dì nuôi dưỡng toàn bộ, bố mẹ cô cũng ít liên lạc.
Sau khi cô Trương được dì nuôi lớn lên thành đạt, công thành danh toại, đã báo hiếu dì bằng cách mua nhà cho em họ - con trai của dì. Thấy vậy, bố mẹ ruột của cô Trương cũng đòi cô mua nhà cho em trai ruột.
Vì thấy mình không có trách nhiệm này, cũng như nghĩ đến việc bố mẹ đã trọng nam khinh nữ mà để cô đến ở nhà dì, nhất là còn phó mặc, không quan tâm gì đến cô, nên cô Trương đã không đồng ý yêu cầu này của bố mẹ.
Cô Trương bày tỏ thái độ cương quyết rằng mình sẽ không cho em trai ruột tiền mua nhà. Vì điều này, mâu thuẫn giữa cô Trương và bố mẹ ngày càng gay gắt. Mâu thuẫn dẫn đến đỉnh điểm khi bố mẹ kiện cô Trương ra tòa và đòi 500.000 Nhân dân tệ tiền phụng dưỡng.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Trung Quốc, chị không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em trai, trừ trường hợp cả cha và mẹ đều đã mất hoặc không còn khả năng nuôi dưỡng, em trai là người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo phán quyết của tòa, vì bố mẹ cô gái đã có đầy đủ tiền lương hưu để dưỡng già và bản thân họ cũng không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của người làm cha làm mẹ khi gửi con gái cho người dì nuôi ngay từ khi còn rất nhỏ, nên hai bên sẽ thương lượng lại với nhau về khoản tiền phụng dưỡng, chứ theo pháp luật thì cô Trương không có trách nhiệm này.
Sự việc này đã gây ra “làn sóng” phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Cư dân mạng xứ Trung bày tỏ sự lo lắng về tình cảm gia đình, trách nhiệm của cha mẹ và con cái đối với nhau, nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong ý nghĩ của nhiều người.
Đa số mọi người đều đứng về phía cô Trương, cho rằng bố mẹ cô ấy chỉ nhận chăm sóc em trai và bỏ mặc cô là hành động mà người làm cha làm mẹ không nên làm, nhất là khi thấy cô thành đạt lại quay ra yêu cầu phải có trách nhiệm với cha mẹ.
Một số khác thì cho rằng mặc dù bố mẹ ruột không tốt với cô Trương, nhưng nếu có điều kiện thì cô cũng nên giúp em trai một chút để tỏ lòng hiếu kính cũng như gắn kết tình thân trong gia đình.
Xét cho cùng, tình cảm và sự gắn kết của gia đình cần được nuôi dưỡng và vun đắp từ hai phía. Song song với quyền lợi luôn là trách nhiệm. Cha mẹ và con cái đều cần phải có trách nhiệm để xây đắp sự đầm ấm trong gia đình.