Do Hee Yeon, một fan K-Pop cuồng nhiệt ở độ tuổi 20, mới đây đã chi 471.000 won (khoảng 360 USD) để tham dự 3 buổi concert của nhóm nhạc nam SHINee. Tuy nhiên, cô cho rằng giá như vậy là quá cao, nhất là với những sinh viên và những người chưa có công việc ổn định như cô.
Theo Hee Yeon, trước đại dịch Covid-19, vé concert K-Pop thường có giá khoảng 120.000 won (tương đương 91 USD), tuy nhiên gần đây giá vé đã tăng gần 30%, lên 157.000 won. Người hâm mộ này cũng chia sẻ rằng một người bạn của cô đã phải cân nhắc khi số tiền kiếm được từ công việc làm thêm chỉ để đủ tiền mua vé, đồng thời bày tỏ sự bức xúc trước mức giá phi lý mà người hâm mộ phải trả chỉ để được xem nghệ sĩ yêu thích của họ trên sân khấu.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Times, Do Hee Yeon thú nhận: 'Chúng tôi thường cảm thấy như tình yêu K-Pop trong sáng của mình đang bị lợi dụng', đồng thời nói thêm: 'Nếu giá cả tiếp tục tăng như thế này, chúng tôi có thể sẽ không thể tham dự được những concert trong tương lai'.
Năm 2019, giá vé cho tất cả các ghế trong concert của BTS Love Yourself: Speak Yourself được tổ chức tại Sân vận động Olympic ở Jamsil, Seoul, là 110.000 won. Tuy nhiên, sau 3 năm, vé VIP xem concert Permission to Dance on Stage – Seoul của BTS có giá cao ngất ngưởng 220.000 won, trong khi vé tiêu chuẩn cũng tăng lên 165.000 won.
Ngoài ra, bên cạnh BTS, các nhóm nhạc khác thuộc HYBE Labels, chẳng hạn như TXT, SEVENTEEN và ENHYPEN, cũng tăng giá vé concert. Vào năm 2022, vé xem buổi biểu diễn của các nhóm này có giá khoảng 132.000 won, trong khi vào năm 2023, vé VIP và vé tiêu chuẩn có giá lần lượt là 198.000 won và 154.000 won. Có vẻ như việc thu được hơn 198.1 triệu USD doanh thu từ buổi concert vào năm 2022 là không đủ đối với HYBE, người đã quyết định tăng giá 50% vào năm tới.
Các fan K-Pop quốc tế cũng có chung tâm trạng. Theo hãng truyền thông địa phương MGR Online, giá vé cho các buổi concert ở Thái Lan đã tăng gần 20% kể từ năm 2019. Với trường hợp của nhóm nhạc nữ BlackPink, một vé VIP được bán với giá 14.800 baht (khoảng 400 USD), cao gần gấp ba lần so với giá vé trung bình cho một buổi concert trong nước.
Một số người hâm mộ Thái Lan đã đưa vấn đề này lên Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Thái Lan nhưng không có giải pháp nào được đưa ra. Đơn giản, không có luật nào điều chỉnh giá vé concert tại nước này, vì nó hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận giữa người bán và người tiêu dùng.
Liên quan đến tình trạng này, giáo sư khoa học tiêu dùng Lee Eun Hee tiết lộ, chính phủ Hàn Quốc không thể kiểm soát giá của những mặt hàng không thiết yếu như vé xem concert. Vì các buổi concert K-Pop là một thị trường tự do với sự cạnh tranh, nên không có tiêu chí rõ ràng nào để xác định liệu một chiếc vé có quá đắt hay không.
Tuy nhiên, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 5.1% trong năm qua, tốc độ tăng giá vé K-Pop quả thực làm dấy lên nhiều lo ngại.
Giáo sư Lee Eun Hee cũng chỉ ra rằng các fandom K-Pop chủ yếu bao gồm những người trẻ tuổi. Theo chỉ số theo dõi của Hanteo Chart, thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 chiếm hơn 89% người hâm mộ K-Pop toàn cầu vào năm 2021. Do đó, điều quan trọng là các công ty giải trí phải cân nhắc rằng người hâm mộ, phần lớn trong số họ là thanh thiếu niên, có thể không có khả năng chi trả vẻ concert.
Tương tự, Lee Gyu Tak, phó giáo sư nghiên cứu văn hóa, đồng ý rằng giá vé hiện tại có thể gây gánh nặng cho một số người hâm mộ, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết có những lý do đằng sau việc tăng giá. 'Đại dịch COVID-19 đã khiến giá cả của hầu hết mọi thứ tăng vọt, từ nhân công đến phương tiện đi lại. Ngày nay, các buổi biểu diễn K-Pop đã phát triển về quy mô và nâng cao về chất lượng, đòi hỏi nhiều nhân viên và trang thiết bị hơn. Nhiều buổi biểu diễn thậm chí bao gồm các ban nhạc sống, tất cả đều cần tiền. Vậy nên, việc concert K-Pop tăng giá vé cũng là điều dễ hiểu', giáo sư nói.
Theo Lee Gyu Tak, các công ty có hai cách để xoa dịu những người hâm mộ đang bất bình. Đầu tiên, họ có thể giảm giá vé bằng cách tổ chức các buổi biểu diễn tại các địa điểm nhỏ hơn và rẻ hơn. Nếu không, họ cần nâng cao chất lượng các buổi biểu diễn để khiến khán giả cảm thấy số tiền họ bỏ ra là xứng đáng.
'Trên thực tế, nhiều buổi hòa nhạc tại các sân vận động lớn không khác biệt đáng kể về chất lượng so với các địa điểm nhỏ hơn', giáo sư cho biết thêm, 'Một khi các công ty đầu tư nhiều hơn vào việc làm phong phú thêm trải nghiệm của khán giả, chẳng hạn như thêm nhiều hiệu ứng hình ảnh hơn vào sân khấu, họ có thể xoa dịu những người phàn nàn về giá vé cao'.